Những ngôi làng hồn nhiên cho em

“Em ở nhà hoa Thiên lý”. “Cháu nhà hoa Mơ ạ”. “Dạ, nhà con hoa Hồng”,… Tiếng trẻ cứ trong veo khi giới thiệu về những mái ấm chung ở Làng trẻ em SOS Việt Nam, như thể cuộc đời các bé chưa bao giờ gặp phải điều bất hạnh. Cũng cây đa, giếng nước, lũy tre xanh, rồi có vườn trồng rau, trồng hoa, lại có cả sân bóng, sân chơi thiếu nhi… Và dưới từng mái nhà ngói đỏ có mẹ, có anh-chị-em đầm ấm sum vầy. Đã 30 năm, ngôi làng của những loài hoa ấy vẫn tỏa ngát hương thơm, che chở biết bao số phận thiệt thòi.

Sân chơi đầy mầu sắc ở Trường mẫu giáo SOS Điện Biên Phủ.
Sân chơi đầy mầu sắc ở Trường mẫu giáo SOS Điện Biên Phủ.

Những tấm lòng

Nhân Hậu bị bỏ rơi khi chưa đầy một tuổi; Hồng Chơn mẹ mất đột ngột, gia đình khó khăn, bố em không còn cách nào khác đành phải gửi em vào làng khi đang học lớp 3; Hùng Mạnh, mẹ bị điện giật mất năm em hai tuổi, bố tai nạn mất khi em lên sáu, vào làng năm lên tám,…

Biết bao số phận trẻ thơ với đủ mọi hoàn cảnh bất hạnh, éo le được Ban Giám đốc và các mẹ, các dì ở 17 Làng trẻ em SOS trên khắp cả nước nhận về nuôi nấng, cưu mang.

Mẹ Khuất Thị Lợi, nhà Hoa loa kèn, đã gần 30 năm gắn bó với Làng trẻ em SOS Hà Nội. Sau thử việc rồi một thời gian làm dì, bà nhớ lại những ngày đầu vất vả khi đóng vai trò làm mẹ của bảy đứa con: “Đêm đầu tiên, cả bảy người con đều khóc vì nhớ nhà. Lúc đó tôi cùng con trai lớn đi dỗ dành từng con rồi mắc màn cho các con ngủ. Thật khó khăn và lo sợ khi đón một đàn con, mỗi con một tính nết, một hoàn cảnh, bản thân tôi suy nghĩ, trăn trở vô cùng. Nhiều đêm thức trắng lo cho tương lai các con, lo gắn kết những mảnh đời kém may mắn thành một mái ấm gia đình có mẹ, có anh chị em, có cộng đồng làng xóm”. Ngày tháng trôi qua, với lòng kiên trì, nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ của xóm giềng và nhân viên của Làng, các con của mẹ Lợi được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, dần dần đã gắn bó, trưởng thành, sống với nhau chan hòa tình cảm.

Những ngôi làng hồn nhiên cho em ảnh 1

Mẹ Khuất Thị Lợi cùng các con ở nhà B7 - Hoa loa kèn - Làng trẻ em SOS Hà Nội.

Ở xa tận cuối đất nước, Làng trẻ em SOS Cà Mau có ngôi nhà Hoa mai của mẹ Phạm Thị Tím cũng luôn tràn ngập tiếng cười. Những buổi tối các con quây quần bên mẹ trò chuyện. Ngồi trong lòng mẹ, bé Út thỏ thẻ: “Con thương mẹ nhiều nhất, thương cả chị Mãi, chị Thư, anh Tráng, anh Tín, anh Phúc…”. Hậu ngồi cạnh bên cũng quay sang: “Mẹ biết không, ở lớp con là sướng nhất, có quá trời nhiều anh chị luôn, ai cũng thương con”. “Đi học thì chớ, về nhà chúng cứ rúc rích đùa vui cười nói với nhau suốt thế. Nhìn các con quấn quýt, vui vẻ, tôi thầm cảm ơn đời đã cho tôi niềm hạnh phúc trọn vẹn” - mẹ Tím tâm sự.

Có mấy ai hiểu được, để có được hạnh phúc hôm nay, trong những ngôi nhà mang tên các loài hoa, loài cây ấy là một nỗ lực rất lớn của những người mẹ, người dì. Mỗi người một nỗi niềm riêng. Không ít những người mẹ chưa từng một lần sinh nở. Vượt qua lóng ngóng ban đầu, chính lòng nhân hậu của các mẹ đã trở thành sức mạnh, tìm mọi cách để chăm sóc, nâng giấc nhiều trẻ mới lọt lòng bị bỏ rơi. Có mẹ không có khả năng sinh nở, trớ trêu hơn còn phải hai lần tìm vợ cho chồng; có mẹ từng là chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, thương tật… Mỗi người mỗi cảnh nhưng cùng có một điểm chung là tình yêu thương con trẻ vô bờ, cảm thông với những thiệt thòi của tuổi thơ mà tình nguyện ở vậy, không lập gia đình riêng nữa, để toàn tâm toàn trí gắn bó với làng.

Khác với nhiệm vụ của các bà mẹ, như một người cha tinh thần, ông Đỗ Tiến Dũng, cũng bởi lòng yêu trẻ thương trẻ mà đã gần 20 năm gắn bó với Làng, đảm trách nhiệm vụ Giám đốc quốc gia Làng trẻ em SOS Việt Nam. Thông điệp của Làng cũng đã trở thành lẽ sống trong ông: “Không để trẻ em phải lớn lên một mình”.

Tuổi 30 lan tỏa

Ý tưởng về một mái nhà chung cho những đứa trẻ bất hạnh là của TS Héc-man Gờ-mai-nơ người Áo từ năm 1949, bắt nguồn từ sự cảm thông trước số phận của những đứa trẻ mồ côi sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Từ bấy đến nay, mô hình Làng trẻ em do ông sáng lập vẫn nhận được sự chia sẻ và ủng hộ mang tính cộng đồng ở khắp các châu lục.

Ở Việt Nam, ngay sau ngày ký Hiệp định giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Làng trẻ em SOS Quốc tế, hai Làng trẻ em đầu tiên đã được thành lập tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh năm 1990. Nhiệm vụ của Làng là thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi không nơi nương tựa, tạo dựng một gia đình mới ổn định lâu dài cho trẻ em đã mất đi sự chăm sóc của cha mẹ cũng như mất đi nguồn nuôi dưỡng, nhằm mang lại mái ấm yêu thương, một tuổi thơ hạnh phúc, được lớn lên trong tình yêu thương, bù lại cho các cháu những gì đã bị mất, là chỗ dựa lâu dài và chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để khi trưởng thành các em dễ dàng hòa nhập xã hội, trở thành công dân có ích, có trách nhiệm.

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay, hệ thống Làng trẻ em đã phát triển tại 17 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Gò Vấp, Đà Lạt, Vinh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Việt Trì, Bến Tre, Điện Biên Phủ, Thái Bình, Thanh Hóa, Đồng Hới, Huế, Quy Nhơn, Pleiku, Cà Mau. Với gần 70 chương trình dự án bao gồm các Làng trẻ em SOS, Lưu xá thanh niên, Chương trình Tăng cường gia đình nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bỏ rơi ở cộng đồng (còn gọi là Chương trình hỗ trợ cộng đồng), trường Phổ thông Héc-man Gờ-mai-nơ (mang tên người sáng lập ra Làng trẻ em SOS), trường Mẫu giáo, trường Trung cấp Nghề, Xưởng thực hành kỹ năng nghề,… Làng trẻ em SOS Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia có số lượng Làng trẻ em SOS và số trẻ hưởng lợi đứng thứ ba trong 134 quốc gia và vùng lãnh thổ, sau Ấn Độ và Bra-xin.

Tính đến nay, 17 Làng trẻ em SOS cơ sở đã và đang nuôi dưỡng 5.969 trẻ. Trong số này, đã có 2.861 cháu trưởng thành, hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định, trong đó có 806 cháu đã lập gia đình riêng. Cùng với sự phát triển các dự án, chương trình, lực lượng lao động làm việc trong hệ thống Làng trẻ em trên cả nước cũng tăng theo. Hiện nay, tổng số bà mẹ, bà dì, cán bộ, giáo viên và nhân viên làm việc tại các đơn vị thuộc hệ thống SOS Việt Nam là 1.300 người.

“Trong thời gian nuôi dưỡng tại Làng, các cháu không chỉ được tạo điều kiện tối đa về học văn hóa mà còn được tạo điều kiện tham gia học các lớp năng khiếu và nhiều hoạt động khác nhằm tạo điều kiện cho các cháu phát triển toàn diện, phát huy tốt năng lực và khả năng sẵn có. Nhiều cháu đã đạt được giải cao trong các kỳ thi năng khiếu ở trong nước cũng như quốc tế, như hội họa, võ thuật, cờ vua, cờ tướng và các môn năng khiếu khác” - Giám đốc Đỗ Tiến Dũng chia sẻ.

Mỗi ai có dịp ghé thăm những ngôi làng ấy đều sẽ chung cảm nhận, các trẻ em ở đây đều được chăm sóc, dạy dỗ chu đáo. Nhà Hoa cúc bạch hay Hoa hồng, nhà Hoa đào hay Hoa thiên lý cũng như những ngôi nhà khác của làng, luôn gọn gàng, sạch sẽ. Nổi bật nhất trong nhà là một giá sách lớn với đủ thể loại, nhiều nhất là sách dành cho thiếu nhi, sách giáo dục. Ở đó chữ “Hạnh phúc” hiện diện rất cụ thể với đúng nghĩa nếp nhà truyền thống Việt Nam.

Mong sao, trăn trở của TS Héc-man Gờ-mai-nơ: “Điều làm trẻ đau khổ không phải là thiếu ăn, thiếu mặc, hay không được học hành, mà chính là không có gia đình và thấy mình không thuộc về ai” và tấm lòng của ông sẽ lay trở chúng ta. Trẻ em có quyền được sinh tồn, được bảo vệ, được phát triển và được tham gia.

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện trên cả nước vẫn còn khoảng 178.000 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa. Vì thế mô hình Làng trẻ em SOS cũng như các cơ sở bảo trợ xã hội khác cần tiếp tục được mở rộng, hoạt động hiệu quả; đồng thời rất cần sự chung tay của cả cộng đồng vì trẻ em và cũng vì tương lai đất nước.