Hành trình sống "Không rác thải"!

Rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa được nhận diện là thủ phạm gây nên những tổn thương sâu sắc đối với môi trường sống chung quanh ta. Ðang có những con người tiên phong từ bỏ sự tiện lợi của các loại bao bì nhựa, ni-lông để lựa chọn và theo đuổi cuộc sống không rác thải (Zero Waste). Cô chủ nhỏ của Go Eco HaNoi là một trong số đó.

Trong 25 m2 nhỏ bé ấy, có tất cả những vật dụng cần thiết được chế tạo thân thiện với môi trường.
Trong 25 m2 nhỏ bé ấy, có tất cả những vật dụng cần thiết được chế tạo thân thiện với môi trường.

Một cửa tiệm "không giống ai"

Sẽ phải chú ý lắm mới không bỏ qua cửa tiệm nhỏ ấy. Bên ngoài không có bảng hiệu, chỉ vỏn vẹn biển số nhà phố 30 Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cùng hàng chữ Go Eco Hanoi ở hai cánh cửa gỗ. Ðó là điểm khởi đầu cho một hành trình mới, đầy khác biệt, vô cùng khó khăn nhưng cũng tràn ngập cảm hứng.

Bên trong cửa tiệm cũng bày biện khiêm tốn không kém, nhưng gói gọn trong 25 m2 ấy lại có đủ mọi thứ cần dùng cho một tín đồ của lối sống Zero Waste - không rác thải. Nói một cách hình ảnh, cửa tiệm nhỏ hệt như một cuốn cẩm nang mang đến cả kiến thức lẫn những sản phẩm thật "xanh" cho những người muốn chuyển đổi sang một lối sống thân thiện và bảo vệ môi trường. Bắt đầu từ những việc như giảm giá hấp dẫn khuyến khích khách hàng mang chai thủy tinh, túi xách riêng khi mua đồ. Hay như, thay vì hóa đơn giấy, cửa hàng gửi hóa đơn điện tử qua facebook, hoặc
tin nhắn…

Từ việc bày biện gian hàng, chọn sản phẩm, quy cách đóng gói cho đến mô hình hoạt động phi lợi nhuận…, tất cả đều đi đúng với lời nhắn nhủ từ những ngày đầu: "Chúng tớ chuyên cung cấp những sản phẩm thân thiện với môi trường với tiêu chí hạn chế tối đa việc phát thải rác. Chặng đường chắc chắn còn rất dài, nhưng rất mong các bạn ủng hộ nhé! Toàn bộ lợi nhuận của cửa hàng sẽ được dùng vào các hoạt động bảo vệ môi trường".

Những đồng lợi nhuận "xanh" từ Go Eco Hanoi đã đóng góp cho việc tổ chức các khóa học miễn phí về việc tận dụng đồ không còn sử dụng (tái chế quần áo không còn mặc, tự làm kem đánh răng,…); hay mua sách cho thư viện môi trường cộng đồng; hỗ trợ cho tổ chức tái chế như LasGreen và One Tree Planted (dự án trồng rừng trải rộng trên khắp thế giới).

Trăm chuyện quanh chữ "tiện"

Ðể hẹn gặp được chủ cửa hàng - chị Nguyễn Hoàng Thảo - cũng phải "tranh thủ" lắm. Người phụ nữ nhìn trẻ hơn nhiều so với tuổi ngoài 30 ấy thuộc tuýp phụ nữ đa năng, vừa là giảng viên tiếng Nhật tại Trường đại học Hà Nội, vừa quản lý cửa tiệm, và quản trị trang facebook Nói không với túi ni-lông.

"Tháng 7 này, Go Eco Hanoi tròn một tuổi đấy", chị Thảo vui vẻ chia sẻ. Một năm đi qua thật sự không dễ dàng gì đối với người tiên phong trong việc xây dựng mô hình kinh doanh hoàn toàn thân thiện với môi trường. Trước tiên là việc thuyết phục các đơn vị cung ứng. Chị Thảo không chỉ yêu cầu phải là sản phẩm địa phương, dễ phân hủy, có thể tái chế, mà trong khâu vận chuyển, nhà sản xuất còn không được sử dụng túi ni-lông. Rồi với những sản phẩm bán theo định lượng, thay vì đóng gói 100g, thì khách đến mua tại cửa tiệm có thể mua 25,30 g, để họ có thể thử và tìm được sản phẩm phù hợp. Các đơn vị cung ứng phải chấp nhận lợi nhuận thu về sẽ chậm hơn, chi phí đóng gói tiết kiệm được sẽ bù lại một phần doanh thu đó. Bởi những yêu cầu "khác người", cũng phải chuẩn bị và đi vận động khá lâu, chị Thảo mới gom được hơn 20 đơn vị cung ứng các loại sản phẩm đa dạng như hiện tại.

Rồi sau đó là phương thức hoạt động của cửa hàng. Mới đầu, chị cũng hay nhận được phản hồi dạng: "Ôi cửa hàng kiểu gì mà tiếc cả khách cái túi đựng!". Hay cả chuyện giao hàng tận nhà nữa. Cửa tiệm chỉ giao các đơn hàng trị giá hơn 100.000 đồng các khu vực nội thành, và hơn 300.000 đồng đến các tỉnh khác. Vì theo chị Thảo: "Nếu các đơn hàng nhỏ lẻ như thế mà cũng giao, thì vô tình lại khuyến khích cái thói quen "tiện" của các bạn ấy. Ðiều này cũng làm bọn mình mất khách nhiều, nhưng thôi, cũng coi như một điểm nhấn nhắc nhớ mọi người về cửa tiệm đặc biệt này".

Lại nói đến chữ "tiện". Mọi thứ đang ngày một tệ đi là do chúng ta đang thải ra lượng rác quá với mức khả năng chúng ta có thể giải quyết được. Tất nhiên chẳng ai dám khẳng định rằng tất cả mọi người trên thế giới này cùng sống kiểu Zero Waste thì là tốt. Song, nếu chúng ta cố gắng kiểm soát lượng rác thải trong khả năng xử lý, thì đó mới là cân bằng. Không thể hoàn toàn 100% không xả rác, thế nhưng hãy cố gắng hạn chế đến tối đa. Mà, lượng rác thải khổng lồ mỗi ngày chúng ta sản sinh đều xuất phát từ nhu cầu tiện nghi trong cuộc sống.

Từ cách đây ba năm, chị Thảo đã bắt đầu cuộc sống không còn quá "tiện nghi" của mình. "Ðầu tiên, mình không sử dụng túi ni-lông nữa. Ðấy là cái đơn giản nhất. Mỗi khi đi chợ thì mình cứ mang túi của mình theo, và các loại hộp để đựng đồ. Rồi đến ống hút, cá nhân mình thì thấy không cần thiết. Nhưng để đáp ứng nhu cầu của thị trường, mình bán ống hút tre hay ống hút inox. Còn khi mua đồ uống, mình luôn mang cốc thủy tinh đi đựng. Mình thường tự làm những sản phẩm mình có thể làm được như thay vì mua kem đánh răng, thì tự làm ở nhà bằng dầu dừa và muối biển…". Từ kinh nghiệm của một người đã ba năm sống theo phong cách Zero Waste, chị Thảo luôn đặt mục tiêu cố gắng mỗi ngày đều làm được một việc nào đó bảo vệ môi trường.

Hãy đi cùng nhau!

Ban đầu, trước khi tích lũy đủ những điều kiện để mở Go Eco Hanoi, chị Thảo đã lập nên Nói không với túi ni-lông - một trang fanpage trên mạng xã hội. Thông qua đó, chị Thảo tìm thêm được một nhóm bạn trẻ đồng hành cùng mình. Xuất phát điểm của Nguyễn Anh Thư, sinh viên năm thứ hai Trường đại học Kinh tế Quốc dân, là muốn tìm mua những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống không rác thải. Nhờ đó Thư gặp được Go Eco Hanoi. Rồi từ khách hàng, bạn nhận luôn vị trí bán hàng. Khi được hỏi về cơ duyên với cửa hàng, Thư hào hứng chia sẻ: "Em bắt đầu cuộc sống không rác thải của mình cũng cách đây một năm. Nhờ có cửa hàng mà em quen được rất nhiều bạn cả trong và ngoài nước. Trước là khách hàng, sau đấy bọn em vẫn giữ liên lạc, thành một nhóm chia sẻ với nhau về các mẹo tận dụng rác thải".

Chị Thảo cùng những bạn trẻ ấy từng bị cho rằng đang "làm quá", "quan trọng hóa" những vấn đề nhỏ. Song, họ vẫn luôn kiên định với mục tiêu góp tay làm "xanh hóa" Trái đất. Nhờ sự nỗ lực từng ngày, sau hơn một năm đi vào hoạt động, Go Eco Hanoi đã thu hút được hơn 14.000 người quan tâm, với nhiều phản hồi tích cực. Như bạn Nguyễn Phương Anh, hiện là nhân viên văn phòng, coi cửa tiệm không chỉ đơn giản là một nơi để mua sắm, mà còn là nơi để sẻ chia giữa những người đồng chí hướng. "Khi biết đến cửa tiệm, mình không còn đơn độc nữa. Cửa tiệm chính là một sự tồn tại hữu hình để khi người khác hỏi, mình có thể tự hào khoe về địa chỉ nghiện mua sắm của mình!".

Hiện nay, chị Thảo cùng nhóm của mình đang vận động mọi người cùng ký vào bản yêu cầu các chuỗi cửa hàng Highland, Phúc Long… nói riêng và các cửa hàng giải khát nói chung ngưng phục vụ cốc nhựa dùng một lần cho khách. Theo chị Thảo, "Cách tiêu dùng của chúng ta sẽ định hướng cho các doanh nghiệp thay đổi. Khi khách hàng yêu cầu thì cửa hàng phải đáp ứng, nếu muốn giữ chân khách hàng. Quan trọng là chúng ta có lên tiếng hay không!".

Thông qua chuỗi hoạt động của nhóm mình, chị Thảo chỉ mong mỏi ngày một nhiều người nhận ra: "Thật ra, sống không rác thải cũng không quá khó khăn đâu. Và hãy thử tưởng tượng Trái đất nhỏ bé như ngôi nhà của chính mình. Khi bạn ở trong nhà, bạn vứt rác bừa bãi tức là bạn đang đồng ý cho người khác xả rác trong nhà của bạn. Còn nếu bạn luôn kiên định giữ nhà của mình sạch sẽ, chẳng có ai dễ dàng xả rác ra nhà của bạn được nữa!".

Hành trình sống "Không rác thải"! ảnh 1

"Mình bắt đầu với khao khát tạo ra một nơi để mọi người có thể mua được hầu hết các vật phẩm thiết yếu hằng ngày, mà lại thân thiện với môi trường. Mình cần gì, dùng gì, thì mình bán thứ ấy. Ðược lãi bao nhiêu mình lại hỗ trợ cho các nhóm bạn trẻ khác đang thực hiện các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường".