Khắc phục tình trạng trùng tu sai lệch ở đình Văn Xá

NDO -

NDĐT- Di tích quốc gia đình Văn Xá, thôn Văn Kênh, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam được Ban Khánh tiết và Chi hội người cao tuổi địa phương tự ý sơn đỏ bằng sơn công nghiệp một số cấu kiện, kiến trúc gỗ của di tích, gây phản cảm và bức xúc trong dư luận. Tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng xây dựng phương án xử lý cho phù hợp.

Toàn cảnh đình làng Văn Xá, xã Đức Lý, huyện Lý nhân.
Toàn cảnh đình làng Văn Xá, xã Đức Lý, huyện Lý nhân.

Đình Văn Xá thờ nhị vị Thủy tề Long vương cùng song thân. Đình gồm hai tòa tám gian, tiền đường năm gian, hậu cung ba gian được kiến trúc theo kiểu chữ nhị. Tòa tiền đường được làm theo phong cách thời Hậu Lê, mái đình cong, thấp, lợp bằng ngói mũi hài loại lớn nặng từ chín đến 11kg, mũi ngói được trang trí hình lá đề cách điệu. Hệ thống cột lớn được làm theo kiểu búp đòng, chân cột đặt trên đá tảng rộng 1m. Các vì kẻ được chạm khắc công phu với nhiều đề tài khác nhau như: rồng chầu, long giáo tử, hổ ghé vai đỡ lá đao. Hậu cung mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn theo kiểu chồng rường, các cột cái đều đặt trên hệ thống tảng đá xanh, có chạm hoa văn tròn đều theo chu vi chân cột. Đình còn giữ được nhiều đồ thờ tự có giá trị như ngai thờ hai vị thần rắn, hương án cổ thời Hậu Lê, cỗ kiệu mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17–18, sập thờ, bia ghi lại sự tích thần, khay thờ và 30 đạo sắc phong của các đời.

Khắc phục tình trạng trùng tu sai lệch ở đình Văn Xá ảnh 1

Đình làng Văn Xá, xã Đức Lý, huyện Lý nhân bị tự ý sơn sửa một số cấu kiện tại gian công đồng.

Vừa qua, Di tích quốc gia đình Văn Xá được Ban Khánh tiết và Chi hội người cao tuổi địa phương tự ý sơn đỏ bằng sơn công nghiệp một số cấu kiện, kiến trúc gỗ, của di tích bao gồm: hai cột cái, hai cột quân, hai xà và hai kẻ, nghé ở gian giữa, phần mái phía sau tòa tiền đường (không gian đặt ban thời công đồng) làm ảnh hưởng đến giá trị vốn có của di tích, trái quy định của pháp luật về quản lý di sản văn hóa và phân cấp quản lý di tích trên địa bàn, gây phản cảm và bức xúc trong dư luận.

Xác định việc Ban Quản lý di tích tự ý sơn dùng sơn công nghiệp để sơn sửa một số cấu kiện là sai đối với di tích lịch sử văn hóa, trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến giá trị vốn có của di tích, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng xây dựng phương án xử lý cho phù hợp.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã thành lập đoàn công tác về làm việc với Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Lý Nhân, chính quyền xã Đức Lý, thôn Văn Kênh và Ban Quản lý di tích. Tại đây, các bên đã thảo luận rút kinh nghiệm sâu sắc và đi đến thống nhất phương án khắc phục.

Ông Nguyễn Quang Phi, Chủ tịch UBND xã Đức Lý cho biết: Hiện vật khay thờ đang được địa phương lưu giữ, chứ không phải là bị mất như một số báo mạng đã thông tin. Địa phương sẽ thường xuyên quan tâm đến công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di tích tại các di tích đã xếp hạng trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật và có biện pháp khắc phục hậu quả sớm, tuyệt đối không để tái diễn tình trạng tự ý sơn, sửa và tiếp nhận đồ thờ, hiện vật mà không được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền các cấp.

Khắc phục tình trạng trùng tu sai lệch ở đình Văn Xá ảnh 2

Cấu kiện gỗ tại đình làng Văn Xá được tự ý sơn đỏ bằng sơn công nghiệp.

Để khắc phục tình trạng trên, vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị UBND huyện Lý Nhân chỉ đạo cơ quan chuyên môn một số nội dung như: nghiên cứu, có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả đối với các cấu kiện gỗ đã bị sơn đỏ, trả lại nguyên trạng và giá trị vốn có của di tích. Hướng dẫn Ban Quản lý, người trông coi di tích tăng cường các phương án bảo vệ, phòng, chống trộm cắp di vật, cổ vật, bảo vật; bảo đảm giữ gìn an toàn tuyệt đối cho di tích.

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa; hướng dẫn, nâng cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương, Ban Quản lý di tích và chính quyền địa phương về việc quản lý, bảo vệ di tích phải bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và quy định phân cấp quản lý di tích trên địa bàn tỉnh. Tuyệt đối không để tình trạng tự ý tu bổ, sửa chữa di tích khi chưa được phép của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Những bài học về trùng tu, quản lý di sản liên tục trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã xảy ra đối với một vài di tích. Nên việc người được giao quản lý di sản phải hiểu biết về di sản và nhất định phải có những kiến thức cơ bản về di sản và việc bảo tồn di sản để tránh xảy ra các trường hợp do thiếu kiến thức mà tự ý sơn sửa các di tích như hiện nay.

* Di tích 500 năm "được" phun sơn công nghiệp