Bảo vệ di chỉ khảo cổ Vườn Chuối trước khi quá muộn

NDO -

NDĐT - Theo thông tin mới nhất từ khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội), khu vực gò Dền Rắn và gò Mỏ Phượng thuộc di chỉ mấy ngày nay đã bị đơn vị thi công đường vành đai 3.5 là Công ty CP thương mại xây dựng Việt Nam san bằng toàn bộ.

Phần lớn diện tích di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đã bị san phẳng.
Phần lớn diện tích di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đã bị san phẳng.

GS Lâm Mỹ Dung, TS Nguyễn Ngọc Quý (Viện Khảo cổ học), những người đã hằng năm trời nay nhiều lần lặn lội, đổ mồ hôi sôi nước mắt với di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đau xót thông báo, mấy ngày nay, đơn vị thi công đã tranh thủ ngày đêm san nền, đổ đất khu vực gò Dền Rắn và gò Mỏ Phượng.

PGS. TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hoá, cũng là người con của thôn Lai Xá, lâu nay góp tiếng nói mạnh mẽ kêu gọi bảo vệ khu di chỉ này, bày tỏ sự thất vọng: “Tia hy vọng vừa lóe lên khi Viện Khảo cổ học báo cáo công khai kết quả khai quật vừa qua với đánh giá rất cao giá trị của di chỉ thì nay bị dập tắt bằng việc xe ủi san phẳng khi di chỉ đã được khoanh vùng để khai quật”.

Bảo vệ di chỉ khảo cổ Vườn Chuối trước khi quá muộn ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Thắng, một trong những người dân làng Lai Xá vốn gắn bó lâu nay với khu di chỉ này đã chụp được những bức ảnh gò Dền Rắn và Mỏ Phượng tan hoang, bằng phẳng sau khi đơn vị thi công san ủi. Thậm chí, tại gò Mỏ Phượng, nhiều hố khai quật khảo cổ học thuộc dự án của Viện khảo cổ vừa báo cáo kết quả tháng trước đã bị đào lên để làm đường nội bộ. Những hố khai quật rất đẹp vừa được sắp xếp ngay ngắn phục vụ cho buổi báo cáo, giờ đã nằm dưới lớp đất san ủi, làm nền.

Ngày 4-11, Sở Văn hóa và Thể thao đã có công văn số 4130/SVHTT-QDLDDT đề nghị các đơn vị chủ đầu tư xây dựng đường 3.5 và khu đô thị Thăng Long 9 tổ chức theo dõi phát hiện di tích, di vật trong quá trình thi công tại khu vực liên quan đến di chỉ Vườn Chuối cũng như các khu vực thi công khác. Trường hợp thấy có khả năng có di tích hoặc di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoài Đức, Ban Quản lý di tích và danh thắng thuộc Sở để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bảo vệ di chỉ khảo cổ Vườn Chuối trước khi quá muộn ảnh 2

Công văn cũng nêu rõ, UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin và các phòng chức nang có liên quan, UBND xã Kim Chung phối hợp cùng các chủ đầu tư xây dựng tại khu vực di chỉ Vườn Chuối để bảo vệ cụm di chỉ theo quy định pháp luật về di sản văn hóa.

Sáng nay 5-11, PGS.TS Bùi Văn Liêm (chủ nhiệm dự án khai quật khảo cổ học theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), GS Lâm Mỹ Dung, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cùng một số cơ quan báo chí đã có mặt tại khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối. Các cán bộ của dự án khai quật khảo cổ học và người dân ở Lai Xá đã đau xót tiếc nuối nhặt những mảnh gốm nghìn năm tuổi còn sót lại bên những đống đất đá hỗn độn ở đây. Công sức của các nhà khảo cổ, của nhóm cán bộ nghiên cứu cùng những người dân đầy nhiệt huyết từ bao năm nay ở di chỉ khảo cổ độc đáo này đang dần vụn vỡ thành mây khói.

PGS.TS Bùi Văn Liêm cho biết, hiện trạng khu vực di chỉ khảo cổ hiện nay, gò Mỏ Phượng đã bị san ủi tới 90% diện tích, gò Dền Rắn cũng mất tới 50%, đơn vị thi công đã san ủi và làm cống, làm đường nội bộ trên những diện tích này. Các hố thám sát mà Viện Khảo cổ thực hiện trong thời gian qua hiện nay cũng đã bị lấp hết. PGS. TS Bùi Văn Liêm cho biết, trong suốt quá trình đơn vị thi công tiến hành san ủi, làm cống, làm đường, không hề có một đơn vị nào giám sát. “Vườn Chuối hiện đang bị xâm hại vô cùng nghiêm trọng. Mỏ Phượng gần như bị xóa sổ, Dền Rắn bị phá một nửa, còn Vườn Chuối, nơi các nhà khảo cổ kiến nghị giữ lại để bảo tồn thì liên tục bị trộm đồ cổ những ngày gần đây”.

Bảo vệ di chỉ khảo cổ Vườn Chuối trước khi quá muộn ảnh 3

Hố đào trộm cổ vật.

Khu di chỉ Vườn Chuối được phát hiện và bắt đầu khảo sát, khai quật từ năm 1969, đến nay là chín lần khai quật, nhưng chưa được xây dựng hồ sơ công nhận di tích. Cuối tháng 10 vừa qua, Viện Khảo cổ học đã báo cáo công khai kết quả dự án khai quật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, trong đó đánh giá rất cao giá trị của di chỉ. Nhiều nhà khoa học cũng kiến nghị nên khoanh vùng bảo vệ, giữ lại một phần di chỉ khảo cổ này để làm công viên khảo cổ và nơi thực tập, tham khảo cho sinh viên ngành khảo cổ. Bản thân đại diện của Cục Di sản văn hóa là ông Trần Đình Thành, Cục phó, cũng đề nghị các cấp chính quyền địa phương vào cuộc hỗ trợ trong việc bảo vệ khu di tích trước nguy cơ bị xâm phạm, hạn chế các hoạt động xây dựng ở khu vực này, đồng thời khẩn trương làm hồ sơ xếp hạng cho di tích Vườn Chuối.

Bảo vệ di chỉ khảo cổ Vườn Chuối trước khi quá muộn ảnh 4

Những hố đào trộm liên tục xuất hiện.

Ngày 21-12-2017, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 6496/UBND-KGVX yêu cầu UBND huyện Hoài Đức phối hợp Ban quản lý Dự án “Bảo vệ, gìn giữ nguyên trạng Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối”. Ngày 8-4, chính Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã có văn bản gửi UBND huyện Hoài Đức đề nghị trong quá trình thực hiện dự án mở đường 3.5, UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Viện Khảo cổ học và các đơn vị liên quan quản lý, bảo vệ hiện trạng mặt bằng di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, giải quyết những phát sinh theo các quy định của pháp luật về công tác thăm dò, khai quật khảo cổ học trên địa bàn thành phố và tiến độ thực hiện dự án.

Các nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu Viện Khảo cổ học, những người dân ở Lai Xá, những người vốn rất tâm huyết với việc bảo tồn di chỉ khảo cổ hiếm có này của Hà Nội đề nghị, mong mỏi cơ quan chức năng và chính quyền thành phố nhanh chóng vào cuộc; sớm có giải pháp kịp thời bảo vệ di sản quý giá này.

Cần một công viên khảo cổ tại Vườn Chuối

Di sản vô giá ở Vườn Chuối

Cần sớm lập hồ sơ xếp hạng di tích cho Vườn Chuối

Chính thức khởi công dự án khai quật di chỉ khảo cổ Vườn Chuối

Cổ vật Vườn Chuối lần thứ hai bị đào trộm

Từ vụ di chỉ Vườn Chuối: Cần phải có quy hoạch khảo cổ