Có một dòng thơ vịnh sử trong di sản văn học của cha ông

Thơ vịnh sử - một loại đề tài rất phổ biến trong văn học trung đại, được gợi ra từ cảm hứng lịch sử Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, khác với một tác phẩm sử biên niên hay một tác phẩm sử học trong đó tính biên niên, tính nghiêm cẩn của sử bút được đề cao lên hàng đầu, thơ vịnh sử đánh giá và bình luận về một nhân vật hoặc một sự kiện lịch sử đã có độ lùi về thời gian, bằng hình tượng văn học và ngôn ngữ thi ca.

Qua đó tác giả rút ra những bài học, coi như một tấm gương soi và gửi gắm quan điểm nhân sinh của mình. Sự chọn lựa nhân vật hay sự kiện lịch sử nào không hoàn toàn tùy thuộc vào tầm vóc của nhân vật hoặc sự kiện mà tuỳ thuộc vào cảm hứng rất riêng của người viết. Đây là tài liệu rất hữu ích cho việc nghiên cứu về văn học và tư tưởng của Việt Nam trong quá khứ. 

Chúng tôi thống kê được tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu trữ  285 cuốn thơ vịnh sử. Cuốn sách tập hợp được nhiều tác phẩm thơ vịnh sử nhất là Vịnh sử hợp tập (1 bản viết tay, 246 trang). Sách này do Dương Thúc Hiệp đề tựa năm Nhâm Dần, niên hiệu Thành Thái (1902), chép đến 900 bài thơ vịnh sử Trung Quốc của các tác giả Việt Nam Phạm Vĩ Khiêm (tức Phạm Nguyễn Du), Nguyễn Đức Đạt, Dương Thúc Hiệp... Xếp sau Vịnh sử hợp tập về số lượng bài thơ là Vịnh sử thi tập (6 bản in, 252 trang). Bộ sách có 570 bài thơ vịnh 225 nhân vật lịch sử Trung Quốc.

Các tác giả có nhiều thơ vịnh sử có thể kể đến như Nam Sơn với 570 bài, Đinh Hồng Phiên với 364 bài, Nhữ Bá Sĩ với 307 bài, Thiệu Trị với 218 bài, Tự Đức với 212 bài, Cao Bá Quát với 206 bài, Phạm Nguyễn Du với 164 bài, Phan Thanh Giản với 147 bài, Trần Lãn Phu với 129 bài, Đặng Minh Khiêm với 123 bài, Hồng Quế Hiên với 104 bài, Lê Thánh Tông với 100 bài.      

Thơ vịnh sử chủ yếu là lấy đề tài từ Bắc sử (sử Trung Quốc); thơ vịnh Nam sử (sử Việt Nam) không nhiều. Trong số 110 tên sách có chép thơ vịnh sử lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm có 48 đơn vị là các tác phẩm vịnh Bắc sử, chỉ có 23 đơn vị là các tác phẩm vịnh Nam sử, 13 đơn vị là tác phẩm vừa chép thơ vịnh Bắc sử, vừa chép thơ vịnh Nam sử; 26 đơn vị còn lại chúng tôi chưa có điều kiện thâm nhập.

Các tác giả như Đinh Hồng Phiên, Lê Thánh Tông, Phạm Nguyễn Du...đều làm thơ vịnh Bắc sử với số lượng lớn. Trong khi đó có các tác giả như Đặng Minh Khiêm (với Thoát Hiên vịnh sử thi tập), Hà Nhiệm Đại (với Khiếu vịnh thi tập), Tự Đức (với Ngự chế Việt sử tổng vịnh) lại lấy đề tài từ sử Việt Nam.              

Trong số các tác giả viết thơ vịnh sử, có một số vị hoàng đế có nhiều thơ vịnh sử là Lê Thánh Tông (có 100 bài vịnh sử Trung Quốc tập hợp trong Cổ tâm bách vịnh) và Thiệu Trị (có đến 218 bài vịnh sử Trung Quốc tập hợp trong Ngự chế cổ kim thể cách thi pháp tập), Tự Đức (với Ngự chế Việt sử tổng vịnh).

Trong khi khảo sát về thơ vịnh sử trong di sản văn học Hán Nôm chúng tôi bắt gặp một vài điều thú vị. Trường hợp thứ nhất là tập Vịnh sử diễn âm. Đây là tập thơ diễn Nôm tập thơ vịnh sử bằng chữ Hán của Tự Đức, do Nguyễn Bố Trạch, hiệu ứng Long thực hiện vào năm Khải Định 6 (1921). Tập này gồm 11 mục lớn, chia làm 213 chương, mỗi chương gồm một đoạn giới thiệu bằng văn xuôi Nôm, sau đó là một bài thơ Nôm đề vịnh theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Trường hợp thứ hai là tập Cao Thanh Khâu thi tập, là tập thơ của Cao Khải (hiệu Thanh Khâu), người Trung Quốc soạn, vịnh cảnh và vịnh sử Trung Quốc. Sau đó tập thơ được các vị trong hoàng tộc triều Nguyễn chọn và bình. Người tuyển chọn là Tùng Quốc công Miên Thẩm; người bình phẩm và viết tựa là Tuy Quốc công Miên Trinh. Công việc chọn và bình được thực hiện vào năm Tự Đức 14 (1861). Trường hợp thứ ba là tập Lục bát sử vịnh, có độ dài 501 trang, là một tập thơ vịnh sử hoàn toàn bằng thơ lục bát, vịnh sử Trung Quốc từ đời Tam Hoàng đến đời Minh, với đầy đủ cả chú thích và lời bình luận.

Thơ vịnh sử chiếm số lượng không nhỏ trong văn học trung đại Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn ít người quan tâm nghiên cứu thơ vịnh sử, có lẽ vì cho rằng đây là loại thơ nặng tính chất giáo huấn và phong cách sử bút.

Chúng tôi cho rằng thơ vịnh sử là một mảng tài liệu văn học có số lượng lớn, được sáng tác trong suốt chiều dài lịch sử và rộ lên rực rỡ vào triều Nguyễn, dẫu còn hạn chế vẫn là loại thơ suy tôn danh nhân đất nước nhiều nhất.

Vì thế thơ vịnh sử xứng đáng được được quan tâm nghiên cứu hơn nữa, nhất là dưới góc độ văn hóa học.