Mai giêng hai

Trong muôn ngàn loài hoa kiểng có lẽ ít có loại hoa nào khó chơi cho bằng mai và bởi thế cũng ít có loại cây nào khi chăm sóc lại thú vị như khi chăm sóc cây mai. Nhiều loài hoa tên hoa đại diện cho cây hoa nghe ra vẫn rất hợp lý như hoa hồng, hoa phong lan, hoa cúc… Nhưng không ai gọi cây mai thành hoa mai bởi vì với mai vẻ đẹp của nó không chỉ có hoa. Mai còn có vẻ đẹp của cả phần thân cốt mà đại thi hào Nguyễn Du từng đúc kết: Mai cốt cách tuyết tinh thần...

Người dân vận chuyển mai đi tiêu thụ trong các dịp xuân về. Ảnh: TRẦN HOA KHÁ
Người dân vận chuyển mai đi tiêu thụ trong các dịp xuân về. Ảnh: TRẦN HOA KHÁ

Trong tiềm thức người phương Đông, mai đã trở thành một biểu tượng cho sự thanh cao, tinh khiết. Trong hội họa xưa thì mai đứng đầu trong bộ tứ bình: mai, lan, cúc, trúc... Vẻ đẹp của mai mỗi người có thể có một cảm nhận riêng song nét đặc sắc của cây mai ấy là sự sóng đôi cùng mùa xuân như một định mệnh. Đó là một loài hoa nở sớm nhất của mùa xuân, bất chấp có hay không sự điểm tô của chồi, lộc khi lá già của năm cũ rụng đi...

Tôi mê cây mai cũng bắt đầu từ những câu thơ của các thi hào thuở trước. “Mai là bạn cũ, Hạc là người quen” (Nguyễn Du); “... Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Mãn Giác Thiền sư). Hay “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái Mai Hoa” (Cao Bá Quát). Từ những câu thơ này, cái sự thanh quý của loài mai đã được đẩy đến tận cùng, trở thành “tuyên ngôn nghệ thuật” của giới chơi hoa. Và có lẽ thế mà trước những năm 80 của thế kỷ trước, thú chơi mai thường chỉ dành cho tầng lớp trung lưu. Có người lý giải rằng, nói đến truyền thống chơi mai thì cả nước Việt chỉ có Huế và Bình Định là đáng kể; bởi mai hợp với khí hậu khắc nghiệt của miền trung và có nhiều bậc trí giả. Riêng Bình Định vẫn luôn được coi là vùng đất chơi mai sành điệu nhất nước.

Mỗi vùng miền chơi mai theo một cách khác nhau. Nếu là người chơi mai thực thụ phải biết hết vẻ đẹp của cây mai từ gốc đế, dáng thế, chi cành đến nụ hoa... Từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi xuất hiện các làng mai thương phẩm ở thị xã An Nhơn thì nơi đây trở thành xứ sở của loài hoa này và đã chi phối không nhỏ đến cách chơi mai của cả nước...

Dù là dáng trực, dáng huyền hay dáng đổ, cây mai được coi là có giá trị phải bảo đảm những yêu cầu mang tính nguyên tắc về đế, dáng, hoa và chi (cành). Cây mai đẹp phải có gốc to, mạnh mẽ và hình thù cổ quái; dáng phải mềm mại, bảo đảm tính hài hòa; hoa phải kín cánh, có mầu vàng nhung thẫm còn chi thì phải đều và nhỏ dần về ngọn. Dáng và chi có thể nhờ thời gian mà thành còn hình thù của gốc, đế thì thời gian chỉ mới là điều kiện cần...

Chừng vài mươi năm nay, khi xuất hiện các làng nghề trồng mai nổi tiếng như làng Háo Đức, làng Thanh Liêm ở xã Nhơn An, thị xã An Nhơn cũng đồng thời hình thành khái niệm “mai thị trường” hay “mai thương phẩm” để phân biệt với cây mai bon sai hay cây mai thế. “Mai thị trường” thường giống nhau về dáng thế do được “nhân bản” hàng loạt. Nếu đặt trên mặt phẳng thì cây mai thị trường có hình chữ chi với biên độ ngắn dần ở phần ngọn và mỗi chỏ đóng một cành. Vài năm gần đây, khi cây mai Bình Định đã trở nên phổ biến thì “mai thị trường” đã lấn lướt mai bon sai và trở nên quen mắt với người chơi mai cả nước. Bây giờ đi bất cứ đâu, người ta cũng dễ dàng nhận ra cây mai Bình Định bởi nét đặc trưng của dáng “mai thị trường”!

Lặng lẽ hơn “mai thị trường”, cây mai bon sai ở Bình Định lan tỏa trong giới sành chơi và thường có giá đắt gấp nhiều lần cây “mai thị trường”. Đặc điểm của mai bon sai là tuổi tác và nét độc đáo trong dáng thế! Mai bon sai thường chẳng cây nào giống cây nào dẫu nó có thể chỉ là biến tấu của các dáng thế quen thuộc: dáng trực, dáng hoành, dáng huyền, dáng đổ. Song nó được tạo nét hết sức công phu của người chơi mai sành điệu và bởi thế mới chính là cây mai có hồn cốt, tạo nên sự liên tưởng nghệ thuật phong phú với người thưởng ngoạn! Cây mai bon sai còn được tạo thêm phụ cảnh, ký lên đá san hô, hay đục chơi lũa theo kiểu bán tử bán sinh...!

Chơi mai đơn giản nhất là mai tàng. Ở các làng nghề trồng mai Bình Định, mai tàng trồng dọc theo bờ ruộng và cứ thế phát triển tự nhiên, nghệ nhân chỉ chỉnh sửa theo dáng tàn dù hay chóp nón. Mai tàng thường được trồng ở những nơi có khuôn viên rộng rãi và chủ yếu chỉ để chơi hoa vào mùa xuân, không quan tâm lắm chuyện gốc đế, chi cành.

Cứ mỗi độ xuân về, khách hành hương đi qua đất Bình Định lại càng thêm náo nức bởi sắc mai tràn ngập như giục giã:

Tết đến rồi! Dọc theo quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Định, từ Phú Tài đến Gò Găng, mật độ mai “đổ” ra đường chờ người mua dày đặc. Trong nắng vàng của ngày giáp Tết, mai bung nở rạo rực khách qua đường, rạo rực người trồng mai, bán mai. Các vườn mai ở làng mai xe tải ra vào nườm nượp. Những cây mai nở sớm chuyển ra bắc, mai nở muộn đưa vào nam nhờ khí hậu và ánh nắng mặt trời của vùng miền điều chỉnh để sao cho mồng một Tết cây phải bung hoa…

Chơi mai bon sai hay mai thương phẩm, chơi cây mai vài mươi triệu hay chỉ vài trăm ngàn, người ta vẫn chuộng mai bung hoa ngày Tết. Bởi mầu vàng của mai sẽ khiến cho căn phòng khách trở nên rực rỡ, sáng sủa dự báo một năm mới vui tươi, hạnh phúc…

Và rồi ba ngày Tết trôi qua…

Số phận cây mai tùy theo mỗi nhà mà trở khác. Ở Bình Định những hoa mai nở muộn sau Tết, nhiều người hái đem ngâm rượu. Chuyện tạo nên hũ rượu có tên Hoàng mai tửu cũng rất công phu. Sáng sớm khi những đóa mai hàm tiếu ban đêm vừa chớm nở còn ướm sương mai, người hái hoa phải tranh nhau với ong bướm, ngắt từng bông và cho vào thẩu ngâm với loại rượu Bàu Đá nấu bằng gạo nếp chính hiệu thì mới ra Hoàng mai tửu tinh túy, nếu dùng hoa mai đã tàn hay hoa bị ong bướm châm ngòi, chất lượng rượu sẽ không ngon! Hoàng mai tửu có hương vị thật đặc biệt nên không ai dùng nó để nhậu nhẹt, chỉ dùng để nhâm nhi khi có khách quý đến nhà!

Cúc, vạn thọ, thược dược... và cả hoa hồng chẳng thể sánh bằng mai về tuổi thọ. Tất cả gần như chỉ một lần mãn khai và trở về cát bụi, còn với cây mai càng lão càng đẹp, càng quý. Bởi thế sau mỗi độ nở hết lòng cho mùa xuân, cây mai lại được chăm chút trở lại. Dẫu đã thực thụ mãn khai hay vẫn còn đó những búp nụ muộn mằn, cứ sau ngày hạ nêu, cây mai lại được đưa về vườn (hoặc chí ít là vị trí có cái nắng, có cái gió...) để được chăm chút.

Mai giêng hai ảnh 1

Sau mỗi độ nở hết lòng cho mùa xuân, cây mai lại được chăm chút trở lại.

Tháng giêng, hai ở Bình Định, cứ bước ra đường, dù là ở thành phố hay nông thôn lại thấy những cánh hoa mai lả tả bay theo dấu những xích-lô, ba gác, cộ trâu, xe máy, thậm chí là xe tải... để được trả lại vườn chăm, giao cho các nghệ nhân. Đầu tiên phải là tỉa cành, tạo dáng trở lại cho cây mai. Người chơi mai khó tính yêu cầu cây mai ngoài gốc đế to, mạnh mẽ, hình thù càng cổ quái càng hay còn cần phải có dáng uốn lượn mềm mại, chi cành phân bố cân đối. Chính vì yêu cầu này mà việc cắt sửa cây mai sau ngày Tết là điều tối quan trọng. Các nghệ nhân vì thế mà được hậu đãi hết mực. Nghệ nhân hàng ưu phẩm còn biết xẻ rãnh trên thân mai để nhựa tích tụ nuôi cho mau lớn một chi bị lép hay khoan lỗ xuyên qua thân để xâu một nhánh của chi phía dưới bổ khuyết cho chi vốn đã bị chết lao...

Cây mai được cắt sửa tạo lại dáng thế, bỏ đi lớp hoàng bào để trơ khung xương cốt và được thay đất mới. Mai rất kén đất. Muốn mai được tốt, cho búp hoa nhiều vào năm sau, đất trồng mai phải là đất phù sa màu mỡ... Tốt nhất là đất lấy ở các bãi soi ven sông ngay sau mùa lũ lụt rồi trộn thêm phân bò, bột bánh dầu, bột cá, xơ dừa…

Từ khi cây mai Bình Định trở thành “mai thương phẩm” được xuất bán khắp dọc dài đất nước mỗi độ xuân về, các dịch vụ phục vụ cho nghề trồng mai đã hình thành và đáp ứng gần như đủ mọi yêu cầu cho người trồng mai… Chỉ cần vài chục nghìn đồng, cây mai cưng quý sẽ đủ dinh dưỡng hồi phục sức lực sau một cái Tết mãn khai.

Với tôi, dù cây mai đang khoác hoàng bào rực rỡ hay khi đã bị cắt trơ xương cốt vẫn có một vẻ đẹp khó cưỡng, nhất là khi mai bắt đầu điểm lộc sau tháng Giêng!