“Cõng” chữ lên Bản Kè

Hơn ba giờ di chuyển cắt ngang đường Trường Sơn về phía tây giáp biên giới với nước bạn Lào, chúng tôi mới vào được đến Bản Kè, bản của đồng bào Chứt sinh sống xa trung tâm xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) nhất. Trong thinh không yên lặng của núi rừng, đã thoáng nghe làn điệu dân ca Kà Lưm, Kà Lềnh, báo hiệu ngày vui trên heo hút Trường Sơn.

“Cõng” chữ lên Bản Kè

Ngày vui trên tây Trường Sơn

Cao Quang, người có uy tín nhất Bản Kè, năm nay đã ngoài 80 tuổi, đón khách bằng lời chia sẻ: “Miềng là người Chứt, còn gọi là người Rục, Sách, A Rem, Mày, Mã Liềng. Tộc người miềng xưa sống trong hang đá, khổ nhiều, đói ăn lạt muối lắm. Giờ Đảng cho dân miềng định cư rồi, chứ ngày xưa dân miềng sống nhờ săn bắn và hái lượm thôi, nhờ rừng thôi. Nói gì đến biết chữ, biết đọc biết viết. Bản thân miềng không biết viết chữ đâu mà!”.

Một bầy gà rừng tao tác bay nhanh rồi mất hút vào rừng sim tím khi nghe động. Người đưa chúng tôi vượt núi vào Bản Kè để khánh thành điểm trường mới cho con em người Chứt là thầy giáo đồng thời giữ chức Hiệu trưởng điểm trường Bản Kè Võ Văn Bằng (ảnh nhỏ). Thầy Bằng vui như hội: “Chúng tôi rất cảm kích trước sự hỗ trợ quý giá và đầy ý nghĩa này từ Công ty Canon Marketing Việt Nam đã hỗ trợ xây phòng học mới, nhà vệ sinh mới. Đây thật sự là nguồn động viên mạnh mẽ cho các em học sinh người Chứt ở Bản Kè. Bởi chỉ cách đây vài chục năm, người Chứt còn che mình bằng vỏ cây sui, ngủ chung lẫn lộn trong hang hoặc trong lều. Bà con chưa biết gạo, chưa biết chữ, chưa biết mặc quần áo mà”.

Tìm thêm thông tin từ Lịch sử Đảng bộ huyện Tuyên Hóa thì thấy rằng, dưới thời thực dân Pháp, người Chứt bị miệt thị là “Xá lá vàng”. Chữ “Xá” là chỉ những tộc người lạc hậu; còn chữ “lá vàng” chỉ cuộc sống di cư, bởi người Chứt thường chỉ sống tại một địa điểm trong những túp lều lợp bằng lá cây khoảng vài ngày cho đến khi lá chuyển sang mầu vàng thì bỏ đi nơi khác. Bản thân chữ “Chứt” cũng được hiểu là hang đá, nơi trú ngụ của người Chứt. Thực phẩm “sang trọng” nhất của họ là thịt khỉ. Ngày nay người Chứt đã sống định canh định cư, đã canh tác lúa, đậu… nhưng khi đến mùa thu hoạch, bà con vẫn lên ở các hang núi gần nương rẫy, chỉ trở lại bản làng khi mùa màng xong xuôi. Ấy vậy nên nhiều thế hệ trẻ em người Chứt vẫn không thể biết chữ.

Cô giáo cắm bản ở Bản Kè Trần Thị Trang đã hai năm chưa về xuôi. Cô kể mình đang “ở đậu” trong nhà một giáo viên bản địa. Ngày khởi công đến ngày hoàn thành công trình điểm trường mới, cô và các thầy cô khác cùng “cả hệ thống chính trị” của Bản Kè phải luân phiên kéo điện, xách nước, nấu cơm cho các nhóm thợ xây trường. Với vật liệu xây dựng thì dễ bởi có xe công nông chở vào được, song với nước trộn bê-tông, trộn hồ, phải “cõng” từng phuy vào điểm xây trường vì dân Bản Kè lâu nay chỉ uống nước suối, chứa nước trong ống tre đủ dùng. Cô Trang không giấu niềm vui: “Em còn viết cả nhật ký ghi rõ ngày nào xây dựng đến đâu, ngày nào dọn bàn ghế mới vào, ngày nào các anh công nhân rời Bản Kè. Rất thích vì học sinh của em sẽ chăm hơn khi có lớp đẹp phòng sạch. Bản thân em cũng không phải đi “ở đậu” nữa!”.

“Cõng” chữ lên Bản Kè ảnh 1

Quá nhiều khó khăn khiến số học sinh “đi học không chuyên cần” ở Bản Kè hiện chiếm tỷ lệ “tương đối cao”, khoảng gần 35%.

Chông chênh sự học

Theo UBND huyện Tuyên Hóa, hiện địa phương có 222 hộ, với 799 khẩu là dân tộc Chứt (Mã Liềng) sống tập trung ở Bản Kè (xã Lâm Hóa). Là địa bàn núi cao hiểm trở, địa hình nhiều nơi bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, không có đất sản xuất, do vậy đời sống người dân còn nhiều khó khăn với 50,19% là hộ nghèo. Tuy đồng bào dân tộc Chứt đã có nhiều chuyển biến tích cực, luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhưng đa số đồng bào dân tộc thuộc diện hộ nghèo. Bên cạnh đó, trình độ dân trí của đồng bào còn thấp, nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ triệt để; khả năng canh tác, sản xuất phát triển kinh tế của các hộ gia đình cũng như mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào còn hạn chế.

Việc khánh thành điểm trường thật sự là sự kiện lớn lao với người dân Bản Kè, là ngày hội với không chỉ những đứa trẻ nơi núi rừng heo hút này, bởi cái sự học của trẻ em Chứt vẫn còn quá chông chênh, hệt như những ngọn núi cao vút chỉ có tổ đại bàng là trụ vững. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuyên Hóa Trần Hữu Chức là người rất trăn trở với đời sống và luôn mong muốn cải thiện, nâng cao dân trí cho bà con ở Bản Kè nói riêng và người Chứt trong huyện. Ông nói, tuy rằng năm học 2017-2018, tỷ lệ huy động trẻ em Chứt trong độ tuổi đến trường đạt 100% (179 học sinh theo học) nhưng vì địa bàn rừng núi chia cắt nên Bản Kè vẫn rất xa đối với các học sinh người Chứt nơi đây. Thế nên không quá ngạc nhiên khi số học sinh “đi học không chuyên cần” ở Bản Kè chiếm tỷ lệ “tương đối cao”, khoảng gần 35%.

Ông Chức cho biết: “Huyện vừa cho khai hoang hàng chục héc-ta để bố trí đất ở, đất sản xuất cho bà con; quy hoạch, chuyển đổi rừng nghèo kiệt giao cho bà con trồng rừng gắn với giao rừng cho bà con bảo vệ nhằm giải quyết việc làm tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc Chứt. Bên cạnh đó là vận động xã hội chung tay xây trường, làm đường cho trẻ em Chứt dễ dàng đến lớp, tránh nguy cơ các em bỏ học”.

Tiếng khèn bè, loại đàn ống lồ ô có lỗ vang lên réo rắt hòa cùng niềm vui của học sinh và thầy cô giáo Bản Kè. Một tốp học sinh Chứt cười như hoa khi ngoài việc vui với trường mới, các em còn nhận cặp mới, sách vở mới và nhiều dụng cụ học tập mà Canon trao tặng. Lão Cao Quang nhất quyết kéo chúng tôi ở lại để xơi món cơm “pồi” (ngô, lúa nương, sắn củ nấu chung) và măng nứa ngâm chua nấu cùng thịt khỉ. Lão nói, bây giờ bà con biết văn hóa, có cái chữ rồi nên không săn bắn thú lớn nữa, chỉ ăn khỉ khi có khách quý miền xuôi lên. Cảm kích tấm lòng của bậc cao niên người Chứt, nhưng chúng tôi phải từ chối bởi đường về phố thị còn quá xa, mà chiều thì đang dần ngưng nắng.

Về xuôi mà cứ nhớ mãi lời lão Cao Quang, rằng “dân miềng nghèo nhưng muốn có chữ, cán bộ đem trường mới lên dạy chữ cho con cháu miềng, tụi nó hết nghèo chữ, dân miềng vui lắm. Lần sau phải ở lại đêm với miềng, uống rượu và nhắm… thịt khỉ với bà con Bản Kè nhá”!

“Cõng” chữ lên Bản Kè ảnh 2

Việc khánh thành điểm trường là sự kiện lớn trong đời sống của người dân Bản Kè.