Hơn 100 hiện vật di tích quốc gia đặc biệt bị bỏ ngoài trời suốt 12 năm

NDO -

NDĐT - Gần 12 năm qua, kể từ khi được khai quật (từ năm 2006-2008), hơn 100 hiện vật là phù điêu trang trí tháp Dương Long di tích quốc gia đặc biệt đã bị phơi mưa nắng ngoài trời trong khuôn viên Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định.

Hơn 100 hiện vật tháp Dương Long bị phơi mưa, nắng gần 12 năm tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định.
Hơn 100 hiện vật tháp Dương Long bị phơi mưa, nắng gần 12 năm tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định.

Dẫn chúng tôi đi xem hơn 100 hiện vật là phù điêu trang trí tháp Dương Long được đặt hờ hững trên những thanh sắt ở một bãi đất trống gần một nhà kho, ông Bùi Tĩnh, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định than thở: “Gần 12 năm nay, khi các hiện vật tháp Dương Long được khai quật tại hai thôn Vân Tương, xã Bình Hòa và An Chánh, xã Tây Bình (thuộc huyện Tây Sơn), đem về Bảo tàng Tổng hợp tỉnh để bảo quản và chuẩn bị cho công tác trùng tu tháp Dương Long. Nhưng đến nay, hơn 100 hiện vật vẫn chưa được đưa vào kho, vào nhà để bảo quản và trưng bày.Trong nhiều năm qua, đơn vị đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên có thẩm quyền để xin kinh phí xây dựng nhà kho tạm chứa các hiện vật bảo quản, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Chúng tôi đành phải lấy khoảng trống sân phía sau khu trưng bày để làm chỗ chứa các hiện vật quý này. Theo Luật Di sản năm 2013, số hiện vật này không được phép để ngoài mưa, nắng, vì có giá trị cao về công trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa”.

Tháp Dương Long được xây dựng thế kỷ XIII, là một quần thể ba ngọn tháp đồ sộ nằm gần nhau, thẳng hàng theo trục bắc nam, các cửa chính đều quay về hướng đông. Tháp có nhiều tên gọi, ngoài tên phổ biến là Dương Long, đôi khi tháp còn được gọi theo địa danh: tháp Bình An, tháp An Chánh hay tháp Vân Tường. Người Pháp gọi di tích này là Tour d’ Ivoire (tháp Ngà). Theo sách Đại Nam nhất thống chí, ba tòa cổ tháp này được xây cất trên một tòa cao có tên là Dương Long, nằm ở phía nam núi Trà Sơn. Vào tháng 12-2015, tháp Dương Long được Thủ tướng quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Ông Bũi Tĩnh còn bộc bạch, trong khi nhiều bảo tàng ở các tỉnh khác được đầu tư xây mới khang trang, bề thế, thì Bảo tàng Tổng hợp của tỉnh dù cố gắng sắp xếp, tận dụng, cải tạo không gian, nhưng cũng chỉ có thể trưng bày được một phần rất nhỏ các hiện vật đang sở hữu. Nếu có không gian đủ rộng, rất nhiều hiện vật quý đã đến được với công chúng, không phải cứ ở mãi trong kho từ nhiều chục năm qua. Điều đáng tiếc, Bảo tàng đang lưu giữ và bảo quản hơn 13 nghìn tài liệu, hiện vật từ thời tiền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Champa, thời Tây Sơn cho đến thời hiện đại. Và số hiện vật này có thể tổ chức nhiều triển lãm, trưng bày chuyên đề đa dạng, hấp dẫn; trở thành những nội dung thú vị, thu hút nhiều du khách, trở thành một điểm đến thường xuyên. Nhưng nay, diện tích Bảo tàng đang hạn hẹp, không có cơ sở vật chất để tổ chức. Do vậy, người tham quan bảo tàng rất thưa thớt.

Thiết nghĩ, để các hiện vật là phù điêu trang trí tháp Dương Long không bị hủy hoại bởi tác động của môi trường, cũng như làm mất đi giá trị của di sản văn hóa, tỉnh Bình Định cần sớm có chính sách đầu tư xây dựng nhà kho tạm chứa để bảo quản các hiện vật.