Khám phá Tết cung đình

NDO -

Nhà vua ăn Tết như thế nào, các lễ tiết trong cung đình ra sao, ngày Tết trong cung chúc nhau như thế nào… Với các tài liệu từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, gồm mộc bản, châu bản, ảnh, tài liệu…, người dân thời hiện đại, đặc biệt là người trẻ, đã có thể hình dung ra cơ bản một cái Tết bên trong cung cấm thời Nguyễn cách đây trăm năm.  

Thơ chúc tết của Hoàng đế Thiệu Trị tại Triển lãm "Cung đình đón Tết" của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Thơ chúc tết của Hoàng đế Thiệu Trị tại Triển lãm "Cung đình đón Tết" của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ban lịch, định ngày nghỉ Tết

Theo các tài liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, từ trước Tết một tháng, triều đình đã chuẩn bị cho Lễ Ban sóc, tức là ban lịch cho năm mới, được tổ chức vào ngày 1 tháng Chạp hằng năm, để người dân theo lịch đó mà làm các vụ mùa, cày cấy thu hoạch... Lễ Ban sóc được bắt đầu từ năm Gia Long thứ 5 (1806), ban đầu được tổ chức tại điện Thái Hòa, từ thời Thiệu Trị trở đi được làm tại lầu Ngọ Môn “cho hợp với điển lệ”, theo bản tấu của Bộ Lễ vào năm Thiệu Trị thứ 2 (1842). Vào ngày 1 tháng Chạp, nhà vua ngự điện Thái Hòa. Lễ bộ dẫn Khâm thiên giám đem lịch Vạn toàn năm tiến vua để ban xuống cho dân. Bản tấu cho biết: “Trước kia, lấy ngày phong ấn để ban lịch. Năm Giáp Tý đổi dùng ngày hôm sau. Đến nay chuẩn định ngày mùng 1 tháng 12, làm lệ mãi mãi”.

Khám phá Tết cung đình -0
 Nhà vua và quần thần. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia.

Người dân sẽ nhận lịch tại địa phương mình, như một niềm vui đầu năm từ triều đình mỗi dịp năm mới. 

Sau đó, triều đình ấn định ngày nghỉ tết và trang hoàng hoàng cung.

Bản Tấu của Bộ Công về việc nghỉ lễ Tết vào năm Tự Đức thứ 27 (1874) được Hoàng đế Tự Đức phê có viết: “Từ nay về sau đặt thành lệ rằng, Tết Nguyên đán nghỉ từ 28 tháng Chạp đến mồng 8 đầu xuân mới làm việc, để binh lính thợ thuyền đều được nghỉ ngơi. Nếu có công việc khẩn cấp không thể hoãn thì xin riêng, vẫn cho làm việc”.

Khám phá Tết cung đình -0
 Kinh thành Huế ngày nay. Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH.

Dịp này, nhà vua cũng ban yến và phát tiền chiết cấp cho các viên biền binh thợ đang trấn giữ các đồn lũy trong vùng. Cũng có năm nhà vua ban thưởng rộng khắp chúng dân, như Tết Nguyên đán năm Minh Mạng thứ 8 (1827), người 80 tuổi trở lên cấp phát cho một súc vải, một phương gạo, người 90 tuổi trở lên cấp phát cho một súc lụa, hai phương gạo, người 100 tuổi trở lên cấp cho hai súc lụa, một súc vải, một súc vải, ba phương gạo… Cũng có năm, nhà vua cho dừng việc chúc tết và ban yến vì biên thùy chưa yên, vì thiên tai hoặc dịch bệnh…

Tạm ngưng công việc triều chính, tiễn năm cũ

Ngày 25 tháng Chạp, triều đình cử hành Lễ Phong ấn, tức là tạm ngưng công việc triều chính để chuẩn bị đón Tết. Trước khi được cho vào hòm niêm phong, các ấn chương được lau chùi sạch sẽ, cẩn thận, cho nên lễ này còn được gọi là Lễ Phất thức. Vào Lễ Phong ấn, thái giám bưng các hòm ấn báu và kim sách, kim bài, phù tín đến án chính giữa điện Cần Chánh. Nội giám trước hết kê khai danh sách các hoàng tử đã được phong và các viên đại thần văn võ nhất phẩm cùng Cơ mật, Nội các chờ nhà vua lựa chọn người tham gia. Sau đó, những người được lựa chọn mặc đầy đủ quan phục, xem xét lau chùi xong niêm phong khóa lại cẩn mật, rồi thái giám lại tôn kính đưa đi cất. Sau khi phong ấn, nhà vua và các quan tạm thời nghỉ việc triều chính. Bản tấu ngày 21 tháng Chạp năm Tự Đức thứ 16 (1863) viết: “Ngày hôm nay chúng thần đều đầy đủ quan phục, đến điện Cần Chánh lúc thái giám đem các hỏm bửu tỉ, kim sách, ngọc bài, kim bài đến. Chúng thần lau chùi xong đem danh sách kiểm tra đều thấy phù hợp. Phụng lãnh hoàng phong niêm phong cẩn mật”. Vì vậy, từ thế kỷ XVII, thương nhân Samuel Baron có viết: “Ngày 25 tháng Chạp, ấn triện được lật ngược lên trên và cất vào trong hộp đúng một tháng. Trong quãng thời gian đó, công đường đóng cửa, không có hoạt động xét xử gì diễn ra…”. Đầu năm mới, sau khi làm Lễ Khai ấn, công việc mới được tiếp tục trở lại.

Nhưng cũng có năm, đề phòng việc gấp cần đến mà không cất ấn.

Chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết, trong cung cũng sửa soạn trang hoàng đón xuân. Cũng giống như dân chúng có tục thỉnh gia tiên về ăn Tết, trong hoàng cung cũng có lễ thỉnh các vị Tiên đế về với triều đình, gọi là lễ Hợp hưởng. Lễ Hợp hưởng diễn ra vào ngày 22 tháng hạp. Đích thân Hoàng đế đến Thế Miếu hoặc Thái Miếu lam chủ lễ. Các hoàng tử, thân công, quan đại thần đi tế tại các miếu, điện. Lễ Hợp hưởng diễn ra vào lúc sắp tròn năm cũng là để tâu những việc đã thành, và để đón những điều tốt lành đầu năm. 

Khám phá Tết cung đình -0
 Lễ Tiến xuân ngưu được khôi phục tại Hoàng thành Thăng Long cuối năm 2020. Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH

Cũng trong tháng 12, còn có lễ Tiến xuân và Nghênh xuân, được tổ chức vào dịp Lập xuân. Hai lễ này lấy linh vật là Mang thần (thần bảo hộ nghề nông), Thổ Ngưu (con trâu đất) – biểu trưng cho công việc cày cấy, và Xuân Sơn (núi mùa xuân) – biểu thị cho đồng ruộng. Lễ Tiến Xuân và Nghênh xuân thể hiện việc đón hòa khí, tinh thần trọng nông và ước mong về một năm thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu. 

Khám phá Tết cung đình -0
 Lễ Thượng tiêu tại Hoàng thành Thăng Long năm 2017. Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH.

Vào ngày cuối cùng của năm, sẽ đồng thời diễn ra hai lễ: Lễ Tuế trừ (buổi sáng) và Lễ Trừ tịch (buổi tối), với ý nghĩa bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón điều tốt đẹp của năm mới. Lễ được cử hành ở Thái Miếu, nhà vua làm chủ lễ, các quan văn võ từ ngũ phẩm trở lên bồi tế. Tùy theo từng năm mà có bắn pháo tại sân lầu Ngọ Môn. Sau Lễ Trừ tịch, cửa chính Đông cũng được mở để quan, quân, dân đi lại, cho đến hết ngày mùng 1 Tết. Xong Lễ trừ tịch, triều đình làm Lễ Thượng tiêu (lễ dựng nêu) với ý nghĩa đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, cây nêu dựng ở điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, nơi ở và nơi thờ các vị vua. Trên cây nêu thường treo một chiếc ấn hành chính để chứng tỏ rằng dã đến lúc nghỉ Tết, không làm việc nữa. 

Đón năm mới

Ngày đầu tiên của năm mới, cũng như truyền thống đạo hiếu từ nhiều đời nay của dân tộc, nhà vua đích thân đến cung hoàng mẫu làm lễ chúc mừng. Làm lễ xong, vua ngự ở điện Thái Hòa, bách quan dâng biểu mừng. Lễ Nguyên đán được cử hành trọng thể ở điện Thái Hòa. Hoàng tử, hoàng thân, trăm quan làm lễ khánh hạ. Sau lễ mừng Tết, nhà vua ban yến, thưởng Tết cho các thân phiên, hoàng thân, bá quan văn võ cũng như ban ân chiếu rộng rãi cho dân chúng. Bản tấu của Bộ Lễ cho biết, ngày mùng 1 tết hằng năm có thiết nghi lễ đại triều ở điện Thái Hòa, gần đây thiết triều ở điện Cần Chánh. 

Ngày mùng 2 Tết, hoàng thượng làm Lễ Tiến tân và chiêm bái tại điện Phụng Tiên (nơi thờ các vua Nguyễn đời trước), ban thưởng yến tiệc và tiền vàng cho các quan văn từ lục phẩm, võ từ ngũ phẩm trở xuống. Đây cũng là ngày nhà vua dẫn các quan đến cung Gia Thọ chúc mừng các hoàng thân, bá quan và chuẩn lấy ngày hôm đó tham triều tại điện Cần Chánh. 

Khám phá Tết cung đình -0
 Kinh thành Huế ngày nay. Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH.

Ngày mùng 3 Tết, nhà vua lại đến Thái Miếu làm lễ, sai các hoàng thử, hoàng thân đến tế tại Triệu tổ miếu và miếu Hoàng khảo. Ngoài ra, vua cũng ban yến cho biền binh, lính thợ trấn giữ các đồn lũy. 

Mùng 7 Tết, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết, triều đình tổ chức Lễ Hạ tiêu và Lễ khai ấn, tượng trưng cho công việc của một năm mới bắt đầu. 

Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Nguyễn Phước Hải Chung cho biết, nhìn chung, từ những việc như chuẩn bị đón Tết qua việc phát lịch (Ban sóc), dựng nêu, đến việc tổ chức một cái Tết với nhiều nghi tiết mang tính điển lệ trong Hoàng cung, có thể thấy được những sinh hoạt văn hóa cung đình của người xưa ở Huế.

Nói về nghi lễ đón Tết trong cung đình xưa, GS Lê Văn Lan cho rằng, thông qua các nghi thức, nghi lễ, hoạt động và cả hình ảnh, chúng ta có thể thấy được cả tâm trạng, niềm vui, sự thành kính và đặc biệt là thái độ của người xưa. Những gì còn lại trong tài liệu lưu trữ cũng là một cơ sở rất quan trọng để từ đó phát huy những giá trị còn bảo lưu, giữ lại ở đó, để khai triển ra cho cuộc sống quá khứ và hiện tại. Cái Tết xưa được thể hiện theo lịch nông vụ tuần hoàn, có nghỉ ngơi, có làm việc. Cái Tết gần như nhìn lại một chặng đường, mở ra một chặng đường mới, hy vọng một năm mới tốt đẹp hơn. Tâm trạng của người dân và cả người đứng đầu một quốc gia trong các nghi lễ đón Tết cho thấy, trong bất kỳ cương vị nào của xã hội, giá trị tinh thần là rất quan trọng. Mỗi triều đại có lúc thăng lúc trầm, nhưng triều đại nào cũng luôn giữ được những giá trị nền tảng của xã hội. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng, Tết thể hiện một tinh thần nhân văn của người Việt, từ người dân cho đến vị đứng đầu một quốc gia cũng đều có tấm lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội vào dịp Tết đến, Xuân về.