Nhìn thẳng yếu kém để tìm cách khắc phục

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của TP Hà Nội đạt 68,80 điểm, tăng 3,4 điểm so năm 2018, tiếp tục xếp ở vị trí thứ chín trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt. Phân tích từng chỉ số thành phần cho thấy, năm qua, thành phố có tám trong mười chỉ số thành phần tăng hạng, chỉ số “Đào tạo lao động” giữ nguyên hạng so với năm 2018, xếp thứ tư. Riêng chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” giảm bốn bậc so với năm 2018, đứng thứ 10.

Qua bảng xếp hạng cho thấy, có bốn chỉ số thành phần của Hà Nội xếp hạng thấp năm 2018 đã được cải thiện lên mức khá, mức trung bình trong năm 2019. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ số và chỉ tiêu cần có biện pháp khắc phục ngay, như chỉ số “Môi trường cạnh tranh bình đẳng” đã cải thiện cả về điểm số và thứ hạng (tăng sáu bậc), nhưng vẫn nằm trong nhóm xếp hạng thấp (xếp thứ 56). Chỉ số “Gia nhập thị trường” tuy vẫn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, nhưng có sự sụt giảm cả về điểm số và thứ hạng. Đáng chú ý, kết quả điều tra nhóm 25 chỉ tiêu liên quan đến đánh giá cán bộ, công chức của thành phố cho thấy, vẫn còn chín chỉ tiêu xếp hạng thấp. Thí dụ như chỉ tiêu “Cán bộ công chức thân thiện” xếp thứ 58 trên 63; chỉ tiêu “Cán bộ, công chức giải quyết công việc hiệu quả” xếp thứ 57; chỉ tiêu “Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp là phổ biến” xếp thứ 59…

Với mục tiêu duy trì vị trí nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt năm 2020, mới đây, ngày 5-6-2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị về việc nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020, chỉ đạo rất cụ thể các ngành chức năng của thành phố tập trung khắc phục các chỉ số thành phần xếp hạng thấp hoặc có xu hướng giảm hạng, đồng thời duy trì và cải thiện các chỉ số thành phần xếp hạng cao. Thành phố giao cho Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa TP Hà Nội chủ trì triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số “Môi trường cạnh tranh bình đẳng” - chỉ số duy nhất vẫn nằm trong nhóm xếp hạng thấp (56 trong tổng số 63), tham gia góp ý kiến xây dựng các chính sách của trung ương và thành phố liên quan đến DN, tiếp nhận thông tin, kiến nghị của DN, chuyển đến UBND thành phố để giải đáp, tháo gỡ cho DN. Đối với chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” giảm hạng trong năm qua, thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai các giải pháp để cải thiện và nâng cao, nhằm giải quyết đúng hạn và sớm trước quy định đối với các thủ tục liên quan đến DN. Riêng chỉ số “Tính năng động của chính quyền tỉnh” và các chỉ tiêu liên quan đến cán bộ, công chức, cải cách hành chính trong chỉ số “Chi phí thời gian” và “chi phí không chính thức”, thành phố giao Sở Nội vụ và Thanh tra thành phố triển khai các giải pháp để cải thiện, các sở, ban, ngành, chính quyền các quận, huyện, thị xã tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh.

Với chỉ đạo sát sao, kịp thời, sự phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong việc khắc phục các chỉ số thành phần xếp hạng thấp hoặc có xu hướng giảm hạng, chỉ số PCI của Hà Nội năm 2020 sẽ có bước tiến vững chắc, khẳng định Hà Nội luôn là địa chỉ đầu tư thân thiện, an toàn và hiệu quả, nhằm huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nhanh và bền vững, đóng góp đáng kể cho ngân sách cả nước.