Bảo tồn sau khai quật còn nhiều điều đáng nói

NDO -

NDĐT - Tại Đại hội lần thứ 3 Hội Khảo cổ học Việt Nam, PGS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh thành, người đã có nhiều năm khai quật, nghiên cứu các di tích, di sản khảo cổ học đã chia sẻ những trăn trở của mình về công tác bảo tồn, bảo vệ di tích khảo sổ học sau khai quật. Chúng tôi xin lược thuật lại những ý kiến của ông.

Bảo tồn di tích khảo cổ ở khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Bảo tồn di tích khảo cổ ở khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Hiện vật gốc quý giá còn lại của lịch sử dân tộc

Di sản khảo cổ học là những phần còn lại vô quý giá của lịch sử dân tộc. Đây là kho tàng hiện vật sống động, phong phú và đa dạng mang những giá trị gốc của lịch sử, văn hóa và tri thức cổ xưa con người với những sắc thái độc đáo, riêng biệt. Các hiện vật, hiện trường khảo cổ là nguồn sử liệu vật chất quý báu, cung cấp cơ sở khoa học xác thực để làm sáng rõ hơn những giá trị lịch sử - văn hóa của dân tộc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khảo cổ học được đánh già là rất quan trọng, nhưng cũng đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức. Bởi di sản khảo cổ học là loại tài sản quý giá không thể tái sinh và không thể thay thế. Nó rất dễ bị biến dạng, hư hỏng, thậm chí bị hủy hoại và biến mất bởi tác động của con người và môi trường. Việc bảo tồn loại hình di sản này rất khắt khe, đòi hỏi phải tuân thủ những chuẩn mực khoa học và cả đạo đức nghề nghiệp.

Ở Việt Nam, ngày càng có nhiều di sản khảo cổ học có quy mô lớn được phát hiện, khai quật và nghiên cứu khảo cổ học. Trong đó có những di sản có giá trị lịch sử - văn hóa hết sức to lớn, mang tầm cỡ thế giới như khu Di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Di sản Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Di sản Tràng An (Ninh Bình) đã được UNESCO công nhận. Một số các di sản khác mang giá trị tiềm năng lớn và đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ để có thể trở thành Di sản văn hóa thế giới như khu di tích Văn hóa Óc Eo, khu di tích Yên Tử - Đông Triều - Côn Sơn - Kiếp Bạc và nhiều khu di tích khác như khu di tích Tam Đường, Hành cung Lỗ Giang (Thái Bình), khu di tích đền Tức Mặc (Nam Định), khu di tích Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), khu di tích Phật giáo thời Trần ở Hắc Y (Yên Bái)… Các khu di tích này đã và đang được khai quật, nghiên cứu khảo cổ học khá cẩn thận, bài bản. Tuy nhiên trong quá trình khai quật, vấn đề nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị cũng đang bộc lộ rất nhiều bất cập.

Bảo tồn di sản khảo cổ học vẫn chưa được nhận thức đúng đắn và đầy đủ

Thực trạng vấn đề này ở Việt Nam đang đặt ra cho giới khảo cổ học, cho những người bảo tồn văn hóa nhiều băn khoăn, suy nghĩ. Bảo tồn di tích khảo cổ học là bảo tồn tính nguyên gốc của di tích đó dựa trên kết quả khai quật, nghiên cứu khoa học. Bảo tồn loại hình di tích này thường được thực hiện bằng hai phương pháp chính: Một là, hầu như tất cả các di tích khảo cổ học do không có điều kiện bảo tồn tại chỗ, lâu dài nên đều được đóng lại di tích bằng phương pháp lấp cát, tức là phủ lớp cát lên trên để bảo tồn di tích đó dưới lòng đất như nguyên trạng. Khi có đủ điều kiện mở rộng khai quật tiếp tục nghiên cứu chỉ cần bỏ lớp cát phủ đi. Cách bảo tồn này hiện nay phổ biến nhất.

Hai là, bảo tàng tại chỗ bằng cách làm nhà mái che (bao gồm nhà mái che tạm thời và nhà bảo tàng hiện đại trong tương lai). Phương án bảo tồn di tích dưới nhà mái che thường chỉ được áp dụng đối với những di tích có tầm quan trọng đặc biệt, minh chứng lịch sử của một vùng miền và có ý nghĩa lớn trong việc phát triển văn hóa, du lịch trong tương lai. Song hành với phương án này là vấn đề duy trì bảo tồn, tôn tạo di tích để phát huy giá trị lâu dài của di tích đó.

Bảo tồn sau khai quật còn nhiều điều đáng nói ảnh 1

Di tích Hành cung Lỗ Giang được bảo tồn dưới mái che.

Ngoài hai phương pháp bảo tồn nói trên, tùy theo tính chất và giá trị của khu di tích, khi nêu mục đích phát huy giá trị di tích khảo cổ học, các nhà quản lý văn hóa và chính quyền địa phương còn đưa ra giải pháp thứ ba là “phục dựng” hay “trùng tu, tôn tạo” các di tích đó nhằm mục đích phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, “phục dựng” hay “trùng tu, tôn tạo” các di tích khảo cổ học ở Việt Nam hiện nay thực chất không phải bảo tồn mà làm mới di tích theo “nhận thức” nhất thời của những nhà quản lý. Bởi do không có tính chuyên nghiệp, không tuân theo những chuẩn mực khoa học mà chỉ vì các mục tiêu khác mà họ đã nhanh chóng và dễ dàng làm méo mó, biến dạng các giá trị gốc của di tích. Có trường hợp xây dựng công trình mới bên cạnh di tích vừa mới khai quật như các di tích đền Thái (Quảng Ninh), chùa Dạm (Bắc Ninh), tòa Cửu phẩm ở Côn Sơn (Hải Dương). Có trường hợp xây dựng công trình mới chồng lên di tích, di tích nằm dưới tầng hầm của kiến trúc mới. Đó là trường hợp ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Có trường hợp xây dựng mới hoàn toàn trùm lên trên di tích khảo cổ như ở Lam Kinh, Triệu Tường (Thanh Hóa), Ngọa Vân, Quỳnh Lâm (Quảng Ninh).

Bảo tồn sau khai quật còn nhiều điều đáng nói ảnh 2

Chùa Ngọa Vân được xây mới hoàn toàn trên nền cũ.

Chùa Ngọa Vân được Viện Khảo cổ học khai quật đã làm xuất lộ toàn bộ nền móng còn nguyên vẹn, xác định rõ hình thái cấu trúc thuộc thời Lê trung hưng. Quá trình chuẩn bị xây dựng lại chùa Ngọa Vân đã được giới khoa học góp ý nhưng sau đó một thời gian, khi các nhà khoa học quay trở lại thì một ngôi chùa mới tinh, “niên đại một tuổi” đã được dựng lên. Không còn dấu tích nào của ngôi chùa nổi tiếng hơn 400 năm tuổi của Thiền phái Trúc Lâm. Các di tích, di vật bên dưới được xử lý thế nào, các nhà quản lý, các nhà khoa học đều không biết. Trường hợp chùa Quỳnh Lâm, di tích còn nổi tiếng hơn nhưng quá trình “phục dựng”, xây mới cũng gần tương tự như chùa Ngọa Vân.

Để bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học đạt hiệu quả tốt nhất

Yếu tố quan trọng nhất của di sản khảo cổ học là tính nguyên gốc và tính xác thực lịch sử của di tích. Bên cạnh đó phải coi việc diễn giải các giá trị của di sản là mục tiêu hoạt động quan trọng của công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị của di sản đó. Nếu không đáp ứng được nhu cầu hiểu biết tối thiểu về giá trị di sản của đông đảo công chúng thì việc bảo tồn di sản sẽ trở thành vô nghĩa, không đáp ứng được mục tiêu của việc bảo tồn là vì lợi ích của cộng đồng và xã hội. Một thí dụ có thể nêu để tham khảo rút kinh nghiệm là khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới đã mở cửa phục vụ công chúng đến tham quan. Nhưng công chúng đến đây, dưới mái che, chỉ nhìn thấy hình ảnh lạnh lùng và khô cứng của những phần nền móng còn lại của các công trình kiến trúc với các ô vuông của móng trụ sỏi, các đoạn gạch sân gạch hay các giếng nước và cống nước... Họ không thể hình dung, càng không thể hiểu được quy mô, hình thái và vẻ đẹp vốn có của các công trình kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long xưa.

Bảo tồn sau khai quật còn nhiều điều đáng nói ảnh 3

Hố khai quật khảo cổ học năm 2018 ở trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Các cơ quan có trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc cần rà soát tổng thể thực trạng việc trùng tu, xây dựng mới sau khi khai quật các di tích, phân tích các ưu và nhược, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra các giải pháp, các quy chế nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, trùng tu, xây dựng cải tạo mới đối với các di tích khảo cổ sau khi khai quật. Mặt khác cần có quy định chặt chẽ việc kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý và các nhà khoa học tương ứng với các cấp độ di tích khác nhau, nhất là với các Di sản Thế giới, Di tích quốc gia đặc biệt, Di tích quốc gia để có thể bảo vệ một cách tốt nhất giá trị của các di tích gốc theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, Nghị định của Chính phủ, các Hiến chương và Công ước bảo vệ Di sản của UNESCO. Cũng cần có đường dây nóng để các nhà khoa học và người dân phát hiện và thông báo các trường hợp khẩn cấp để các cấp có thẩm quyền có các giải pháp xử lý kịp thời các vụ việc xây dựng vi phạm Luật Di sản văn hóa trong khi xây dựng mới tại các khu di tích cũ.