Không đốt rơm, rạ để bảo vệ môi trường

Nhiều năm nay thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch. Các sở, ngành và chính quyền các cấp đã vận động người dân không đốt rơm, rạ; hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các chế phẩm sinh học để ủ rơm làm phân bón, sử dụng rơm làm nguyên liệu trồng nấm, thức ăn chăn nuôi...

Nhờ đó, việc đốt rơm, rạ đã giảm đáng kể. Bước đầu, người dân đã có ý thức bảo vệ môi trường và tận dụng rơm, rạ vào sản xuất, chăn nuôi. Tuy nhiên, khoảng nửa tháng nay tình trạng đốt rơm, rạ tái diễn, gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí.

Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mỗi năm thành phố phát sinh khoảng một triệu tấn rơm, rạ và phụ phẩm nông nghiệp, trong đó có khoảng một phần ba số rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp bị đốt bỏ. Cùng với đó, tình trạng người dân tự ý đốt các loại rác thải sinh hoạt, phế thải làng nghề diễn ra phổ biến ở khu vực ngoại thành, tạo ra nhiều chất độc nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe người dân, gây nên các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, phổi, nếu kéo dài có thể gây ung thư phổi. Không chỉ ảnh hưởng ngay tại khu vực ngoại thành, các chất độc này theo chiều gió còn phát tán vào khu vực nội thành, cộng với tình trạng ô nhiễm khói bụi từ các công trình xây dựng, hoạt động vận chuyển vật liệu, phế thải xây dựng; khí thải ô-tô, xe máy... ngày càng gia tăng, càng khiến ô nhiễm môi trường tăng cao. Kết quả quan trắc chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho thấy, từ đầu tháng 6 đến nay, khi người dân ngoại thành đốt rơm, rạ sau khi thu hoạch, nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí liên tục tăng cao. Chất lượng không khí giảm rõ rệt, trong đó nhiều ngày chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu và rất xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Tại khu vực ngoại thành, thời điểm chất lượng không khí xấu, rất xấu thường diễn ra từ 18 giờ đến 22 giờ, còn khu vực nội thành từ 23 giờ đêm đến 1, 2 giờ sáng hôm sau.

Nhằm hạn chế, tiến tới chấm dứt việc đốt rơm, rạ, phấn đấu trở thành thành phố không đốt rơm, rạ, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa thành lập Ðoàn công tác liên ngành kiểm tra tại 19 huyện, thị xã về tình hình xử lý rơm, rạ, từ đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể. Ðây là việc làm rất cần thiết, đáp ứng mong đợi của người dân Thủ đô. Ðể có kết quả bền vững, thành phố cần chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý rơm, rạ hiệu quả như sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, phân bón ruộng. Có chính sách khuyến khích nông dân sử dụng rơm, rạ và các phụ phẩm nông nghiệp như hỗ trợ các chế phẩm sinh học, kết nối các doanh nghiệp thu mua để làm nguyên liệu trồng nấm, phân vi sinh. Ðồng thời, đẩy mạnh việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản. Nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.