Căn cứ Cái Chanh đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt

NDO -

Ngày 29-4, tại khu di tích Căn cứ cách mạng Cái Chanh (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bạc Liêu long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 46 năm Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước và đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh. 

Nhà ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ năm 1949 tại Khu Căn cứ Cái Chanh (Bạc Liêu).
Nhà ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ năm 1949 tại Khu Căn cứ Cái Chanh (Bạc Liêu).

Khu Căn cứ Cái Chanh thuộc ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 60 km về hướng tây bắc. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã chọn nơi đây là Khu căn cứ để lãnh đạo Đảng bộ, quân và dân kháng chiến.

Ngày 31-12-2020, Khu Di tích lịch sử Căn cứ Cái Chanh đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 2280/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Tại đây, nhiều năm qua luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bạc Liêu đặc biệt quan tâm; đồng thời đã đầu tư thỏa đáng xây dựng các hạng mục công trình, nhằm xứng với tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, văn hóa to lớn của Khu Căn cứ cách mạng đặc biệt của tỉnh.

Hiện nay, Khu Di tích Cái Chanh được xây dựng với kiến trúc vừa mang đậm tính lịch sử, văn hóa, vừa mang tính nghệ thuật khá độc đáo, nhằm đáp ứng yêu cầu không chỉ là Khu Di tích, mà còn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng kiên cường của Đảng bộ, quân và dân Bạc Liêu trong những năm tháng đấu tranh vô cùng gian lao, anh dũng; đồng thời là “điểm đến” thu hút khách du lịch xa gần. Tại Khu Căn cứ Cái Chanh trưng bày hơn 200 hình ảnh, hiện vật.

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt ở Bạc Liêu -0
 Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh (huyện Hồng Dân, Bạc Liêu).

Tại Khu Căn cứ Cái Chanh, trong giai đoạn 1949 - 1951, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ từng sống, làm việc, hoạt động, chỉ đạo trực tiếp phong trào cách mạng của quân và dân các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong những năm kháng chiến tranh đầy gian khổ, hy sinh. Hiện nay, Nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật có liên quan đến khu căn cứ, về bố cục nội dung được chia ra làm ba chủ đề chính: “Phong trào đấu tranh tự phát của nông dân Ninh Thạnh Lợi năm 1927”; “Căn cứ Xứ ủy Nam bộ (1949 - 1952)” và “Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu (1973 - 1975), với hơn 200 hình ảnh hoạt động và ba tượng bán thân bằng đồng của các đồng chí lãnh đạo tại Khu căn cứ như: Lê Duẩn, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt…

Tại Khu căn cứ cách mạng này, ngày 13-1-1975, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã họp thông qua Quyết định giải phóng Bạc Liêu; quyết định dời căn cứ Tỉnh ủy về ấp Lái Viết, xã Ninh Quới để thuận lợi trong việc chỉ đạo điểm tấn công thị xã Bạc Liêu.