Siết chặt quy trình sản xuất nước sinh hoạt

Cho đến thời điểm này, có thể nói sự cố lớn nhất lần đầu xảy ra với Nhà máy nước sông Đà, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân khu vực phía tây nam Thủ đô, đã cơ bản được khắc phục. Kết quả phân tích các mẫu nước do Nhà máy nước sông Đà sản xuất lấy ở các vị trí khác nhau, từ nguồn nước ở nhà máy, hệ thống truyền dẫn, phân phối đến các hộ dân trong hai ngày gần đây đều cho thấy, các chỉ số đều đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Ba đối tượng liên quan vụ đổ trộm dầu thải gây ảnh hưởng nguồn nước đã bị bắt giữ, đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều đáng ghi nhận là ngay sau khi xác định nguyên nhân sự cố, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo rất kịp thời trong việc điều tiết nguồn nước sạch trên địa bàn để cung cấp cho vùng bị ảnh hưởng. Công ty Nước sạch Hà Nội đã sử dụng nguồn nước dự phòng đưa qua tuyến ống truyền dẫn D800 Pháp Vân - đường vành đai 3 để cấp cho các hộ dân phía tây nam thành phố. Cùng với đó, mở cửa bốn nhà máy nước sạch để mọi người dân vào lấy nước tự do; dùng xe téc cấp nước miễn phí đến các cụm dân cư, cấp hàng trăm bình nước tinh khiết loại 20 lít/ bình cho các trường mầm non, tiểu học. Thành phố tiếp tục lập Đoàn công tác do Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì cùng các đơn vị liên quan, phối hợp tỉnh Hòa Bình giám sát việc khắc phục sự cố nhiễm bẩn dầu. Hằng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Hà Nội) lấy mẫu nước để tiến hành xét nghiệm và công bố công khai hằng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Những cố gắng của Hà Nội trong việc khắc phục sự cố Nhà máy nước sông Đà được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, làm tổ trưởng ghi nhận tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội vào chiều 16-10.

Mặc dù sự cố đã cơ bản được khắc phục, tuy nhiên, qua vụ việc này cũng cho thấy thành phố cần thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước, nhất là trong bối cảnh nguồn nước ngầm ngày càng bị suy giảm, xu hướng sử dụng nước sinh hoạt xử lý từ nước mặt ngày càng tăng. Theo số liệu của UBND thành phố Hà Nội, tổng công suất cấp nước trên địa bàn Hà Nội hiện nay đạt khoảng 1.520.000 m3/ngày đêm, trong đó, sản lượng nước khai thác từ các nhà máy sản xuất nước mặt (gồm Nhà máy nước sông Đà, Nhà máy nước sông Đuống và Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì), đạt 710 nghìn m3/ngày đêm, chiếm tỷ lệ 46%. Trong tương lai, thành phố sẽ xây dựng thêm Nhà máy nước mặt sông Hồng, công suất 300 nghìn m3/ngày đêm, nâng tỷ lệ nước sinh hoạt được khai thác từ nước mặt lên hơn 60%. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các đơn vị quản lý, khai thác các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt từ nước mặt cần kiểm tra, rà soát lại quy trình quản lý vận hành, làm rõ nguyên nhân các khâu, các bộ phận giám sát chất lượng nguồn nước, nếu các thiết bị này không đạt yêu cầu, cần có kế hoạch thay thế ngay. Các đơn vị cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ trang thiết bị đã đầu tư, nâng cao chất lượng nước đạt tiêu chuẩn nước uống được tại vòi. Xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước, lắp đặt hệ thống ca-mê-ra giám sát, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời những tác động gây ảnh hưởng đến nguồn nước, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho sức khỏe người dân. Bởi nếu an ninh nguồn nước bị lơi lỏng, để xảy ra những sự cố tương tự như sự cố xảy ra tại Nhà máy nước sông Đà vừa qua, thì hậu quả sẽ vô cùng nguy hại.