Hội thảo khoa học “Tiếng Việt trong Truyện Kiều”

NDO -

Ngày 25-9, tại TP Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Hội Kiều học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “ Tiếng Việt trong Truyện Kiều”.

Hội thảo khoa học “Tiếng Việt trong Truyện Kiều”, sáng 25-9 tại TP Hà Tĩnh.
Hội thảo khoa học “Tiếng Việt trong Truyện Kiều”, sáng 25-9 tại TP Hà Tĩnh.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình Kỷ niệm 255 năm Ngày sinh (1765 -2020), tưởng niệm 200 năm Ngày mất (1820 - 2020) Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du nhằm khẳng định giá trị và sức sống trường tồn của kiệt tác Truyện Kiều. Đồng thời tôn vinh công lao của Nguyễn Du trong việc phát huy và sáng tạo cái hay, cái đẹp của tiếng Việt khi viết Truyện Kiều, góp phần phổ biến, giữ gìn, bảo vệ những giá trị của tiếng Việt. Qua hội thảo sẽ công bố những kết quả nghiên cứu mới về Truyện Kiều dưới góc độ ngôn ngữ và ngôn ngữ học, từ đó giúp cho việc tìm hiểu, thưởng thức, dịch thuật và phổ biến Truyện Kiều được sâu rộng, chuẩn xác hơn.

Theo Giáo sư Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, Tiếng Việt trong Truyện Kiều - câu chuyện chúng ta bàn hôm nay, sau lịch sử khoảng 200 năm khi Truyện Kiều ra đời, trước hết có ý nghĩa tôn vinh Đại thi hào Nguyễn Du, người đã đưa tiếng Việt lên một tầm cao giá trị mới, trước và sau ông và cho đến nay chưa ai sánh được. Từ là một khúc “Nam âm tuyệt xướng”, là “thiên thu tuyệt diệu từ” đến “Nguyễn Du viết Truyện Kiều đất nước hóa thành văn” (Chế Lan Viên), “Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày” (Tố Hữu) trải qua 200 năm, vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt trong truyện Kiều ngày càng tỏa rạng hơn, sâu lắng hơn. Một tiếng Việt của Nguyễn Du cũng là tiếng Việt cho muôn người, cho muôn đời - nó là của cải, giá trị, là kho báu để khẳng định sự trường tồn của dân tộc.

Dự hội thảo, 48 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và những người yêu mến Truyện Kiều đã đề cập đến cội nguồn và sự hiện diện của thiên tài tiếng Việt Truyện Kiều. Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đình Chú khẳng định, tiếng Việt của Truyện Kiều là sự kết tinh ở mức độ thiên tài của quá trình vận động phát triển của tiếng Việt nói chung, trong đó có tiếng Việt văn chương bao gồm hai luồng cơ bản là ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ dân gian…; là sự kết tinh của quá trình vận động và phát triển thể tài thuộc văn học Nôm từ chỗ là thơ Đường luật, văn tế đến diễn ca lịch sử, đến truyện thơ là thể loại tiền thân của thể loại tiểu thuyết vốn có khả năng dung chứa nội dung cuộc sống và đời sống tình cảm con người lớn hơn…

Theo PGS, TS Biện Minh Điền, tiếng Việt qua Nguyễn Du, đến Truyện Kiều đã chứng tỏ khả năng vi diệu của nó trong biểu đạt mọi biểu hiện của “tâm”, “tình”, “cảnh”, “sự”, trong chuyển tải muôn điều muốn nói của con người trước nhiều trạng thái, tình thế, bối cảnh khác nhau…Tiềm năng cộng cảm, lay thức người đọc hãy còn phong phú, mạnh mẽ có lẽ không bao giờ vơi cạn. Đồng quan điểm trên, khi đề cập đến dấu ấn thơ ca dân gian Việt Nam trong Truyện Kiều, cô giáo Trần Quỳnh Trang đến từ Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh khẳng định, sự hài hòa giữa ngôn ngữ của thơ ca dân gian và ngôn ngữ Truyện Kiều đến mức có những câu không còn biết thi nhân mượn của nhân dân hay nhân dân mượn của thi nhân. Văn chương của Truyện Kiều có được cái vang ngân, cái sức gợi lạ lùng của ca dao và những câu ca dao chuyển vào Truyện Kiều cũng có vẻ đẹp riêng.

Tự hào về Nguyễn Du, về Truyện Kiều, Tiến sĩ Đặng Duy Báu khẳng định, theo suốt chiều dài lịch sử, tên tuổi cụ Nguyễn Tiên Điền gắn liền với núi Hồng Lĩnh, dòng Lam Giang, làm rạng rỡ và sống mãi cùng non sông đất nước Việt Nam. Tư tưởng nhân văn của ông không chỉ nằm ở câu chuyện văn chương, mà hiện nay với chúng ta đang là câu chuyện cuộc đời, của cuộc đấu tranh đẩy lùi nạn tiêu cực, hướng tới mục tiêu cao đẹp, văn minh trong sự nghiệp đổi mới. 

Dịp này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra mắt Quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều.