Dựng đời mới trong nụ cười

Chỉ với một nhóm người đứng ra vận động, thực hiện, vậy nhưng sau 5 năm, “Nhà chống lũ” đã được biết đến ở nhiều vùng rốn lũ trên cả nước. Họ không chỉ dựng lên những ngôi nhà, hơn cả, dự án đã mang lại cơ hội thay đổi cuộc đời cho người dân. Và cũng mang lại một cái nhìn mới cho cách thức mà cộng đồng có thể chung sức tạo nên sự hồi sinh nơi vùng đất hứng chịu nhiều tàn phá của thiên tai.

Kiến trúc sư của dự án đang trao đổi mẫu thiết kế nhà với bà con vùng lũ xã Phương Điền, Hương Khê, Hà Tĩnh.
Kiến trúc sư của dự án đang trao đổi mẫu thiết kế nhà với bà con vùng lũ xã Phương Điền, Hương Khê, Hà Tĩnh.

Nhà ngói trên cao, công trình sáng tạo

Tìm gặp những thành viên của dự án “Nhà chống lũ” đúng trước sự kiện gây quỹ diễn ra ở Hà Nội vào ngày 3-12 này. Anh Lương Hùng, đồng sáng lập của dự án hồ hởi: “Đây là lần gây quỹ thứ 10, đánh dấu chặng đường 5 năm bền bỉ của dự án xã hội Nhà chống lũ”.

Nhen nhóm từ năm 2009, sau chuyến thiện nguyện trĩu lòng và ám ảnh về mất mát của người dân nơi rốn lũ miền trung, chị Phạm Thị Hương Giang, người điều hành và sáng lập dự án này, có suy nghĩ là phải làm gì đó thiết thực hơn để người nghèo vùng lũ có cuộc sống an toàn hơn, an tâm chống chọi với bão lũ cứ đeo bám. Năm ấy, chị đến nhiều vùng quê Quảng Nam khi không ít người dân đã kiệt sức vì lũ... Chị bắt gặp một người đàn ông da đen sạm, đứng giữa nền nhà trống tiêu điều, gọi mãi mà ông không trả lời. Cơn lũ đã lấy đi tất cả tài sản và tương lai của gia đình, khiến người đàn ông như hóa đá… Điều này cứ ám ảnh chị Giang, khiến chị nghĩ phải làm gì và làm hiệu quả cho người dân vùng lũ này.

Với các dự án xã hội, như “Nhà chống lũ” có hai yếu tố quan trọng quyết định sự thành công - đó là “Lòng tin” và “Cảm hứng”. Chỉ bằng lòng tin, GS, TS Tống Trần Tùng - chuyên gia về vật liệu nhẹ đã trao tặng thiết kế kiểu ngôi nhà đặt trên sáu cọc bê-tông, kiên cường giữa biển nước của mình cho dự án. Cũng chỉ bằng lòng tin, những người bạn lớn đã xắn tay cùng chị Phạm Thị Hương Giang biến ý tưởng “Nhà chống lũ” mới lóe thành hiện thực. Rồi từ sự lan tỏa của “lòng tin” đã tạo nên “cảm hứng” cùng sáng tạo những cách làm, cách gây quỹ ấn tượng và hiệu quả. Không thể không nhắc đến những buổi đấu giá tranh quy tụ nhiều văn nghệ sĩ đến đóng góp tác phẩm, và khả năng trình diễn của mình… Có những người ẩn danh lặng lẽ, bền bỉ chuyển tiền cho dự án...

Tới mùa lũ lịch sử năm 2013, khi thiên tai tàn phá biến nhiều vùng quê ở miền trung thành biển nước, chị Phạm Thị Hương Giang quyết tâm chuyển ý tưởng xây nhà chống lũ thành hiện thực. Ngay trong chiến dịch đầu tiên ấy, họ đã quyên góp đủ số tiền để xây năm căn nhà chống lũ, và lên phương án xây dựng, hợp tác với năm hộ dân tại Sơn Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh), nơi mà nhiều gia đình đang không có mái nhà nương thân. Lúc ấy cả chính quyền địa phương và các gia đình đều quá bất ngờ, quá đỗi vui mừng, khi các ngôi nhà trong chưa đầy hai tháng đã được dựng lên, vừa kịp để ăn Tết.

Dựng đời mới trong nụ cười ảnh 1

Chị Phạm Thị Hương Giang với cụ bà Hồ Thị Nga ở Hà Tĩnh được dự án hỗ trợ xây nhà.

Chuyến đi đầu tiên của “Nhà chống lũ” đã ra đời như thế. Thật khó tin, đến thời điểm này dự án đã xây dựng được 523 căn nhà, ước tính hỗ trợ trực tiếp cho 2.092 người có được đời sống an toàn trước thiên tai khắp các vùng miền từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh… Chỉ trong năm 2017, dự án cùng người dân đã hoàn thành 200 căn nhà tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, một số địa phương ở miền tây. 120 hộ gia đình và cơ sở trường học, y tế tại Tam Hiệp, Bến Tre được hỗ trợ bồn nước, số hộ được hỗ trợ sinh kế nuôi dê và vịt là 50 hộ. “Tháng 5 năm ngoái, về làng tái định cư An Thạnh Nam ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng), khung cảnh đìu hiu cỏ cao quá đầu người đã biến mất. Chị Hạnh vợ anh Linh, một hộ dân được hỗ trợ cười suốt vì vừa được chồng xây cho cái hiên dài để bán xôi, chuối chiên tại nhà, kiếm thêm thu nhập. Cô Đảnh cũng là hộ dân được hỗ trợ thì cứ tất bật tiếp khách trong xóm đến tham quan nhà để học hỏi vì nhà làm đẹp quá!”, anh Lương Hùng xúc động kể lại.

Điều đặc biệt nhất ở mô hình “Nhà chống lũ” này, đó là sự tham gia của chính người dân từ khâu lập kế hoạch, chuẩn bị ngân sách tới thiết kế và xây dựng. Một ngôi nhà an toàn không chỉ có cơ sở vật chất hạ tầng, mà còn ở ý thức sẵn sàng và khả năng thích ứng trước sự thất thường của thời tiết. Những người làm chương trình này cũng tâm niệm, không dùng nước mắt để làm các dự án cộng đồng, mà hãy dùng những thông điệp tích cực, cho người ta thấy một con đường đi tươi sáng và đáng tin cậy. Vì thế, thông điệp của dự án Nhà chống lũ lúc nào cũng vui, thậm chí rất ấn tượng như: “Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao”, “Sợ lũ là chuyện xưa cũ”,…

Tin vui gần nhất, là có 97% tổng số nhà được dự án “Nhà chống lũ” hỗ trợ ở Hà Tĩnh và Quảng Bình, tương đương khoảng gần 250 căn, đã an toàn tuyệt đối sau cơn bão số 10 vừa qua, cho thấy những nỗ lực thời gian qua của dự án thật đáng trân trọng. Tuy nhiên, chương trình xã hội thiện nguyện này, ngay từ đầu bắt tay đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Việc nhóm huy động sức mạnh của cộng đồng và đóng góp nhiều nhất là 50% giá trị ngôi nhà, còn lại là do người dân đóng góp nhằm xây dựng cho người dân sự tự tin, tự chủ và tự tôn ban đầu đã không được các hộ dân đồng tình. Họ cho rằng, từ trước tới giờ đi nhận từ thiện toàn có cái mang về, có ai bảo phải góp gì đâu! Ngoài ra, chính quyền địa phương một số nơi cũng thận trọng, không hợp tác.

Với tâm niệm ngôi “Nhà chống lũ” không xây theo kiểu tình thương, mà đây là mái nhà của chính người dân, và từ những hỗ trợ thiết thực, cụ thể cho từng hộ dân, nhận thức của số đông về “Nhà chống lũ” đã dần thay đổi. Gần đây nhất, khi nhóm đến Đức Thọ, Hà Tĩnh, Đoàn Thanh niên tình nguyện ở đây đã xắn tay áo giúp đắp đất, đổ nền, giúp dự án tiết kiệm được rất nhiều chi phí nhân công. “Ngày xưa khi chưa có mái nhà, gia đình tôi vất vả 10 phần, nay có nhà rồi chỉ vất vả bốn, năm phần. Chừ có nhà cao rồi chỉ lo làm ăn, không lo gì chuyện nước lội vô nhà nữa” - anh Nguyễn Văn Nguyên, ở xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vui mừng nói về ngôi nhà mới của mình.

Luôn sẵn sàng đi tiếp

Là dự án cộng đồng, ngay từ đầu “Nhà chống lũ” đã nhận được sự chung tay của xã hội rộng lớn. Họa sĩ Lê Đình Nguyên, người đã nhiều lần tặng tác phẩm của mình cho dự án chia sẻ: “Người nghệ sĩ không thể ngự trong tháp ngà nghệ thuật của mình, mà phải lăn vào đời sống, sẻ chia với những bất hạnh của con người. Đó là cách, đời sống va đập vào tác phẩm của họ. Đó cũng là cách, họ thể hiện trách nhiệm công dân của mình”. Họa sĩ làm “Trâu đèn” tặng cho dự án cũng với mong muốn rằng, mỗi người chúng ta hãy thắp sáng lên ngọn lửa tình yêu thương, đùm bọc cho những người nghèo vùng lũ lụt.

“Nhà chống lũ” hiện cũng quy tụ khá nhiều văn nghệ sĩ cùng góp sức, trong đó có những người tham gia một cách âm thầm, lặng lẽ. Ca sĩ Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương, Nhật Thủy, hay họa sĩ Lê Kinh Tài, Thành Chương, Lê Quảng Hà, Lê Thiết Cương, MC Mỹ Linh… nhiều năm nay nhiệt thành tham gia khách mời chương trình đấu giá tranh gây quỹ. “Có rất nhiều cách để làm từ thiện, nhưng làm thế nào để hiệu quả. Tôi nghĩ từ thiện không phải là việc đem của cho đi, mà phải thật sự đồng hành với hành trình đó”, ca sĩ Mỹ Linh bộc bạch.

Điểm làm nên dấu ấn cho sự kiện gây quỹ “Nhà chống lũ” lần thứ 10 - “Dựng đời mới trong nụ cười” tại Hà Nội vào ngày 3-12 này, chính là tin vui, toàn bộ số tiền gây quỹ trong chương trình sẽ được dành cho nghiên cứu các mô hình nhà an toàn cho các địa bàn mới ở Nam Trung Bộ, miền tây và miền núi phía bắc, bên cạnh việc gia tăng số lượng các hộ được hỗ trợ xây nhà ở miền trung. Cùng đó xây dựng thí điểm mô hình làng hạnh phúc bền vững, trong đó có các hỗ trợ về nhà, nước sạch, vệ sinh, sinh kế...

Dự án vẫn tiếp tục hành trình. Mỗi chặng, mỗi mở ra những cơ hội mới cho việc tìm kiếm những giá trị sống tốt đẹp hơn cho bà con vốn đã khốn khó vì sự khắc nghiệt của địa lý, của thiên tai. Xây một ngôi nhà là dựng một đời mới. Khi đã có được “Lòng tin” và truyền đi được “Cảm hứng”, tin rằng, Nhà chống lũ sẽ có được sức sống bền vững!