Để di sản kiến trúc “sống” cùng đô thị hiện đại (Kỳ 1)

Kiến trúc Pháp là loại hình đặc sắc có sự kết hợp, hòa quyện với kiến trúc Việt Nam truyền thống, góp phần làm nên giá trị các đô thị lớn ở nước ta. Song, sự khắc nghiệt của thời gian và những bất cập trong công tác quản lý, bảo tồn khiến quỹ di sản này đang dần mai một; cần được khẩn trương quan tâm gìn giữ, phát huy giá trị để tiếp tục hòa nhịp cùng đô thị hiện đại.

Biệt thự có kiến trúc Pháp cổ hiện là trụ sở Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Biệt thự có kiến trúc Pháp cổ hiện là trụ sở Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Bài 1: Di sản kiến trúc Pháp ở Huế đang mất dần

Qua một thời gian dài không có chính sách bảo tồn và phát huy, quỹ di sản kiến trúc Pháp ở TP Huế dần hạn hẹp, ảnh hưởng đến vẻ đẹp đô thị được đánh giá có kiến trúc di sản trọn vẹn nhất của Việt Nam. Gần đây, dư luận dấy lên lo ngại khi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công bố danh mục 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu để có kế hoạch bảo tồn, phát huy. Song liệu đó có phải là sự “dọn đường” để xóa bỏ một số công trình giá trị khác vì mục đích thương mại?

27 công trình tiêu biểu có quá ít?

Ngày 30-5-2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành Quyết định số 1152/QĐ-BND công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP Huế nhằm tạo cơ sở định hướng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan, lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật. Theo đó, có 11 công trình do các cơ quan nhà nước quản lý và 16 công trình thuộc sở hữu các tổ chức. Sau khi ban hành, quyết định nhận được nhiều phản hồi của dư luận và báo chí với một số vấn đề được đặt ra, như: trong danh mục thiếu nhiều công trình có giá trị; không hợp lý khi đưa cả những công trình không xây dựng từ thời Pháp vào danh mục; việc công bố danh sách này có nhằm mục đích “dọn đường”, xóa bỏ một số công trình khác, cụ thể là trụ sở Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh tại số 26 - 28 Lê Lợi cho một dự án xây dựng lớn?...

Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, bên cạnh niềm vui khi nghe tin UBND tỉnh có quyết định này, ông không khỏi bất ngờ vì danh mục có quá ít công trình. Việc lựa chọn lại không chuẩn xác, ngay cả tên gọi một số công trình cũng sai. Nếu chỉ lựa chọn 27 trong số hàng trăm công trình kiến trúc Pháp ở Huế để bảo tồn thì những công trình còn lại sẽ có nguy cơ bị xóa bỏ. “Đây là một quyết định thiếu cơ sở khoa học, tính pháp lý và thật sự… khó hiểu!”- Ông Hoa nói. Theo ông, trong danh mục có hai công trình không xây dựng vào thời Pháp, cũng không mang dấu ấn kiến trúc Pháp, là nhà thờ Chính tòa Phủ Cam do kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Thụ thiết kế và nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế (tên gọi chính xác là nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp), do KTS Nguyễn Mỹ Lộc thiết kế, được khởi công vào năm 1959.

Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế (ngày 12-7-2018), đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh và một số đại biểu cho rằng, các tiêu chí để lựa chọn 27 công trình này không rõ ràng; không hiểu quyết định nhằm bảo tồn công trình mang kiến trúc Pháp hay xây dựng vào thời Pháp, khi trong danh mục có một số công trình xây dựng vào giai đoạn sau? Dư luận báo chí cũng đặt câu hỏi, liệu việc đưa cả công trình xây dựng theo phong cách Pháp vào danh mục bảo tồn có phù hợp không khi số lượng những công trình này là quá lớn (?!)…

Trong văn bản đóng góp ý kiến gửi Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế (số 2583/UBND-XD, ngày 12-7-2017), UBND thành phố Huế từng đề nghị không đưa vào danh mục một số công trình “không phải công trình kiến trúc thời Pháp”, như: Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Thừa Thiên - Huế - Quảng Trị (trụ sở Thành ủy cũ), trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Huế, trụ sở làm việc của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Huế; đồng thời nêu quan điểm: “Cần rà soát lại để đưa vào danh mục các công trình thật sự là kiến trúc thời Pháp”.

Đại diện Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho biết, Sở đã hai lần có văn bản đề nghị Sở Xây dựng nghiên cứu bổ sung một số công trình vào danh mục như: Trụ sở Liên hiệp các hội VHNT tỉnh Thừa Thiên - Huế; Học viện Âm nhạc Huế; Trung tâm Văn hóa thanh niên; Nhà lao Thừa Phủ… Theo quan điểm của Sở, cần giới hạn việc bảo tồn đối với những công trình tiêu biểu được xây dựng thời Pháp thuộc, trong đó có thể cả những công trình được cải tạo, nâng cấp, xây dựng thêm một số hạng mục ngay trong chính khuôn viên của công trình, như Khách sạn Sài Gòn Morin…

Có giữ được trụ sở Liên hiệp các hội VHNT tỉnh Thừa Thiên - Huế

Từ năm 1990 đến nay, nhiều công trình kiến trúc Pháp ở Huế đã bị phá bỏ, thay vào đó là những công trình hiện đại. Đường Lý Thường Kiệt trước đây là khu phố Pháp với nhiều ngôi biệt thự xinh xắn, thấp thoáng dưới tán cây xanh tạo nên một vẻ đẹp duyên dáng, thơ mộng, nay hầu hết đã bị phá dỡ để xây nhà cao tầng, xóa sổ hoàn toàn cảnh quan kiến trúc xưa. Tháng 6-2018, ngôi biệt thự kiến trúc Pháp trên 100 tuổi tại số 3 đường Đống Đa cũng bị sửa chữa trái phép để phục vụ công việc kinh doanh, khiến công trình hư hại nghiêm trọng… Vấn đề bảo tồn di sản kiến trúc Pháp từng được đặt ra từ năm 2003 tại hội thảo đánh giá quỹ kiến trúc đô thị Huế do UBND thành phố phối hợp Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức. Nhưng từ đó đến nay, dự định thực hiện tổng kiểm kê, đánh giá và lập danh mục các công trình kiến trúc cổ có giá trị làm cơ sở cho việc bảo tồn vẫn chưa được thực hiện; chưa có một văn bản pháp lý nào về quy hoạch, quản lý và bảo tồn quỹ di sản kiến trúc Pháp ở Huế; rất nhiều công trình kiến trúc Pháp đang có nguy cơ bị phá bỏ…

Ngày 28-10-2017, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có Công văn số 7921/UBND-XTĐT thống nhất chủ trương cho phép Công ty cổ phần Hạ tầng và Dịch vụ truyền thông Logi 3 nghiên cứu đầu tư dự án Khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp THAT tại khu đất số 26-28 đường Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, TP Huế, nơi tọa lạc ngôi biệt thự Pháp cổ hiện là trụ sở Liên hiệp các hội VHNT tỉnh. Dễ nhận thấy, quyết định này được ban hành rất nhanh sau cuộc họp lấy ý kiến các sở, ngành và thành phố về việc thông qua Quyết định ban hành danh mục 27 công trình tiêu biểu vào ngày 21-9-2017. Điều này khiến dư luận nghi vấn, phải chăng đã có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho lộ trình “khai tử” công trình này?

Ngôi biệt thự số 26-28 Lê Lợi khoảng 100 năm tuổi không chỉ được đánh giá là một di sản kiến trúc Pháp đẹp mà còn ghi dấu ấn lịch sử, văn hóa Huế, nơi gắn liền tên tuổi cụ Phan Khôi, người sáng lập Tuần báo Sông Hương; nhà lý luận cách mạng, nhà văn hóa xuất sắc Hải Triều Nguyễn Khoa Văn. Khi được hỏi ý kiến, nhiều nhà chuyên môn, quản lý và các văn nghệ sĩ tên tuổi đều khẳng định, đây là công trình mang đặc trưng kiến trúc thời Pháp thuộc, là một bộ phận không thể thiếu trong kiến trúc cảnh quan dọc đường Lê Lợi; hiện còn nguyên vẹn giá trị kiến trúc và công năng sử dụng, rất cần được bảo tồn. Một số văn nghệ sĩ tại Huế đã bày tỏ quan điểm không đồng tình.

Nhà văn Võ Quê, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT tỉnh, nguyên đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngày 5-1-2018, trong hội nghị tổng kết hoạt động năm 2017 tổ chức tại Tạp chí Sông Hương, ông đã có ý kiến phản đối; đồng thời gửi văn bản ý kiến cử tri nhờ ông Hồ Đăng Thanh Ngọc, đại biểu HĐND tỉnh phản ánh trước HĐND tỉnh Thừa - Thiên Huế về sự việc. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lê Toàn Thắng, lâu nay, đối diện khu vực kinh thành cũ, bờ bên này, vệt không gian từ khu vực cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền còn buồn tẻ, không có hoạt động gì vào ban đêm cho nên Huế khó phát huy giá trị du lịch. Cần phải có những tòa nhà thương mại, dịch vụ, khu vui chơi giải trí để khu vực này thêm sôi động, góp phần giữ chân du khách. Với trụ sở Liên hiệp các hội VHNT tỉnh, để thực hiện đồ án quy hoạch tổng thể hai bờ sông Hương sẽ phải tính đến hai phương án là phá bỏ; hoặc di dời toàn bộ biệt thự đến một địa điểm khác, nếu thấy cần thiết (?!).

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành tỉnh Thừa Thiên - Huế (ngày 1-8), chúng tôi đã phản ánh ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà văn hóa trong việc bảo tồn di sản kiến trúc Pháp ở Huế; đồng thời nêu những bức xúc của dư luận chung quanh quyết định công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu. Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng giải đáp: Danh mục này có một số công trình không phải kiến trúc Pháp, không xây dựng trong thời Pháp thuộc nhưng có giá trị kiến trúc nghệ thuật, phù hợp các tiêu chí nên Sở vẫn mạnh dạn đưa vào nhằm có ứng xử phù hợp, tránh tình trạng xuống cấp. Việc tên gọi một số công trình chưa chính xác, Sở xin nhận thiếu sót và tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh. Về số lượng, sẽ phối hợp UBND thành phố, Sở VHTT và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu rà soát, bổ sung các công trình tiêu biểu; đồng thời khẩn trương xây dựng kế hoạch, quy chế, quy định và lộ trình trùng tu, bảo tồn…

Khẳng định mục tiêu đặt ra của dự án là chính xác (bảo tồn cả các công trình thời Pháp thuộc và mang kiến trúc Pháp), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cũng cho rằng, việc chưa có một thống kê tổng thể số lượng công trình kiến trúc Pháp của Huế là đáng tiếc, nên làm nhưng rất khó khăn; ngay cả làm các công trình tiêu biểu tưởng dễ nhất thì thực tế cũng vất vả. Song thời gian tới, tỉnh sẽ phải thực hiện công tác thống kê, phân loại để làm cơ sở cho hoạt động quản lý, bảo tồn. Đối với trường hợp trụ sở Liên hiệp các hội VHNT tỉnh tại số 26-28 Lê Lợi, tỉnh sẽ tiếp tục xem xét trong quá trình hoàn thiện quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, phương án đầu tư và theo hướng phải có đánh giá khoa học để xác định những giá trị về mặt truyền thống, kiến trúc, lịch sử; trên cơ sở đó sẽ đề ra phương án cụ thể.

Hệ thống kiến trúc Pháp ở Huế quy tụ nhiều giá trị văn hóa lịch sử và nghệ thuật, cùng quần thể di tích cố đô góp phần quan trọng, tạo nên giá trị độc đáo của đô thị di sản Huế. Việc khảo sát, thống kê, đánh giá giá trị những công trình kiến trúc Pháp của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để có biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị là điều rất cần thiết; tuy nhiên cần được tiến hành một cách nghiêm túc, thận trọng, dựa trên các cơ sở khoa học, pháp lý và có sự tham gia, đồng thuận của cả giới chuyên môn và người dân để đạt được hiệu quả tích cực, tránh những hệ lụy đáng tiếc.

(Còn nữa)

Về danh mục 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu, ngay từ đầu, Sở Xây dựng chưa đưa ra được tiêu chí cụ thể nên trong quá trình làm còn lúng túng, khập khiễng; chưa có danh mục công trình kiến trúc Pháp để người dân góp ý kiến; chưa có tọa đàm, trao đổi khoa học nên dẫn đến độ vênh trong lựa chọn.

Trụ sở Liên hiệp các hội VHNT tỉnh Thừa Thiên - Huế là công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp; có giá trị kiến trúc, mỹ thuật và lịch sử; hiện còn nguyên trạng, phù hợp cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Đây là công trình rất có ý nghĩa, lưu giữ nhiều dấu ấn trong đời sống VHNT của tỉnh, cần được giữ lại.

PHAN TIẾN DŨNG

Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên - Huế

Để duy trì hình ảnh một đô thị di sản, không phải chỉ cần kiểm đếm, bảo tồn một vài ngôi nhà mà phải bảo tồn không gian kiến trúc, đường phố, cảnh quan. Nếu Huế chỉ bảo tồn 27 công trình thì có nghĩa: Thay vì bảo tồn một đô thị di sản hóa ra lại là bảo tồn những công trình đơn lẻ. Những công trình ấy không thể đại diện cho cả một giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển đô thị, cũng không thể tạo nên một diện mạo đô thị di sản của Huế.

GS, TS, KTS HOÀNG ĐẠO KÍNH

Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia