Những đóa Anh đào trên đất Việt

Nhiều thiếu nữ Nhật Bản xinh đẹp, tuổi đời còn trẻ, chưa lập gia đình, có trình độ đã sẵn sàng rời cuộc sống sung túc ở quê hương để đến với nhiều miền đất của Việt Nam. Hai đất nước càng ngày càng gần gũi hơn nhờ vào tinh thần hữu nghị và tình nguyện của họ.

Chị Iwai Hisane từng có hai năm làm tình nguyện viên ở Việt Nam với mong muốn có cơ hội giúp đỡ được người khác.
Chị Iwai Hisane từng có hai năm làm tình nguyện viên ở Việt Nam với mong muốn có cơ hội giúp đỡ được người khác.

“Xin chào Việt Nam”

Ðến Cung Văn hóa thiếu nhi TP Hải Phòng một chiều đông, bài hát tiếng Nhật Hiragana được các em học sinh cất lên nghe du dương mà nồng ấm. Cô giáo Kawakami Mayuko bắt nhịp hát cùng các học sinh một cách say mê.

Nếu gặp ngoài đời, ít người nhận ra Mayuko là một thiếu nữ đến từ Nhật Bản. Cô đã có gần hai năm tham gia giảng dạy tại Cung Văn hóa thiếu nhi, nơi có hơn 70 học sinh đang theo học tiếng Nhật. Và như nhận xét của cô Lưu Thị Thanh Hương - Trưởng khoa Phương pháp: “Cô giáo Mayuko rất thân thiện, giảng dạy các em nhiệt tình. Với phong cách dạy vui nhộn, gần gũi, khích lệ sáng tạo các tiết học của cô luôn thu hút nhiều học trò”.

Ngoài theo học tiếng Nhật, các học sinh đất Cảng còn được tìm hiểu về lịch sử của đất nước mặt trời mọc. Các em lần đầu được thấy những tấm ảnh đen trắng về vụ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật Bản khi tham quan “Triển lãm hòa bình Hiroshima-Nagasaki” do cô giáo Mayuko dày công cùng các đồng nghiệp làm nên.

Hiroshima, thành phố có đến 300 nghìn người dân sinh sống, sáng hôm đó trời rất trong xanh. Hàng nghìn đứa trẻ mải mê vui đùa mà không hề biết thảm họa đang trực chờ trút xuống. Ngay khi bom nguyên tử được thả xuống, phần lớn thành phố đã bị hủy diệt và hóa thành tro bụi bởi sức nóng lên đến chừng 5.0000C (theo nghiên cứu đánh giá sau này). Ba ngày sau nhiệt độ nơi đây vẫn ở mức 400C. Mayuko nói, 73 năm rồi, nhưng nỗi đau của các nạn nhân bom nguyên tử vẫn còn đó. Như nỗi đau di chứng chất độc da cam mà nhiều thế hệ người Việt vẫn phải chịu đựng.

Nhưng rồi mùa xuân năm sau, cỏ ở Hiroshima vẫn mọc lên. Nhiều ngôi nhà mới được xây lên dành cho nạn nhân bom nguyên tử. Và với sức sống mãnh liệt, sự vươn lên của con người, Hiroshima giờ đây là một trong những thành phố lớn, hiện đại của Nhật Bản. “Tại CLB tiếng Nhật, chúng tôi cố gắng xây dựng những chương trình phù hợp để mang lại cho các học sinh những trải nghiệm thú vị. Không những vậy, tôi nghĩ rằng học những bài học lịch sử để các em thấy những mất mát, nỗi đau do chiến tranh gây ra để từ đó cùng nhau xây dựng một cuộc sống hòa bình, không có chiến tranh”, Mayuko xúc động chia sẻ.

Mayuko (sinh năm 1986), sau khi học xong chương trình sau đại học cho giáo viên tiếng Anh (TESOL) tại Trường Sư phạm - Ðại học Newcastle (Ô-xtrây-li-a) và có kinh nghiệm 5 năm giảng dạy tiếng Anh tại Trường THPT Kinomoto, bắt đầu tới Việt Nam với tư cách là một tình nguyện viên Hợp tác hải ngoại Nhật Bản (JOCV) của JICA tại Việt Nam. Khác với không khí náo nhiệt, vui nhộn của Cung Văn hóa thiếu nhi TP Hải Phòng, nơi có hơn 4.000 học sinh đang theo học, thì sau mỗi giờ tan lớp Mayuko trở về sống trong căn phòng thuê trọ tĩnh lặng, một mình tự đi chợ, nấu ăn. Nhờ biết tiếng Việt nên Mayuko đã trở thành “người thân” của nhiều người, từ cô bán hàng ở chợ đến người dân chung quanh nơi chị trọ. Gặp ai, cũng một câu xởi lởi: “Xin chào…”.

Sống xa quê hương, không khỏi có những khi nhớ nhà, nhớ người thân, nhưng Mayuko thường nén lại, bởi đến Việt Nam làm nhiệm vụ của một tình nguyện viên là điều khiến cô cảm thấy tự hào, hạnh phúc.

Tết năm nay là Tết thứ hai Mayuko xa nhà. Ở thời khắc chuyển giao năm mới, cô thường gọi điện về cho gia đình, hồ hởi kể chuyện người Việt ăn Tết thế nào, cuộc sống của mình ra sao... Chuyện vui là thế, nhưng khi cúp máy điện thoại, mắt Mayuko nhòe lệ...

Những đóa Anh đào trên đất Việt ảnh 1

Kawakami Mayuko luôn tạo phong cách ging dy không có khong cách vi hc sinh, khích l các em sáng to. Ảnh: Việt Cường

Tâm nguyện ở một miền đất mới

Trước Kawakami Mayuko, chúng tôi đã từng gặp và trò chuyện với nhiều cô giáo Nhật Bản khác nữa, như cô Nimura Michiko ở Trường tiểu học Tân Mỹ, huyện Yên Dũng, hay Iwai Hisane tại Trường tiểu học Ngô Sỹ Liên, cả hai trường đều thuộc Bắc Giang.

Thật khó tưởng tượng được Hisane đã tới Việt Nam trong một hoàn cảnh đặc biệt đến thế. Từng bị một căn bệnh liên quan đến não rất nặng, hai lần chị phải lên bàn mổ phẫu thuật não, thời gian ấy, Hisane vẫn không tin mình sẽ lành bệnh. Thật may mắn, chị đã bình phục và có thể trở lại công việc của mình. Nhưng, khi khỏi bệnh Hisane lại có một ý nghĩ khác. Chị tự nhủ, bản thân phải sống là một người có ích. Mong muốn của chị là được đến một vùng đất mới, mà ở đó có cơ hội giúp đỡ được người khác kém may mắn hơn.

Ngày là sinh viên khoa Giáo dục, Trường đại học Sư phạm Aichi, Hisane đã được học về lịch sử Việt Nam. Chị cũng đã đến TP Hồ Chí Minh những ngày còn ngồi trên giảng đường đại học. Trong ấn tượng của Hisane, đất nước và con người Việt Nam rất thân thiện nên ước nguyện của chị là được đến Việt Nam giảng dạy học sinh cấp tiểu học.

Còn với Michiko, sinh trưởng trong một gia đình trung lưu tại thành phố Nagoya (tỉnh Aichi) - trung tâm công nghiệp phồn thịnh của nước Nhật. Sau sáu năm giảng dạy tại Trường Kutsukake (thành phố Toyoake, tỉnh Aichi), cô đã trở thành giáo viên dạy môn mỹ thuật và thể dục tại Trường tiểu học Tân Mỹ, một ngôi trường ở vùng còn khó khăn của Việt Nam. Băn khoăn về sự lựa chọn này, chúng tôi hỏi Michiko và nhận được câu trả lời thú vị: “Ồ, chính Michiko lại học được nhiều điều về văn hóa và tình cảm của người dân địa phương nơi đây đấy. Nhờ thế tôi có những ý tưởng sống mới tích cực hơn”.

Một chuyên gia người Nhật kể với chúng tôi, ở quê hương của ông có câu ngạn ngữ tựa như câu “Ếch ngồi đáy giếng” của Việt Nam, để nói về những con người chỉ bằng lòng với công việc hiện tại, không có ý chí vươn xa hơn, không có khao khát trải nghiệm những gì mới mẻ. Vậy nên, có thể hiểu được phần nào vì sao ngày càng có nhiều bạn trẻ Nhật Bản lựa chọn đến sống và làm việc ở những vùng đất hoàn toàn xa lạ, thử sức ở nhiều lĩnh vực mới mẻ. Trong số những tình nguyện viên Hợp tác hải ngoại Nhật Bản (JOCV), có không ít người có trình độ học vấn là thạc sĩ, hoặc cao hơn, đã lựa chọn đến Việt Nam để “cảm nhận trọn vẹn một cuộc sống có ý nghĩa”. Như bộc bạch của Mayuko: “Cuộc sống sẽ có ích hơn, nếu chúng ta biết giúp đỡ người khác và có trách nhiệm hơn với cuộc sống của chính mình. Tuy nhiên đến Việt Nam không phải là sự hy sinh, mà là nguyện vọng của tôi. Việt Nam đã cho tôi cơ hội khám phá đất nước, con người, cảm nhận sâu hơn về một nền văn hóa mới”.

Ông Kobayashi Ryutaro - Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam:

Chương trình phái cử Tình nguyện viên JICA được bắt đầu tại Việt Nam vào tháng 3-1995 và được đánh giá cao trong hơn 20 năm qua. Hơn 640 tình nguyện viên đã được cử đến Việt Nam. Thời điểm này đang có hơn 60 tình nguyện viên công tác tại rất nhiều lĩnh vực như: Y tế, giáo dục đặc biệt, giảng dạy tiếng Nhật, du lịch, thể thao, phát triển công nghiệp phụ trợ… tại nhiều vùng quê Việt Nam.