Phước Tích trong giấc mơ trưa

Nắng chính ngọ chảy tràn xuống dòng Ô Lâu xanh ngắt, hong óng lên sắc nâu của mái ngói cổ cong cong theo năm tháng. Không tiếng gà gáy trưa, Phước Tích (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) như chìm vào cõi riêng. Bỏ quên câu hỏi: Đến bao giờ ngôi làng cổ thứ hai của Việt Nam được đánh thức để tạo nên điểm nhấn cho du lịch của đất Thần Kinh?

Ngày một nhiều du khách muốn đến với làng cổ Phước Tích. Ảnh: NGUYỄN KHOA
Ngày một nhiều du khách muốn đến với làng cổ Phước Tích. Ảnh: NGUYỄN KHOA

Hồn quê trong từng nếp nhà

Đã nghe danh Phước Tích bấy lâu, nhưng phải đến những ngày cuối tháng 5 mới có dịp tìm đến ngôi làng cổ. Tiếng là cách thành phố Huế khoảng 40 km về phía bắc, nhưng đường về Phước Tích không thuận cho những ai có ý định tranh thủ ghé qua. Thường thì người ta phải sắp xếp một chuyến đi riêng để đến với ngôi làng nhỏ bé, như một điểm xuyết xanh nằm ở giáp ranh hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị. Mà đã đến đây rồi thì không nên vội. Hay đúng hơn là cũng không thể vội. Bởi hiếm nơi nào trên dải đất miền trung, hồn cốt của ngôi làng hơn năm trăm năm tuổi còn kết tinh sâu thẳm đến vậy!?

Sử sách lưu lại, Phước Tích được hình thành từ năm 1470 dưới thời Lê Thánh Tông. Ngay trong thế đất đã có sự khác biệt, ngôi làng như một ốc đảo, bao quanh là dòng sông Ô Lâu huyền thoại, bốn mùa nước luôn trong xanh. Quanh làng có di tích 12 bến nước tượng trưng cho 12 con giáp. Ngôi làng còn có hàng chục các đình, chùa, miếu, đền thờ… Tất cả mang đậm nét tín ngưỡng của người dân xứ Huế.

Một điều lạ nữa, ấy là trải qua hàng trăm năm thăng trầm, binh lửa có, thiên tai có, nhưng Phước Tích vẫn còn gần như vẹn nguyên vẻ đẹp nguyên sơ của lối kiến trúc nhà rường cổ kính và đời sống sinh hoạt làng quê vẫn ăm ắp từ nếp sống giản dị, hiếu khách của người dân chốn này…

Cả làng hiện vẫn còn hơn 30 ngôi nhà truyền thống, tập trung nhiều nhất ở xóm Đình với 20 ngôi nhà rường loại ba gian hai chái và một gian hai chái (còn gọi là nhà bánh ú), nhiều ngôi nhà có giá trị đặc biệt về kỹ thuật và mỹ thuật. Tuổi đời của những ngôi nhà rường trong làng đều tính bằng ba con số. Lối kiến trúc đặc sắc rộng mở với thiên nhiên nhưng lại rất đỗi ẩn nhẫn, khiêm cung. Những ngôi nhà thường quay mình ra hướng tây nam, đón gió từ Ô Lâu thổi đến, nhưng lại ý nhị ẩn mình sau khoảng vườn xanh tốt, sau bức bình phong trấn yểm. Nhà được bao bọc bởi rặng chè tàu xanh mướt, cắt tỉa duyên dáng lựa theo trục đường làng, ngõ xóm và lối đi vào cổng nhà…

Bước chân đến nơi nào cũng thấy, một chữ “HÒA” hiển hiện trong mối giao thoa giữa trời, đất và con người.

Ghé thăm nhà ông Lê Trọng Đào, một ngôi nhà có phong cách kiến trúc, nghệ thuật giữa thế kỷ 19. Đây vốn dĩ là ngôi nhà của ông trùm Quế ở làng Ưu Điềm (cùng xã Phong Hòa) và được ông cố của ông Đào mua lại. Tính đến đời ông Đào, đã có năm thế hệ của gia đình sinh sống tại nơi này. Trên diện tích hơn 1.800 m2, ngôi nhà rường điển hình cho mô hình cư trú vùng nông thôn người Việt ở Bắc Trung Bộ này gồm cổng, ngõ, sân, hàng rào chè tàu, nhà chính, nhà ngang và lò gốm. Nhà chính quay hướng nam có mặt bằng chữ nhất với kiến trúc ba gian, hai chái kép. Bộ khung kết cấu kiểu sáu hàng cột, hiên trước vẩy thêm một nhịp 0,82 m. Vì mái kiểu vì kèo truyền thống của nhà rường Huế. Các bức đố, liên ba, đầu kèo… đều được chạm khắc tinh xảo. Ngăn giữa các chái là hệ thống của bản khoa nội. Phía trước ba gian lắp cửa kiểu song hạ bản, các phía còn lại đều là tường xây gạch trát vữa. Ngói lợp bốn mặt mái ở đây cũng là ngói đặc biệt được gọi tên là ngói liệt…

Được tu sửa nhiều lần, mà gần nhất là vào giữa năm ngoái, Nhà nước chi trả hơn 740 triệu đồng cho việc trùng tu, nhưng cơ bản ngôi nhà rường vẫn giữ được những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu của làng Phước Tích. Cũng vì lẽ đó, mà cho đến giờ, vợ chồng của ông giáo già Lê Trọng Đào vẫn không theo con về phố ở. Niềm tự hào ngời lên trong đáy mắt đã mờ đục khi ông say sưa nói về ngôi nhà cha truyền con nối này. Hễ có khách phương xa, là căn nhà ông sẽ lại rộng cửa đón bước chân người ghé thăm.

Vắng tiếng cười, thưa tiếng chuyện trò

Chẳng biết có phải vì người Huế vốn không ưa ồn ào, không ưa sự khoa trương hay không, nhưng bước chân đến Phước Tích chỉ thấy một sự vắng lặng đến lạ kỳ. Ngôi nhà của mệ Lương Thị Hén vốn là một địa chỉ của du khách ghé thăm, kín cổng then cài. Ghé mắt nhìn vào chỉ thấy không gian phủ bụi. Ngôi nhà được xây từ năm 1918 gánh cả tháng năm đã xuống cấp nghiêm trọng.

Dạo quanh ngôi làng rất ít gặp người dân. Tìm hiểu ra mới biết, hầu như chỉ còn người già và trẻ nhỏ là ở lại Phước Tích. Thanh niên ở làng hầu hết đều đã đi làm ăn xa. Chỉ có Tết về là thấy lại cảnh hai ba thế hệ cùng nhau sum vầy dưới những chái nhà cổ. Nhưng chuyện ấy cũng đang ngày một hiếm đi.

Vợ chồng anh Trương Duy Thanh và chị Nguyễn Thị Khánh Ly mới ngoài 50 tuổi nhưng cũng đã lên chức ông bà từ lâu. Ngôi nhà của anh chị được trùng tu từ năm 2012, đến giờ cũng đã lộ những dấu vết bào mòn của tháng năm. Dẫu vậy anh chị “cưng” ngôi nhà của mình lắm, bởi chỉ có ở đây anh mới thỏa đam mê sưu tầm gốm cổ, nghề của cha ông. Và cũng ở đây, chị mới có thời gian vun bồi cho những gốc cây vả cả trăm tuổi để ra trái thật nhiều, làm quà quê cho du khách. Người quê ở đây quen sống giản dị quanh quanh với mảnh vườn nhà. Có đồ nông sản thu hoạch thì đưa ra chợ Mỹ Chánh bán. Lời lãi là chuyện phụ, cái vui là giữ nếp đi chợ xưa.

Đất Phước Tích còn là đất học. Từ mấy trăm năm trước, đền thờ Khổng Tử đã được xây dựng để tôn vinh nết hiếu học của các thế hệ người dân trong làng và gửi gắm ước nguyện, con cháu theo đuổi sự học đến nơi đến chốn. Cho đến giờ, cũng nhiều người trong làng đỗ đạt cao. Một thống kê nhanh cho kết quả, hiện có đến hai phần ba người dân ở đây làm nghề giáo, chủ yếu dạy cho các trường như Phước Mỹ cấp tiểu học, trung học cơ sở hay như Trường trung học phổ thông Phong Bình… Có rất nhiều ngôi nhà hầu như cửa đóng then cài cũng là bởi các thầy cô còn mắc đi dạy học, chị Khánh Ly chia sẻ thêm.

Hỏi chuyện anh Trương Duy Thanh về nguồn thu từ du lịch, anh cười nhẹ, có bao nhiêu đâu. Nếu đi theo tour thì mỗi đoàn sẽ gửi cho gia đình 100 nghìn đồng gọi là chi phí trà nước, hoa quả tiếp khách, còn khách vãng lai thì tùy tâm. “Mình đâu trông vào mấy khoản đó, cốt là thấy khách về với làng, thấy tiếng của Phước Tích lan xa là mừng rồi”, anh Thanh cười hiền.

Nhưng có một điều anh còn giữ lại không muốn nói, khi tiễn chúng tôi ra cửa, vợ anh nói nhỏ như vậy. Ấy là khi các thế hệ của mệ Hén, của thầy Đào đã khuất núi, rồi anh Thanh, chị Ly cao niên yếu sức hơn nữa, không biết những ngôi nhà rường cổ không được trùng tu kịp thời này sẽ về đâu? Và liệu sẽ có bao nhiêu ngôi nhà rường phải đóng cửa vì không có người trông coi, gìn giữ?

Gặp lại nhé 2020!

Chị Ly nắm tay bịn rịn hẹn chúng tôi trở lại với Phước Tích vào dịp Festival “Hương xưa làng cổ” năm 2020 nhé, khi ấy sẽ vui lắm. Sẽ có lại cảnh đốt lò gốm, cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập, các trò chơi dân gian sôi động cả khúc sông Ô Lâu. Hai năm một lần, Festival được mở, kỳ nào cũng thu hút hàng trăm khách đến với làng mỗi ngày.

Phước Tích trong giấc mơ trưa ảnh 1

Bên dòng Ô Lâu xanh ngắt, cuộc sống của người dân êm đềm trôi. Ảnh: NGỌC HÀ

Nhưng sau đó, tịch mịch lại vẫn hoàn tịch mịch.

Vậy nên, người Phước Tích cứ trông ngóng mùa lễ hội về, như trông vào một dịp để làng cổ được sống động trở lại. Lễ hội 2006 đã đánh thức nghề gốm đốt rơm mai một hơn 20 năm để ngọn lửa lại được nhóm lên từ những lò gốm truyền thống, tạo nên những sản phẩm làm nên tên tuổi một thời như câu thơ cổ: “Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế/ Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân”. Không có khách, lò gốm còn sót lại của Phước Tích cũng phải chọn cho mình cách tồn tại - nung gốm bằng gas, sản phẩm bóng lộn như bao sản phẩm gốm khác. Đâu còn sự xù xì biến báo của mầu men trước “ma thuật” của ngọn lửa ngày nào.

Người Phước Tích cũng từng được lãnh đạo huyện Phong Điền, rồi các công ty du lịch đến tuyên truyền về việc giữ cho Phước Tích sống mãi giá trị của làng cổ Việt Nam. Nhưng những dự định tốt đẹp về kết nối du lịch mà họ vẫn được nghe xem ra còn xa vời.

Xen giữa những kỳ lễ hội, Phước Tích cứ nguyên sơ trong lành như những gì đang hiển hiện giữa trưa nắng tháng năm này. Nhịp sống chậm ấy, tự thân cũng là một “điểm cộng” cho sức hút riêng của Phước Tích. Nhưng tiếc thay, những ngôi nhà rường cổ ẩn khuất sau rặng cây chè tàu mỗi năm lại cộng thêm một tuổi, cần nhiều hơn từ du khách để có thể được tiếp tục trùng tu và giữ chân được thế hệ những người chủ trẻ tuổi của Phước Tích!