Công trình xây dựng trái phép tại Tràng An: Đừng để "con voi chui lọt lỗ kim"

NDO -

NDĐT – Được công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, nhưng gần đây khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đã bị xâm phạm nghiêm trọng khi Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An đã tự ý đầu tư, mở điểm du lịch có tên là “Tràng An Cổ,” tại khu vực núi Cái Hạ.

Công trình xây dựng trái phép "Tràng An cổ". Ảnh: ĐỖ TẤN
Công trình xây dựng trái phép "Tràng An cổ". Ảnh: ĐỖ TẤN

Cụ thể, theo báo cáo của Sở Du lịch Ninh Bình, khoảng đầu tháng 8-2017, qua công tác tuần tra, Sở đã phát hiện hộ gia đình ông Nguyễn Văn Son tập kết vật liệu xây dựng, chuẩn bị thi công trong khu vực bảo vệ của di sản. Sở đã chỉ đạo Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An kiểm tra và yêu cầu hộ gia đình ông Nguyễn Văn Son không triển khai các hoạt động xây dựng tại khu vực này. Đồng thời yêu cầu Ban Quản lý phối hợp với Hạt kiểm lâm liên huyện Hoa Lư – Gia Viễn, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hoa Lư, UBND xã Trường Yên có biện pháp ngăn chặn hành vi xây dựng trái phép này.

Ngày 17-8-2017, đoàn công tác gồm các đơn vị nói trên đã kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu ông Nguyễn Văn Son dừng ngay hoạt động tập kết vật liệu, khoan núi, đổ bê-tông, xây dựng các bậc thang lên sườn núi Cái Hạ và hoàn trả hiện trường mặt bằng ban đầu khu vực này, đồng thời báo cáo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp xử lý theo thẩm quyền.

Tiếp đó, ngày 6-9, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình nhận được công văn số 719 của UBND huyện Hoa Lư về việc xin được phục dựng bậc cầu thang lối lên Đàn Kính thiên trên đỉnh núi Huyền Vũ, thuộc xã Trường Yên, của Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An. Sau khi xem xét, Sở đã có công văn số 423 ngày 15-9-2017 phúc đáp công văn của UBND huyện Hoa Lư nêu rõ: “Việc xây dựng các công trình trong phạm vi di tích quốc gia đặc biệt phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và ý kiến chấp thuận bằng văn bản của UNESCO đối với dự án nằm trong vùng lõi di sản. Đề nghị UBND huyện Hoa Lư hướng dẫn Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An khi triển khai dự án phải tuân thủ Luật Di sản văn hóa và các quy định hiện hành”.

Đến ngày 18-9-2017, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Ninh Bình bao gồm đại diện các sở Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh, UBND huyện Hoa Lư, Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An đã kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu ông Nguyễn Văn Son dừng ngay các hoạt động xây dựng trên núi Cái Hạ, xã Trường Yên, yêu cầu chính quyền địa phương (UBND xã Trường Yên) giám sát chặt chẽ hoạt động xây dựng của ông Nguyễn Văn Son, kịp thời báo cáo các cơ quan có liên quan”.

Tuy nhiên, vào ngày 24-10, khi trở lại kiểm tra, đoàn kiểm tra của Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An và UBND xã Trường Yên nhận thấy ông Nguyễn Văn Son vẫn tiếp tục xây dựng bậc lên xuống. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu ông Son “dừng ngay các hoạt động xây dựng, tháo dỡ công trình toàn bộ công trình xây dựng trái phép trên núi Cái Hạ để không làm ảnh hưởng đến cảnh quan vùng lõi di sản.

Ngày 9-11, Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An và UBND xã Trường Yên phát hiện ông Nguyễn Văn Son vẫn tiếp tục đổ cột bê-tông, xây dựng bậc thang lên núi Cái Hạ (vị trí mới), chiều dài khoảng 30m, đồng thời xây bể nước trên núi Cái Hạ (vị trí cũ). Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An đã đề nghị UBND xã Trường Yên “tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng theo quy định và có biện pháp ngăn chặn hoạt động xây dựng của ông Nguyễn Văn Son trên núi Cái Hạ, yêu cầu ông Nguyễn Văn Son tháo dỡ hoàn trả mặt bằng cảnh quan khu vực di sản”.

Tuy nhiên, cho đến đầu tháng 3-2018, sự việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Công trình trái phép vẫn ngang nhiên được xây dựng, bất chấp các quy định của pháp luật và yêu cầu dừng thi công của cơ quan chức năng. Điểm du lịch “Tràng An cổ” có khoảng 2.000 bậc lên xuống, chiều dài khoảng 1km lên đỉnh núi Cái Hạ, thuộc vùng lõi Di sản thiên nhiên và văn hóa Tràng An. Ngoài các bậc thang, “Tràng An cổ” còn có một số công trình khác nữa như đền thờ, cầu, nhà vệ sinh, và đã mở cửa đón khách tham quan.

Ngày 2-3-2018, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã có công văn số 97 yêu cầu Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An chấm dứt hoạt động tại điểm du lịch “Tràng An cổ”, đồng thời kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của Công ty. Kết quả kiểm tra của Sở Du lịch Ninh Bình ngày 5-3 cho thấy, ông Nguyễn Văn Son đã tự ý xây dựng trái phép đường lên núi Cái Hạ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, tự ý mở bến giao thông đường thủy nội địa hoạt động kinh doanh du lịch, tự ý in, phát hành đĩa VCD tuyên truyền điểm du lịch không đúng quy định… Trong quá trình xây dựng, Sở Du lịch đã nhiều lần phối hợp kiểm tra lập biên bản yêu cầu dừng lại, nhưng ông Son cố tình không chấp hành và vẫn tiếp tục xây dựng trái phép.

Ngày 5-3, ông Nguyễn Văn Son đã đặt rào chắn đường lên đỉnh núi và đặt biển tạm dừng đón khách.

Nói về công trình xây dựng này, ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, điểm du lịch “Tràng An cổ” đã vi phạm nghiêm trọng Điều 13 của Luật Di sản. Về trách nhiệm quản lý, ông Phạm Xuân Phúc cho biết, UBND tỉnh Ninh Bình đã có Quyết định số 83 quy định tạm thời việc quản lý trật tự xây dựng trong Quần thể danh thắng Tràng An cho UBND huyện Hoa Lư. Sở Du lịch Ninh Bình sau khi phát hiện sai phạm đã có văn bản đề nghị UBND huyện Hoa Lư ngăn chặn, xử lý nhưng không được phản hồi.

Phó Chánh Thanh tra cũng cho biết, khi hỏi địa phương lý do tại sao đơn vị vi phạm có thể tập kết hàng trăm tấn nguyên vật liệu xây dựng, thi công trong một thời gian dài với vị trí dễ quan sát như vậy mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, thì huyện Hoa Lư đã thừa nhận là công tác quản lý của UBND huyện là “thiếu sát sao, chưa thường xuyên và có những lúc còn buông lỏng”.

Ngày 8-3, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đã ký công văn số 845 gửi UBND tỉnh Ninh Bình, đề nghị xử lý các sai phạm tại Quần thể danh thắng Tràng An. Văn bản nêu rõ, đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng đình chỉ các hoạt động dịch vụ, du lịch chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật hiện hành tại khu vực núi Cái Hạ. Văn bản của Bộ cũng đề nghị “xử lý nghiêm minh đối với các hoạt động xây dựng trái phép tại khu vực nêu trên, để hoàn trả mặt bằng, cảnh quan môi trường của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An”.

Việc lập và bảo vệ hồ sơ trước Ủy ban UNESCO để được công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã khó, việc gìn giữ danh hiệu này còn khó hơn gấp bội lần. Một di sản quốc gia đặc biệt, nhưng bị xâm phạm trong một thời gian không hề ngắn, công trình xây dựng không hề nhỏ, cho thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương. Sự việc chưa có hồi kết chính thức, nhưng đã trở thành bài học cho nhiều địa phương khác trong việc quản lý di sản, tránh rơi vào tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim”, đến khi “sự đã rồi” thì giải quyết hậu quả không hề dễ dàng.

Thanh tra toàn diện hoạt động của Công ty cổ phần du lịch Tràng An