Từ xóm núi bước ra thế giới

Hơn mười năm trước, Lùng Tám là một cái tên xa lạ, hẻo lánh nơi xóm núi huyện Quản Bạ (Hà Giang). Nghề dệt lanh truyền thống ở đây cũng đang có nguy cơ mất hẳn. May thay, có người phụ nữ Mông tên Vàng Thị Mai, bằng tình yêu sắc màu thổ cẩm - giá trị văn hóa của dân tộc mình đã lặn lội, xoay sở để thương hiệu “Lanh Lùng Tám” hôm nay được vang xa.

Từ xóm núi bước ra thế giới

Vực dậy nghề truyền thống

Đầu năm nay, bà Vàng Thị Mai, Nghệ nhân dân gian, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dệt lanh thôn Hợp Tiến (xã Lùng Tám) được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 50 gương mặt phụ nữ có ảnh hưởng nhất cả nước, bởi những đóng góp cho thương hiệu lanh quê nhà vươn ra thế giới.

Sau gần 20 năm làm Hội trưởng Hội Phụ nữ Lùng Tám, thấy cuộc sống của người dân, nhất là phụ nữ đều rất khó khăn. Trong khi ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám từ lâu có nghề dệt thổ cẩm lại đang có nguy cơ mai một. Bà Mai trăn trở cho số phận một nét văn hóa của quê hương nên đã tìm gặp vài nghệ nhân hiếm hoi trong thôn còn biết dệt lanh. Đó là, các nghệ nhân cao tuổi như Giàng Thị Mỉ năm nay đã 103 tuổi, nghệ nhân Sùng Thị Cở, 97 tuổi. Sau khi nghe bà Mai bày tỏ tâm huyết, nguyện vọng muốn khôi phục lại nghề lanh của địa phương, hai cụ đã nhiệt tình ủng hộ truyền dạy.

Năm 1998, bà Mai bàn với chồng là ông Sùng Mí Quả, mạnh dạn đứng ra vận động bà con trong xã góp vốn xây dựng cơ sở dệt lanh tại thôn Hợp Tiến. Đồng thời, bà tiếp cận được với Dự án “Duy trì và phát triển làng nghề truyền thống” trong Chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Điển. Đến đầu năm 2001, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX Dệt lanh Hợp Tiến ra đời, đánh dấu bước phát triển mới trong sản xuất thổ cẩm Lùng Tám.

Với số vốn ban đầu vỏn vẹn 13 triệu đồng của vợ chồng bà Mai dành dụm, thuyết phục được mười xã viên tình nguyện tham gia. Ngoài chuyện phải trực tiếp cầm tay chỉ việc, bà Mai còn vận động gia đình các xã viên dành đất để trồng lanh, nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu. Việc này lúc đầu khá khó khăn, các xã viên nữ bị chồng hoặc cha chồng phản đối, vì người Mông muốn trồng cây lương thực để có cái ăn trước mắt. Trồng lanh chỉ là việc phụ của phụ nữ lúc nông nhàn.

Thời gian đầu gây dựng HTX, chồng bà phải chạy ngược chạy xuôi lo nhập nguyên liệu đầu vào, tìm kiếm đầu ra. “Không may cho chúng tôi, một lần đi giao hàng, ông ấy bị tai nạn ô-tô. Cả xe lao xuống vực, nhiều người chết, ông ấy bị gãy cột sống, gãy xương sườn, may mà vẫn còn giữ được cái đầu minh mẫn” - vừa nói bà Mai vừa nhìn sang phía chồng đang ngồi bên đống sổ sách, tiếp: “Ông ấy vẫn quan tâm động viên tôi cố gắng, và còn góp ý nhiều việc cho HTX nữa”.

Vượt qua khó khăn, việc sản xuất của HTX dần thuận lợi, thu nhập của xã viên tăng thêm mỗi ngày. Hiện nay, HTX đã thu hút hơn 130 phụ nữ Mông tham gia chín tổ sản xuất ở ba xã. HTX đã đầu tư 120 khung dệt truyền thống.

Hôm chúng tôi đến Lùng Tám, gặp em Thảo Thị Mai, là học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú huyện Yên Minh, tranh thủ nghỉ hè đến học nghề ở HTX. Mai nói: “Nếu không có HTX của cô Mai chắc thế hệ chúng em sẽ chẳng còn ai biết dệt lanh, làm ra những tấm thổ cẩm lung linh nữa. Vì đây là nghề của tổ tiên để lại, được các nghệ nhân động viên, em cố theo”.

Từ xóm núi bước ra thế giới ảnh 1

Báu vật của Lùng Tám

Gọi là vải lanh thổ cẩm do vải được làm từ sợi tước từ cây lanh, thổ cẩm là phần họa tiết và nhuộm mầu trên vải. Sản phẩm ra đời sau mấy chục công đoạn hoàn toàn thủ công, rất cầu kỳ, cần người làm có sức khỏe và khéo léo. Do đều làm thủ công, nên để hoàn thiện một bộ váy có khi phải mất tới vài tháng trời mới xong, thậm chí lâu hơn. Và thường, những bộ váy áo này chỉ được vận khi làng bản có hội hè hoặc mỗi dịp lễ trọng, chứ chưa trở thành sản phẩm thương mại.

Bà Mai chia sẻ: “Thổ cẩm là báu vật của Lùng Tám. Khắp vùng cao Hà Giang chỗ nào người Mông sinh sống, ở đó có thổ cẩm. Nhưng để sản phẩm thổ cẩm được gìn giữ, phát huy và tỏa sáng thì hiện chỉ duy nhất ở Lùng Tám làm được…”. Quả thật, để làm ra một sản phẩm không hề đơn giản. Tính từ việc trồng lanh, thu hoạch, rồi lanh được phơi khô để chế biến thành sợi. Lúc tách vỏ lanh, đôi tay người phụ nữ phải hết sức khéo sao cho sợi lanh có độ mảnh đều nhau và không bị đứt nửa chừng. Những bó vỏ lanh này được cuộn chặt lại rồi cho vào cối giã đánh bong hết bột, chỉ còn trơ lại sợi dai, rồi cuộn lại thành những con sợi lớn. Qua vài lần luộc với nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong, sợi lanh trắng và mềm hơn. Lúc đó những phụ nữ Mông mới bắt đầu ngồi vào khung dệt.

Tấm vải được dệt xong còn phải giặt đi giặt lại nhiều lần cho thật trắng, rồi chà sáp ong cho thật phẳng mới đến công đoạn nhuộm. Muốn có mầu chàm đen như ý, vải phải được nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần, trong nhiều ngày. Vải được ngâm trong dung dịch chàm chừng một giờ đồng hồ, sau đó mới vớt ra để ráo nước rồi lại ngâm tiếp, cứ thế lặp lại tới dăm sáu lần mới đem vải ra phơi. Vải khô rồi lại mang vào ngâm tiếp, khoảng gần chục lần nữa. Thời gian ngâm cho vải lên nước đen bóng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Gặp kỳ nắng ráo, mỗi mảnh vải chỉ cần vài ngày là có thể nhuộm xong; còn trời mưa, có khi mất tới hai tháng.

Điểm đặc biệt là nguyên liệu tạo nên những mầu sắc hoa văn trên vải đều lấy từ cỏ cây hoa lá tự nhiên, cùng với khâu xử lý rất kỳ công nên luôn giữ được mầu sắc bền, cho cảm giác tươi mới. Và đây chính là điều thu hút khách hàng quốc tế.

Chuyện bà Mai mang lanh Lùng Tám xuống núi, lên phố rồi bay ra nước ngoài cũng thật nhọc nhằn, nhưng ý chí của một người luôn tự hào với nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đã giúp bà vượt qua nhiều trở ngại. Bà nhớ một trong những lần đầu tiên xuống Hà Nội chào hàng. Hôm đó, bà ôm theo bị lanh, phải bắt mấy chặng xe mới xuống tới Thủ đô, lúc này trong túi chỉ còn sáu nghìn đồng, vậy là ăn mì tôm rồi về. Mấy lần sau mang sản phẩm nhiều hơn, có lần thiếu tiền trả nhà nghỉ, bà đặt cả chứng minh nhân dân, bí quá còn gán cả bao tải sản phẩm để lấy kinh phí đi lại.

Thế rồi, cứ sau mỗi chuyến đi, bà Mai lại gặp được thêm những người bạn, rồi được giới thiệu với khách nước ngoài, đến các hội thảo, tham dự hội chợ quốc tế. Có những du khách nước ngoài vì yêu sắc mầu họa tiết thổ cẩm và mến phục nghị lực của người phụ nữ nhỏ nhắn này mà cất công mua sản phẩm về nước rồi giới thiệu với các đại sứ quán.

Thời gian gần đây, HTX Hợp Tiến đã hợp tác với Trung tâm Hỗ trợ làng nghề truyền thống Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Craftlink,… nhằm hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm thị trường, giúp các xã viên làm quen với hoa văn, họa tiết, sản phẩm mới. Uy tín của HTX Hợp Tiến ngày một nâng cao. Doanh thu năm 2016 của HTX đạt 1,2 tỷ đồng (lãi 800 triệu đồng). Thu nhập của xã viên trung bình đạt khoảng từ ba đến năm triệu đồng/tháng. Bà Vàng Thị Mai, chia sẻ: “Cùng với sự phát triển về thành viên, HTX ngày càng mở rộng sản xuất, các sản phẩm dệt đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Điều đặc biệt ở các sản phẩm này không chỉ là sự độc đáo về chất liệu, mà chúng tôi vẫn sẽ duy trì đầy đủ các công đoạn truyền thống và hoàn toàn thủ công”.

Không chỉ nghĩ riêng cho Lùng Tám, là người chịu tìm tòi, học hỏi, người phụ nữ Mông ấy đang muốn mở rộng hoạt động ra các địa phương khác. Gặp chúng tôi, bà Vàng Thị Mai (ảnh trên) chia sẻ, giai đoạn 2017 - 2020, HTX sẽ mở rộng thêm 50 héc-ta trồng lanh, phấn đấu thu hút hơn 400 thành viên, sẽ tổ chức mỗi thôn có một nhóm xã viên khoảng 10 người, tiếp tục mở rộng phát triển thị trường trong nước, và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: Pháp, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Thụy Sĩ…