Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ “kép”

Ngày mai, 27-6, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác Ðầu tư và Phát triển". Tại hội nghị này, lãnh đạo thành phố sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư cho 116 dự án với tổng vốn đầu tư 339.670 tỷ đồng (tương đương 15,5 tỷ USD).

Lãnh đạo thành phố ký 36 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU), tổng giá trị 26,079 tỷ USD với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Dịp này, UBND thành phố Hà Nội công bố danh mục 282 dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong tám lĩnh vực, gồm: 151 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ; 34 dự án hạ tầng kỹ thuật; 45 dự án hạ tầng xã hội; chín dự án về môi trường; 13 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; 10 dự án phát triển nhà ở; 15 dự án nông nghiệp; năm dự án phát triển đô thị trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác Ðầu tư và Phát triển" khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn các nhà đầu tư. Kết quả của hội nghị không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội và cả nước trong năm 2020, mà còn cho những năm tiếp theo.

Sau ba hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển tổ chức vào các năm 2016, 2017, 2018, thành phố đã trao quyết định đầu tư cho 148 dự án với tổng vốn 514.218 tỷ đồng. Ðây là nguồn lực rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Cho đến nay, trong các dự án đã được ký kết, trao quyết định đầu tư, không ít dự án lớn đã được khởi công xây dựng như: dự án Thành phố thông minh trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, dự án Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh của Công ty cổ phần Nghiên cứu và sản xuất điện thoại VinSmart (Tập đoàn Vingroup) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng. Có dự án đã thi công xây dựng xong, đưa vào hoạt động như Trung tâm thương mại AEON Hà Ðông (quận Hà Ðông) với vốn đầu tư 192,5 triệu USD… Nhiều công trình phúc lợi xã hội được đầu tư. Nguồn lực to lớn này đã góp phần đưa kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng cả nước. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,93%). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 ước đạt 1,74 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015, bằng 43,9% GRDP.

Sau khi dịch Covid-19 được khống chế, Hà Nội bước vào giai đoạn "bình thường mới" với nỗ lực, quyết tâm đẩy mạnh tăng trưởng, khôi phục kinh tế, đạt mức tăng trưởng GRDP năm 2020 tăng gấp 1,3 lần so với bình quân chung của cả nước. Trong bối cảnh này, việc thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách để phát triển kinh tế lại càng cần thiết. Ðể cải thiện môi trường đầu tư, thành phố xây dựng lộ trình cắt giảm thủ tục không cần thiết; phấn đấu đến ngày 30-6, 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, mức độ 4; kết nối 250 dịch vụ với Cổng dịch vụ công quốc gia ngay trong tháng 6-2020.