Bảo tồn và phát huy giá trị Hải Vân Quan

NDO -

NDĐT - Chiều 20-2, tại TP Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và UBND TP Đà Nẵng đã tiến hành ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích và kiến trúc nghệ thuật quốc gia Hải Vân Quan.

Du khách trong và ngoài nước tham quan di tích Hải Vân Quan.
Du khách trong và ngoài nước tham quan di tích Hải Vân Quan.

Theo biên bản thỏa thuận, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế là cấp quyết định đầu tư, trực tiếp phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và nghiệm thu quyết toán dự án bảo tồn và phát huy giá trị Hải Vân Quan theo đúng các quy định hiện hành, cùng hồ sơ dự án được thống nhất giữa hai bên.

Về nguồn vốn đầu tư cho dự án, ngân sách tỉnh Thừa Thiên - Huế 50% và ngân sách TP Đà Nẵng 50% trên tổng mức đầu tư được phê duyệt. Thời gian thực hiện và hoàn thành trong hai năm 2019-2020, được chia làm hai đợt, từ khi phê duyệt đến tháng 2-2020 và đợt hai từ tháng 2-2020 đến khi kết thúc dự án.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo ngành văn hóa, thể thao và các đơn vị chuyên môn liên quan của hai địa phương xây dựng kế hoạch, cơ chế quản lý, duy tu, bảo dưỡng, phát huy giá trị và khai thác dịch vụ du lịch của di tích, bảo đảm lợi ích chung giữa hai địa phương.

Bảo tồn và phát huy giá trị Hải Vân Quan ảnh 1

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và TP Đà Nẵng ký kết biên bản thỏa thuận.

Hải Vân Quan nằm trên núi Hải Vân thuộc địa giới hành chính của thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng). Ngày 14-4-2017, Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, hiện đang là điểm tham quan hấp dẫn của du khách khi đến hai địa phương.

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, sau gần 200 năm tồn tại (tính từ khi được quy hoạch hoàn chỉnh vào năm Minh Mạng thứ 7 - 1826 đến nay), kiến trúc di tích Hải Vân Quan đã thay đổi rất nhiều. Kết quả khai quật khảo cổ học gần đây đã phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc từ thời Nguyễn ở di tích này, gồm: hai cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan - Hải Vân Quan và hệ thống bậc cấp lên xuống cùng đường đi, cổng phụ, hệ thống tường thành, pháo nhãn, nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố.

Giai đoạn từ năm 1946 đến 1975, khi đồn trú tại Hải Vân Quan, quân đội thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã xây dựng mới hệ thống nhà ở, đồn bốt, lô cốt, công sự, ụ súng. Những công trình này chồng đè lên vị trí các kiến trúc xây dựng thời Nguyễn và làm thay đổi hoàn toàn bố cục mặt bằng nguyên gốc của di tích.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, xác định sự cấp thiết của việc bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị của Hải Vân Quan, các cơ quan chuyên môn kiến nghị cần thiết tôn tạo, phục hồi di tích theo kiến trúc thời Nguyễn với chức năng như một pháo đài quân sự đặc biệt.

Bảo tồn và phát huy giá trị Hải Vân Quan ảnh 2

Sức hấp dẫn của Hải Vân Quan không hề giảm sút dù đã có đường hầm.

Theo đó, các cơ quan chuyên môn của hai địa phương Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng đã xây dựng đề án nghiên cứu, bảo tồn và tôn tạo các lô cốt, hầm ngầm thời Pháp và Mỹ, xem đó là chứng tích lên án chiến tranh và phản ánh sinh động những giai đoạn biến đổi qua các thời kỳ lịch sử của di tích. Đồng thời, tôn tạo cảnh quan chung quanh và xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ đón tiếp khách tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng tại khu vực này.

Thống kê sơ bộ, trong các năm 2017 và 2018, Hải Vân Quan đón gần 750 nghìn lượt khách tự phát dừng chân. Điều đó cho thấy, sức hấp dẫn của Hải Vân Quan không hề giảm sút dù đã có đường hầm. “Chúng tôi nghĩ rằng, sau khi Hải Vân Quan được phục hồi tôn tạo gắn với việc phát huy giá trị di tích thì sẽ trở thành điểm khai thác du lịch rất tốt. Đây cũng sẽ là điểm nhấn du lịch trên con đường di sản miền trung và là biểu tượng của sự kết nối, hợp tác giữa hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế” - TS Phan Thanh Hải nhấn mạnh.