Đón hừng đông ở cực đông Tổ quốc

Trước đây, mũi Đại Lãnh (Phú Yên) nổi tiếng với danh hiệu “Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam”. Tuy nhiên, sau khi tiến hành đo đạc chính xác, Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi nhận mũi Đôi (Khánh Hòa) ở vị trí 109 độ 27 phút 55 giây kinh độ đông, xa hơn mũi Đại Lãnh (109 độ 27 phút 06 giây), trở thành điểm cực đông của Tổ quốc - niềm khao khát khám phá mới với những người đam mê “xê dịch”.

Đón ánh bình minh đầu tiên trên dải đất hình chữ S.
Đón ánh bình minh đầu tiên trên dải đất hình chữ S.

“Nếm mùi” gian nan

Mũi Đôi thuộc làng chài Đầm Môn (cách TP Nha Trang khoảng 100 km), nhưng chúng tôi lựa chọn xuất phát từ Tuy Hòa, di chuyển bằng xe máy qua hơn 55 km xuôi về phía nam. Men theo quãng đường ven biển dưới chân đèo Cả và đèo Cổ Mã, thời tiết đẹp giúp đoàn chúng tôi có cơ hội nhìn ngắm những phong cảnh tuyệt đẹp trải dài nối tiếp, từ bờ biển bãi Ngà cát trắng hoang sơ, vịnh vũng Rô với hàng trăm bè nổi sinh thái được hai sườn núi bao bọc che chở, cho đến làng chài Đại Lãnh san sát những mái ngói đỏ hướng thẳng ra khơi…, tất cả như vun vén sự hứng khởi cho một hành trình khám phá tuyệt vời sắp tới.

Trước chuyến đi, chúng tôi đã liên hệ với chú Hai Châu - người dẫn đường nổi tiếng nhất của làng, vẫn thường được gọi trìu mến bằng cái tên chú Hai. Sau gần 10 năm làm du lịch, chú Hai chỉ phụ trách vai trò kết nối, nhường lại nhiệm vụ dẫn đường cho anh Nghĩa - lớp trẻ kế cận. Mất hơn hai giờ chạy xe để đến làng chài Đầm Môn, từ đây, cả đoàn chuyển sang đi bộ vượt địa hình (trekking) để chinh phục điểm “cực” rồi quay trở về bằng thuyền.

Đón hừng đông ở cực đông Tổ quốc ảnh 1

Đồi cát là địa hình khó khăn nhất suốt chặng đường chinh phục Mũi Đôi.

Hành trình vượt qua những đồi cát ngút tầm mắt thật sự khắc nghiệt. Giữa cái nắng thiêu đốt cuối hè, dù có lựa theo bước chân của người đi trước, cát vẫn lún níu từng bước chân đi. Trong tổng chiều dài hơn 14 km di chuyển đường bộ, đồi cát là địa hình khó khăn nhất. Dù đã tìm hiểu và “lên dây cót” tinh thần từ nhà, nhưng nhiều thành viên trong đoàn vẫn cảm thấy hoang mang khi nếm trải cảm giác bị bủa vây giữa muôn trùng cát trắng. Em út của đoàn, bé An thậm chí còn bật khóc khi lên tới đỉnh đồi cát thứ năm, mà trước mặt vẫn mênh mông trắng xóa.

Qua hai giờ “nếm mùi” gian nan, khi biển xanh và những cơn gió mát dần ve vãn, chúng tôi cũng tới được nhà chú Hai nghỉ ngơi và ăn trưa để lấy sức cho đoạn trekking buổi chiều. Cốc chanh tươi mát lạnh như một cốc “nước thần” giúp thổi bay cơn khát. Nằm đung đưa trên chiếc võng dưới hiên nhà, cơ thể mệt nhoài ngay lập tức chìm vào giấc mơ trưa.

Đoạn đường hơn 8 km tiếp theo là thử thách với đủ mọi loại địa hình từ xuyên rừng, leo qua ba quả đồi cho tới nhảy ghềnh và luồn lách qua những bãi đá cheo leo. Thế nhưng, ánh nắng chiều dịu nhẹ, cộng thêm việc ngắm nhìn dải đất ven biển trong những cơn gió mát lộng khiến cho những vất vả giảm đi rất nhiều. Tới được bãi Rạng - nơi dựng lều cắm trại cũng là lúc khép lại khó khăn ngày đầu.

Ánh mặt trời đầu tiên

Xếp những tảng đá ngay ngắn thành một bếp lửa, anh Nghĩa bắt đầu trổ tài đứng bếp chuyên nghiệp. Khi ngọn lửa bùng lên, tôm biển được rải đều trên vỉ sắt, dần chuyển mầu hồng, thơm phức. Tôm chín, lửa cũng dịu dần, mực lúc này mới được dọn lên. Nhâm nhi những thức đồ nướng tươi ngon dưới ngàn sao lấp lánh, trong tiếng sóng vỗ rì rào thật sự là một món quà xứng đáng sau những vất vả lúc ban ngày.

Từ nơi chúng tôi dựng trại, địa hình tiếp theo chỉ toàn những tảng đá lớn xếp chồng lên nhau. Để kịp đón bình minh, cả đoàn phải dậy từ bốn giờ sáng. Mất gần một giờ rọi đèn pin để nhảy ghềnh, lúc trườn, lúc bò dưới hốc đá, khi lại lách mình giữa khe hẹp…, chúng tôi tới được mũi Đôi. Thử thách cuối cùng chính là leo thang dây lên một tảng đá cao chừng chục mét, để chễm chệ cùng chóp đá hoa cương bên trên. Nhằm gia tăng độ an toàn, anh Nghĩa sẽ chỉnh sẵn một sợi dây thừng từ trên đỉnh để giữ cố định quanh ngực mỗi người, trong suốt quá trình leo thang.

Sau biết bao nỗ lực, bạn sẽ là người ngắm hừng đông tỏa rạng đầu tiên trên dải đất hình chữ S. Hãy sẵn sàng tay máy nếu không muốn lỡ đi những giây phút quý giá, mong chờ nhất của cả hành trình.

Trở lại làng chài Đầm Môn, chúng tôi quyết định đi thuyền để tiết kiệm sức lực. Đón chúng tôi ở bãi Rạng, cả đoàn sáu người được trải nghiệm đi trên một chiếc thuyền thúng trước khi lên ghe. Ông Thịnh lái thuyền, như lời tâm sự, cũng thường xuyên lênh đênh trên biển hàng tháng trời. Không chỉ đưa đón du khách, ông sẵn sàng phục vụ nếu bạn có nhu cầu lặn ngắm san hô hay tận hưởng những buổi câu mực, câu cá giữa đại dương xanh.

Thuyền cập bãi biển Sơn Đừng với bờ cát dài trắng mịn, nước trong vắt như pha lê, là địa điểm mà ông Thịnh tự hào từng giới thiệu với nhiều đoàn khách đến đây tắm biển. Nằm cách làng chài Đầm Môn khoảng 3 km đường đồi cát trắng nên chưa nhiều người biết đến bãi tắm tuyệt đẹp này. Ông Thịnh khẳng định: “Nước biển ở đây có khả năng chữa bệnh tuyệt vời. Sau những chuyến đi biển dài ngày, chỉ cần nhảy ào xuống làn nước trong mát ấy, bao nhiêu say sóng, say nắng hay mệt mỏi cũng đều tan biến. Gân cốt trong cơ thể cũng dần hồi phục, khỏe lên, sẵn sàng cho những hải trình tiếp theo”.

Tiềm năng và mạo hiểm

Trong những năm gần đây, du lịch khám phá mạo hiểm phát triển rất mạnh không chỉ ở riêng tỉnh Khánh Hòa mà còn ở nhiều địa phương trên cả nước, tận dụng những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng. Do yếu tố mới lạ, cùng những khác biệt đòi hỏi về sức khỏe, độ bền và hứng thú tìm hiểu, hoạt động du lịch mạo hiểm phần nhiều thích hợp với giới trẻ. Đây cũng là loại hình ít nhiều hàm chứa sự rủi ro do tác động của điều kiện khách quan, nên cả đơn vị tổ chức dịch vụ cũng như người tham gia đều cần có sự chuẩn bị chu đáo, cẩn thận và chuyên nghiệp hơn loại hình du lịch thông thường. Vậy nhưng, ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Khánh Hòa lại khẳng định: “Ngoài hoạt động lặn biển, chưa có công ty du lịch nào đăng ký khai thác chính thức loại hình du lịch này”.

Các nhóm du lịch chủ yếu vẫn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người đi trước “mách nước” cho người đến sau và hoạt động dịch vụ mang tính tự phát của người dân. Thậm chí, có nhiều nhóm phượt tự di chuyển tới mũi Đôi, sau hàng giờ “vật vã” giữa đồi cát không thể tìm thấy đích đến, họ đã phải gọi điện nhờ người dẫn đường giải cứu.

Người dẫn đường của chúng tôi, anh Nghĩa cũng thành thật chia sẻ, trong những hành trình dẫn đường cho các nhóm khách du lịch, anh cũng gặp không ít chuyện “dở khóc dở cười”. Anh kể: Từng có đoàn khách gồm 10 em học sinh THPT tới đây khám phá. Lúc đi mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ, nhưng khi trở về cậu bé trưởng đoàn bị chuột rút ngay tại khu đồi cát. Đồ đạc, lều trại phải chuyển bớt cho các bạn gái. Anh cùng các bạn trai phải thay nhau khiêng, cõng, đỡ, vác chàng trai cao 1m80 nặng hơn 80 kg vượt qua “sa mạc” mênh mông. Sáu người dốc hết sức mới kịp về lại làng chài trước khi mặt trời xuống núi.

Chuyến đi của đoàn chúng tôi đã được coi là khá đầy đủ về điều kiện hậu cần, vậy nhưng, khi được đón bằng chiếc thuyền thúng nhỏ mà không có bất kỳ một chiếc áo phao nào, hay như thời điểm chinh phục tảng đá lớn cuối cùng chỉ với một sợi dây thừng thắt quanh ngực được níu bởi anh Nghĩa dẫn đường… tất cả ít nhiều cũng khắc họa tính chất mạo hiểm của cả chuyến hành trình.

Dẫu vậy, tôi rất khâm phục nỗ lực của người dân làng chài trong việc tìm tòi phát triển du lịch. Không chỉ nhiệt tình, chu đáo đáp ứng hầu hết nhu cầu của khách tham quan, các thế mạnh địa phương đều được người dân sáng tạo tận dụng khai thác tối đa, từ lặn biển ngắm san hô, đến câu cá, câu mực hay đa dạng hóa phương tiện đón khách bằng ghe thuyền với những đoàn không có kinh nghiệm trekking… Không những thế, người dân ý thức rõ ràng trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Toàn bộ rác thải của chuyến đi được anh Nghĩa thu gọn rồi đốt sạch trước khi trở lại làng chài.

Hành trình đón ánh hừng đông đầu tiên ở cực đông đất nước tuy vất vả, nhưng những trải nghiệm, khám phá những phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, trong trẻo và đẹp đẽ ấy chắc chắn vẫn sẽ là khao khát mà bất cứ ai cũng muốn chinh phục một lần trong đời.