Hoa của đá

Hà Giang, mùa hoa tam giác mạch. Khi nắng chớm đông rắc ánh sáng trên những ruộng hoa phớt tím, những đứa trẻ vùng cao đã biết phải tất bật cho một mùa vụ đón khách phương xa. Du lịch thay đổi sâu sắc đất và người nơi đây. Song, không có nhiều em nhỏ biết, chính những con chữ mới đủ sức đưa chúng đến với chân trời dài rộng, bên ngoài những vách đá dựng trập trùng.

“Hoa của Mỷ” chụp năm 2018
“Hoa của Mỷ” chụp năm 2018

Bức ảnh tìm lại

Những ngày cuối tháng 10, nghệ sĩ nhiếp ảnh sinh sống ở TP Hồ Chí Minh - anh Trần Cao Bảo Long - tổ chức một triển lãm ảnh nghệ thuật cá nhân ngay tại trung tâm khu chợ cổ của Đồng Văn nhằm gây quỹ giúp trẻ vùng cao đến trường. 50 bức ảnh được chọn lọc từ 15 năm trở đi trở lại sáng tác tại Hà Giang, đều có chung nhân vật chính là những đứa trẻ vùng cao. Anh gọi bọn trẻ là những “bông hoa của đá”!

Hoa của đá ảnh 1

Cô giáo Mai Thị Ngân nhân vật trong bức ảnh “Tập viết chữ” được chụp vào năm 2011.

Ngay đêm khai mạc triển lãm, một nữ cán bộ huyện đã xúc động chia sẻ về bức ảnh được chọn in trên phông chính, một người mẹ trẻ đi nương về, còn nguyên gùi rau nặng trĩu, đang ôm trong lòng đứa con còn say ngủ. Chị nói, chị và biết bao người con xứ Đồng Văn đã lớn lên từ những giọt sữa đẫm vị mồ hôi mẹ như thế! Mỗi bức ảnh được chọn triển lãm như thể đang kể một câu chuyện về đời sống của những cư dân đá một cách trực diện mà vẫn nghệ thuật, vì thế có bức ảnh khiến người xem ngùi ngẫm, cũng lại có bức khiến người ta bật cười…

Ngày triển lãm thứ hai, khi chúng tôi đang quây quần bên bếp củi ở góc lán khu triển lãm, có một cặp vợ chồng trẻ người H’Mông dắt nhau tìm gặp “người chụp ảnh”. Rồi người chồng nắm tay anh Long dẫn đến bên bức ảnh chụp một người ông và cô cháu nhỏ đang ngồi bán hàng ở góc chợ phiên. “Hai người giờ đều đã đi xa rồi, ông tôi vì tuổi cao. Còn em tôi, mới mất hồi đầu năm, bị băng huyết khi sinh con”, người anh nói. Trên khuôn mặt họ, tôi không biết gọi tên cảm xúc gì cho đúng, nửa như mừng mừng, nửa như tủi tủi… Họ đứng rất lâu trước bức ảnh, rồi xin anh Long rửa cho họ một bức làm kỷ niệm.

Con bé còn chưa tròn 17 tuổi. Biết chi tiết ấy, anh Long càng trở nên trầm ngâm. “Tuổi thơ của trẻ vùng cao ngắn quá, nhất là những bé gái”, anh nói với tôi khi trở lại bên bếp lửa. Có những đứa bé, khoảnh khắc lên ảnh của Long còn thò lò mũi xanh, vậy mà bẵng đi vài mùa, trở lại đã bị “kéo vợ”, rồi ẵm ngửa đứa con trên tay. Có thằng bé mùa trước còn hẹn hò anh trở lại, vậy mà chỉ ít lâu sau đã bỏ bản trôi dạt đi làm ăn, không tin tức …

Thân phận những đứa trẻ vùng cao, tự khi nào không biết, đầy ám ảnh - day dứt, níu chân người nghệ sĩ quay trở lại. Anh Long không phải ngoại lệ. Nhiều nghệ sĩ cũng đã “mắc nợ” mảnh đất này theo cách ấy. Và có những người như cô giáo Mai Thị Ngân, quê gốc ở Nam Định, nhưng được sinh ra ở Hà Giang, coi mảnh đất này là quê hương thứ hai. Ngân khá bất ngờ khi đi xem triển lãm được “gặp lại” mình thuở mới vào nghề, trong bức ảnh chụp cô đang giúp mấy trò nhỏ nắn nót những nét chữ đầu đời. Giờ trò đã lớn, còn cô cũng đã gắn bó nhiều năm với điểm trường Lao Xa, một trong số điểm trường khá lớn của huyện, với gần 300 em cấp mầm non và tiểu học. Cứ nhìn những đứa trẻ không sợ khó, không sợ khổ, biết lon ton tự bảo nhau đến trường dù nhà xa cách trở, là Ngân lại muốn ở lại, muốn gắn bó hơn nữa với cao nguyên đá địa đầu Tổ quốc.

Những con người nặng lòng với Hà Giang đều mong muốn làm một điều gì đó cho mảnh đất này, bắt đầu từ những đứa trẻ.

Đường đến trường

Khoảng chục năm về trước, cũng độ cuối tháng 10, tôi lần đầu lên cao nguyên đá. Khi ấy, hoa tam giác mạch vẫn chỉ là loài cây cứu đói buổi giáp hạt. Khi ấy, trẻ con vùng cao còn bỡ ngỡ ngó khách phương xa, co rúm lại núp sau mẹ khi người lạ cho quà. Chúng chỉ nói được tiếng của dân tộc mình. Trên đỉnh Mã Pì Lèng, chiều muộn rồi, những đứa trẻ nối gót nhau leo dốc. Đường về còn xa, mỗi đứa một gánh củi hoặc gánh cỏ voi, nặng đến nỗi chúng không thể nhìn quá mũi chân của chính mình. Cả một ngày leo núi, được có bấy nhiêu thôi!

Hoa của đá ảnh 2

“Xuân của mẹ” chụp năm 2018. Ảnh: NSNA TRẦN CAO BẢO LONG

Rồi cách đây vài năm, trở lại, bọn trẻ đã biết ùa ra khi có khách đến, chìa tay nhận bánh kẹo. Chẳng biết tương lai của những đứa trẻ đã sớm quen với việc nhận hỗ trợ từ người khác sẽ ra sao? Câu hỏi ấy theo tôi về xuôi… Và chuyến trở lại lần này, ngay trước ngày khai hội Tam giác mạch, những đứa trẻ đã biết điểm phấn tô son, rời lớp học từ sớm để gùi những gánh hoa rừng đến mời chào khách du lịch chụp ảnh…

Cô giáo Ngân nói rằng, du lịch phát triển ít nhiều đã tác động đến cuộc sống, tâm lý của bọn trẻ. Nhìn ở góc độ tích cực, những đứa trẻ được cải thiện khả năng giao tiếp, thân thiện hơn với khách từ khắp nơi trên thế giới đến với Hà Giang. Cô mong, cơ hội học tập của các em cũng từ đó mà được mở rộng hơn. Rồi đây, số học sinh của cô đi học và làm việc tại các thành phố lớn sẽ không chỉ còn tính trên đầu ngón tay nữa…

Ngắm những đứa trẻ mưu sinh với gánh hoa tam giác mạch, tôi lại nhớ đến câu chuyện của Khang A Tủa, người dân tộc H’Mông đầu tiên ở Mù Cang Chải (Yên Bái) đỗ Đại học Bách Khoa. Tủa đã lựa chọn theo đuổi đại học với một nguyện vọng: Học hỏi để trở về thay đổi quê hương. Tủa cho rằng, người dân địa phương không thể chỉ trông chờ vào nguồn lợi từ du lịch, từ nguồn trợ cấp xã hội, mà điều họ cần hơn cả là đầu tư cho thế hệ trẻ. “Những ngôi trường được xây dựng lên đã là điều tuyệt vời. Nhưng điều quan trọng hơn nữa: phải làm sao để trẻ em vùng cao thấy yêu thích việc đến lớp. Hãy bắt đầu dạy trẻ từ những gì tự nhiên và gần gũi nhất với chúng”, Tủa trăn trở.

Chàng trai 25 tuổi dành hết khoảng thời gian ít ỏi có được giữa các kỳ học để đi làm thêm và đi khắp các vùng núi cao sưu tầm văn hóa dân tộc của mình, tập hợp lại thành bộ sách hai thứ tiếng H’Mông và tiếng Kinh, gửi đến các trường học vùng cao. Ở điểm trường chính của cô giáo Ngân, các em được học ngôn ngữ dân tộc mình qua các tiết học dân ca, dân vũ. Những nghệ nhân được trường mời đến dạy càng khiến cho tiết học sinh động hơn. Cũng nhờ thâm nhập vào đời sống văn hóa của cư dân bản địa mà các thầy cô giáo dưới xuôi lên dần gắn bó hơn với mảnh đất và con người nơi này.

Ngày thứ hai luôn là ngày đặc biệt đối với thầy trò của Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lũng Cú. Đó là ngày các em sửa soạn bộ trang phục dân tộc đẹp nhất của mình đến lớp. Vào giây phút chào cờ, nhìn các em trang nghiêm hướng về lá cờ Tổ quốc, thầy hiệu trưởng Phạm Tuấn luôn cảm thấy niềm trìu mến, cảm phục với những đứa trẻ. Hơn ai hết, thầy hiểu, để theo đuổi con chữ, lũ trẻ đã phải vượt qua những thửa ruộng bậc thang trơn trượt, vượt qua cái đói cồn cào, cái rét cắt da như thế nào.

Mùa đông năm nay, hơn 300 học sinh của trường đã có được mái nhà ấm áp, không còn sợ hãi cái gió mùa xứ đá núi nữa. Khu ký túc xá xuống cấp từ lâu vừa được lợp lại mái, làm lại trần từ nguồn hỗ trợ mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Cao Bảo Long huy động được từ những người mua ảnh từ tâm tại triển lãm “Hoa của đá”, được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh. Giá buốt dừng lại ngoài khung cửa, và ở trong những căn phòng là ánh đèn thắp sáng giấc mơ đổi đời của những đứa trẻ. Đó là hình ảnh phần nào khiến người nghệ sĩ phương nam an lòng khi nghĩ về những đứa trẻ vùng cao.

Trang fanpage “Ná Ná”- tiếng H’Mông có nghĩa “Mẹ ơi, mẹ ơi” được Tủa lập ra để những người mẹ như mẹ Tủa có nơi bán sản phẩm mình làm ra, từ chai mật ong, chiếc áo thổ cẩm…, đã có khách mua. Những người mẹ cả đời không đi khỏi bản, không nói sõi được tiếng phổ thông đã có thể giao tiếp, mua bán với người ở xuôi… Sự thay đổi trong đời sống của những “cư dân xứ đá”, nhiều khi được bắt đầu từ chính những đứa trẻ ra đi và trở về như Khang A Tủa.

Vâng, mọi sự được khởi nguồn từ đường đến trường! Câu hát trong bài “Hà Giang quê tôi” ngân nga trên đường về ấy - “Ôi đẹp sao, đây vùng cao quê tôi đang đổi mới…” - như lại lung linh thêm bao nhiêu sắc mầu…