Nghe Fado ở Faro

Giữa các phố nhỏ quanh co thơm mùi bánh Nata rắc bột quế và trầm ấm ánh đèn dầu vàng ở quận Alfama của Thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha), chữ Fado được viết bằng phấn trên bảng nhiều quán ăn như thực đơn chính: “Ở đây có Fado”, “Fado bắt đầu lúc 20 giờ”. Âm nhạc Fado của người Bồ Đào Nha - di sản văn hóa nhân loại đang có một đời sống thuận tự nhiên đến cảm động.

Biểu diễn Fado trong Bảo tàng thành phố Faro.
Biểu diễn Fado trong Bảo tàng thành phố Faro.

Cho tôi một vé đi Fado

Chỉ ba ngày trước đó thôi, người bạn Việt đi cùng tôi từ Porto đến Lisbon còn chưa biết Fado là gì. Sáng hôm ấy, cô phăm phăm ra ga tàu hỏi: “Cho tôi một vé đi Fado”. Người bán vé ở ga Santa Apolónia tủm tỉm: “Chúng tôi có bảo tàng âm nhạc Fado chỉ cách đây 10 phút đi bộ, chứ không có vé tàu đi Fado. Nếu cô mua vé tàu đi thành phố Faro thì có đấy”.

Nghe Fado ở Faro ảnh 1

Người phụ nữ mở cửa sổ và bật nhạc Fado trên đường phố Porto.

Không phải tự nhiên mà Fado ngấm vào người nhanh đến thế. Đặc biệt với khách du lịch chỉ lưu lại vài ngày. Ấy là nhờ tình yêu âm nhạc địa phương sâu sắc của người bản xứ. Và cũng là nhờ người Bồ Đào Nha có cách gợi tò mò, tạo cho du khách ham muốn khám phá, trải nghiệm, phổ biến Fado. Thoạt tiên, khi chúng tôi đang ngồi ăn bên chiếc bàn nhỏ kê trên vỉa hè ở trung tâm Porto, từ cửa sổ căn nhà đối diện chợt vang lên một giọng nữ trữ tình. Tấm rèm mầu đỏ vén lên như phông sân khấu. Nhìn vào thấy ảnh đội tuyển bóng đá Bồ Đào Nha, tranh sứ, bình hoa, búp bê đặt trên chiếc sofa cũ kỹ phủ vải mềm. Một bà cụ hiện ra, chân nhún nhảy, miệng hát theo Uma Casa Portuguesa. Bài hát miêu tả sự đơn giản, khiêm nhường và tình cảm đầm ấm trong một ngôi nhà Bồ Đào Nha. Thì ra tiếng hát của diva Bồ Đào Nha Amália Rodrigues phát ra từ hộp loa kê cạnh chiếc ti-vi màn hình lồi... Khách qua phố dừng lại nghe, bà cụ cũng thò cổ ra ôm hôn, vẫy tay như minh tinh Fado đang chào khán giả.

Ở chặng dừng chân tiếp theo, tại Aveiro, thành phố nhỏ mệnh danh “Venice của Bồ Đào Nha”, tôi bị níu lại khá lâu bên quán bán băng đĩa nhỏ nằm ở ngã ba khu phố cổ. Chiếc ghi-ta Bồ Đào Cầm 12 dây đẹp như thiên sứ hiện ra giữa một thảm hoa. Bìa những CD mầu vintage tông trầm họa hình các ca nương Fado khăn đen quàng hờ bờ vai mỏng, đôi mắt buồn bã mộng mơ trông chờ như đang có cả ngàn vạn câu chuyện cần được hát lên. Cửa hàng bật âm thanh nhẹ vẫn vừa đủ vang ra ngoài cửa, khiến khách phải nghe cho xong một khúc nhạc buồn ẩn chứa nhiều tâm sự của tâm hồn người Bồ Đào Nha rồi mới dứt bước.

Ở đâu cũng thấy Fado

Tôi cứ tiếc không có thời gian nghe Fado “live” (nhạc sống) ở Porto và Lisbon. Nhưng trên chuyến tàu đi Faro (mà bạn tôi nhớ nhầm thành Fado), thành phố nằm ở cực nam Bồ Đào Nha, một người dân bản xứ bảo tôi “Ôi, đừng lo. Ở Faro cũng có Fado”.

Ngay cửa ngõ vào phố cổ của Faro là công trình Arco da villa- chiếc cổng thời trung cổ, một biểu tượng kiến trúc Tân cổ điển đẹp bậc nhất vùng Algarve. Tôi lại thấy Fado qua hình vẽ và khảm sứ những chiếc Bồ Đào Cầm trên các bờ tường, nóc nhà. Tôi vào trong Arco da villa, nơi có những người đàn bà Bồ hồn hậu tươi vui đang trực phòng Thông tin du lịch. Tủ kính nhỏ ngay lối vào bày bán CD của Amália Rodrigues, bìa vẽ một hàng mi khép lại trên nền chiếc khăn choàng mầu đen viền đỏ. Người Bồ tự hào về Amália Rodrigues “nữ hoàng của Fado” cũng như hãnh diện về Ronaldo chơi bóng đá vậy.

Bảo tàng thành phố Faro nằm ngay trên quảng trường vua Alfonso III. Một phụ nữ bước hẳn ra ngoài đường đưa cho tôi tờ rơi “Có bốn suất diễn Fado lúc 11 giờ 30 phút, 14 giờ 30 phút, 16 giờ 30 phút và 17 giờ 30 phút các ngày thứ ba, tư và năm. Mua vé Fado sẽ được xem luôn triển lãm gốm sứ cổ, tranh khảm Mosaic đang trưng bày trong bảo tàng”.

Tôi chọn buổi diễn cuối ngày. Chỉ có bảy khách bước vào khán phòng nhỏ kê khoảng ba chục ghế ngồi. Sân khấu đơn sơ nép góc phòng, hai chiếc ghế đẩu kê trước tấm bình phong bằng thép mỏng treo chiếc khăn choàng mầu đen của nữ ca sĩ hát Fado. Hai mái đầu bạc là Jorge Franco và José Bandanra ngồi trên ghế chỉnh dây ghi-ta cổ và Bồ Đào Cầm. Cô gái trẻ Alexandra Viana mặc đồ đen bước vào. Một hình ảnh đặc trưng của Fado, “thầy già, con hát trẻ”. Các ngón đàn điêu luyện vang lên. Viana đung đưa theo điệu nhạc, hai tay nắm lại đặt giữa bụng như một nghi thức. Rồi mắt cô cũng nhắm lại, tiếng hát không cần micro cuộn dâng những thanh âm của sóng biển dội mạn thuyền, của người nô lệ cồn cào nhớ quê xa, của tiếng nguyện cầu cho đoàn thủy thủ sẽ có ngày trở về, của những câu hỏi tại sao không lời hồi đáp...

Tôi băn khoăn hỏi “Nghe nói nữ ca sĩ hát Fado thường phải quàng khăn mầu đen?”. Viana mỉm cười “Định hình thời đầu của Fado là như vậy. Nhưng sang thế kỷ 21, khi Fado hồi sinh đã có nhiều thay đổi. Khi mới hát Fado tôi choàng một chiếc khăn mầu hồng đấy.” Với giá 9 EUR/vé, một suất diễn ít khách như thế này trong ngày đã được khéo léo kết hợp hoạt động của bảo tàng. Nghệ sĩ Fado cũng là linh hồn sống của bảo tàng. Thế là vẫn đủ vui vẻ, đủ đầm ấm cho các nghệ sĩ rót rượu vang đặc sản của vùng mời khách cụng ly khi màn biểu diễn kết thúc.

Fado phát triển mạnh cuối thế kỷ 18 trong các con hẻm chật chội đông người ở khu Barrio Alto và quận Alfama tại Lisbon, giữa những chuyến tàu đổ đoàn thủy thủ sực mùi đại dương vào đất liền, giữa ánh đèn dầu vàng trong quán đêm vật vờ những cô gái ăn sương... Nghe nói nhà độc tài Antonio Salazar đã biến nghệ thuật Fado thành một thứ “quốc giáo”. Người dân bị ràng buộc vào hệ tư tưởng ba ngôi Fado - Football - Fátima (tức Fado - bóng đá - Đức mẹ Fátima). Khi Salazar qua đời năm 1968, thế hệ trẻ như được cởi trói, Fado bị ruồng bỏ một thời gian. Sự ruồng bỏ này chỉ là hành động phản kháng sự áp đặt, bởi nghệ thuật Fado vốn là tiếng ngân lên của u buồn hoài vọng, tự thân đã có sức mê hoặc tâm hồn mãnh liệt.