Khi có thêm một trái tim...

Chúng tôi đến với Trường tiểu học Lũng Luông (xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đúng vào một ngày mưa. Những vòng xe khó nhọc trườn lên con dốc dựng đến 45 độ. Hai bên đường, nhiều bé tay cầm chiếc lá khoai môn thay mũ che mưa, mỉm cười với khách phương xa, dễ thương như lời bài hát “Kìa chú là chú ếch con, có hai là hai mắt tròn…”.

Ðã là năm thứ ba, những đứa trẻ vùng cao được học trong một ngôi trường đẹp như một bông hoa rừng. Ảnh: VŨ SƠN
Ðã là năm thứ ba, những đứa trẻ vùng cao được học trong một ngôi trường đẹp như một bông hoa rừng. Ảnh: VŨ SƠN

“Trường đẹp quá”

Hồng Thị Mai đang đứng đợi đón con. Mai, 25 tuổi, kể với tôi rằng, cô đã từng học ở ngôi trường này “hồi lâu, lâu lắm, nhưng bây giờ không biết chữ nữa đâu”. “Bây giờ trường đẹp quá. Con mình học ở đây, hôm nay nó không khỏe, nhưng không muốn nghỉ học, nên mình đi đón”.

Lý Thị Sái, 20 tuổi, nhà ở ngay cạnh lối vào trường, thì bảo, hồi cô còn đi học, lớp học ghép bằng gỗ tạp, gió thổi ù ù. Học được hơn năm, cô theo bố mẹ vào nam làm ăn, rồi về lại bản xưa, lấy chồng. Ở gần trường đấy, nhưng cái chữ cũng đã rơi rụng hết. Sái không còn nhớ tên thầy, cô giáo nào đã từng dạy mình ngày cũ.

Mà đường lúc ấy cũng rất khó đi, không được như bây giờ đâu, Sái không quên nói thêm. Hỏi đùa rằng, nếu đường dễ đi hơn và trường đẹp như bây giờ, liệu cô có bỏ học sớm thế không, cô gái trẻ - giờ đã là mẹ của hai đứa con - cười đáp: “Không đâu. Bây giờ cố học xong cấp hai là đi làm công nhân được ở Samsung, không phải đi nam nữa”.

Thấm thoắt đã hơn hai năm kể từ khi ngôi trường mới được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Không phải là nói quá khi nhiều người đã ví von ngôi trường như một đóa hoa nhiều mầu sắc, nổi bật giữa núi rừng. Nhưng điều đáng nói hơn, các em học sinh đã đến trường một cách tự nguyện, vui thích trên những con đường bớt gập ghềnh, đem lại nhịp sống mới cho miền sơn cước còn rất nhiều gian khó này.

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, người sáng lập Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 chia sẻ, mục tiêu của dự án là xây dựng cho các em một ngôi trường tiện nghi, bền vững trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng núi phía bắc bằng nguồn kinh phí huy động từ các nhà hảo tâm cho Quỹ Trò nghèo vùng cao. Không chỉ bảo đảm các tiêu chuẩn về trường học như chiếu sáng, thông gió, cách âm..., không gian của ngôi trường còn được tổ chức linh hoạt thành các lớp trong - ngoài, rỗng - đặc, tĩnh - động. Các lớp học kết nối với nhau và với nhà tròn - nhà sinh hoạt cộng đồng rộng rãi, ấm áp - bằng hệ thống hành lang uốn lượn mềm mại.

Ðiểm đặc biệt nhất có lẽ là tính hòa nhập với thiên nhiên mà các kiến trúc sư 1+1>2 luôn chú trọng: từ bất cứ góc độ nào của trường cũng có thể nhìn thấy khe suối, thấy rừng sau lưng, lũng trước mặt. Và xa xa kia, trên sườn núi đối diện, thấp thoáng vài ngôi nhà gỗ đơn sơ, cứ đến giờ nổi lửa sẽ phất phơ bay lên những dải khói xanh mờ…

Kiến trúc sư Vũ Xuân Sơn, một thành viên của 1+1>2, người đã gắn bó với Lũng Luông từ những ngày còn là sinh viên đi làm công tác thiện nguyện, cũng là một trong những “con thoi” nối liền văn phòng với dự án này suốt quá trình xây dựng, kể rằng, để có được khuôn viên vuông vắn phù hợp đủ cho việc xây dựng trường và công trình phụ trợ ở địa thế khá chênh vênh, các thầy, cô giáo và cả các kiến trúc sư cũng đã phải kiên nhẫn thương lượng, thuyết phục các chủ sử dụng đất liền kề. Tuy nhiên, vì mục đích tốt đẹp là xây trường cho con em đồng bào, nên mọi việc cũng đã thuận chèo mát mái.

Ðặc biệt, do việc vận chuyển nguyên vật liệu lên vùng cao rất khó khăn, nên để tiết kiệm kinh phí, tăng khả năng cách nhiệt, đồng thời tạo ra nét độc đáo cho trường học, các kiến trúc sư đã quyết định tự làm lấy gạch xây dựng không nung bằng nguyên liệu tại chỗ với một chiếc máy ép gạch khá thô sơ. Ðất lấy tại địa phương được nghiền nhỏ, rây kỹ, trộn phụ gia và ép thành gạch. Chờ một thời gian, viên gạch thật sự “chín” mới đem ra sử dụng. Nói thì đơn giản vậy, nhưng vì đất không mịn, nguồn cung hạn chế, cộng thêm thời tiết mưa ẩm của vùng cao nên phải khá nhiều lần thử nghiệm mới thành công.

Khi có thêm một trái tim... ảnh 1

Phép cộng của từng cá nhân

Cô giáo Nông Thị Nơi, người dân tộc Tày, phụ trách điểm trường Lũng Luông nhớ lại những ngày xây dựng trường: “Nhiều kỷ niệm lắm. Lúc bắt đầu khởi dựng, anh em kiến trúc sư và thợ thuyền đều cùng ăn ở tại đây, vì đi lại khó khăn. Từ xã vào trường phải qua ba con suối, có chỗ dốc dựng đứng, chưa dễ đi như bây giờ đâu! Mùa mưa, gạch không khô cứng đủ độ, có khi thợ phải nằm chờ đến mấy ngày, vô cùng sốt ruột. May là lúc xây trường đã bắt đầu có điện lưới (Lũng Luông mới chỉ có điện lưới từ tháng 11-2015 - PV), chứ trước đó anh chị em giáo viên chúng tôi thắp sáng bằng cách gom những chiếc đèn pin sạc điện bé xíu lại, chỉ để dùng lúc ăn cơm rồi lại tắt đi, cuối tuần mới đem xuống xã sạc điện được”.

Ðiều khiến cô giáo Nơi cảm thấy rất ấm lòng là, không giống như những đội thiết kế, xây dựng khác làm xong công trình là không còn trở lại, đội ngũ thiết kế - xây dựng trường vẫn thường xuyên quay lại thăm hỏi, hướng dẫn cách bảo trì, bảo dưỡng công trình. “Vợ chồng nhà Phong (kỹ sư phụ trách xây dựng công trình - PV) đã lên đây mấy lần nữa rồi, lần nào cậu ấy cũng dặn dò cặn kẽ, nhưng trường còn mới lắm, dùng tốt, chưa phải sửa chữa gì. Xây gạch đất nên đông ấm, hè mát, trông lại đẹp mắt. Trường đẹp, có chỗ nghỉ trưa, lại được ăn trưa miễn phí tại trường, nên học sinh cũng phấn khởi đến lớp, chúng tôi không quá vất vả đi vận động từng em một như trước”, cô Nơi hồ hởi kể.

Mã Văn Dương, học sinh giỏi của lớp 5, cũng nhớ ngày còn học ở trường cũ. Dương bảo: “Học ở trường mới thích lắm. Trường cũ mái cũng bằng gỗ, có khe hở, mưa là ướt. Mùa đông thì rất lạnh. Bàn ghế cũng không đẹp như này đâu. Nhưng mà chỉ được học nốt năm nay ở trường, sang năm lên lớp 6, cháu phải xuống xã học. Xa lắm, phải ở lại, không đi về nhà hằng ngày được”.

Ừ, sang năm em đã xuống xã rồi. Nhưng niềm vui thích được đi học đã nảy mầm và đang lớn lên xanh tươi trong em mỗi ngày là điều khiến cho không chỉ chính em, cùng với bố mẹ, gia đình, mà cả những người đã bỏ bao công sức, tâm huyết để xây dựng nên ngôi trường cảm thấy hạnh phúc.

Cô giáo Nông Thị Nơi lại nhắc, đến thăm trường vào dịp khai giảng năm học 2016-2017, cũng là năm học đầu tiên các em học sinh được học ở trường mới, GS Ngô Bảo Châu bất ngờ viết lên bảng phép tính: 1+1>2 và hỏi “Phép tính này đúng không, các em”?

Lời giải thích được GS đưa ra sau đó là đúng, nếu có thêm một trái tim bao quanh dấu cộng (+). GS đã ý nhị giảng giải cho các em học sinh (còn quá nhỏ để hiểu được ý nghĩa của từ “kiến trúc sư” hay “văn phòng kiến trúc”) hiểu rằng, được gắn kết bằng trái tim ấm áp, nhân hậu, sức mạnh của từng cá nhân khi chung tay góp sức cùng nhau được nhân lên rất nhiều.

Ðó cũng chính là điều mà KTS Hoàng Thúc Hào cùng các cộng sự của anh ở 1+1>2, những người không ngần ngại dấn thân chia sẻ trí tuệ, tâm huyết và công sức của mình cho ngôi trường vùng cao này, đã chứng minh một cách thuyết phục.

Xã Thượng Nung là xã thuộc diện hưởng ưu đãi của Chương trình 135 của Chính phủ. Lũng Luông là xóm khó khăn nhất của xã Thượng Nung cũng như huyện Võ Nhai. Cách trung tâm huyện 40 km, người dân Lũng Luông chủ yếu chỉ làm nương rẫy, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 90%. 100% số học sinh của trường là người dân tộc thiểu số (Mông). Trường tiểu học Lũng Luông được xây dựng bằng nguồn kinh phí huy động từ các nhà hảo tâm cho Quỹ Trò nghèo vùng cao do nhà báo Trần Ðăng Tuấn sáng lập, GS Ngô Bảo Châu là Chủ tịch danh dự. Máy ép gạch đất do kỹ sư chế tạo máy Hoàng Dương Châu thiết kế.