Bốn phương dưới trời đông Hà Nội

Không chỉ là lý thuyết. Không chỉ là những lời lẽ ngoại giao. Ta có thể chạm vào tình yêu của những bạn trẻ nước ngoài dành cho Việt Nam, cho Hà Nội, rõ ràng, sinh động và đầy sức sống, tại một điểm hẹn đã thành lệ.

Niềm vui không biên giới.
Niềm vui không biên giới.

Từ điểm hẹn giao lưu văn hóa

“Các bạn ơi! Bạn gái ơi! Đến ăn bún Thái đi, uống trà Thái này. Ngon lắm, ngon lắm!”. Lời mời gọi dõng dạc với giọng nói ngọt lịm đến từ bạn nam Thái-lan đã thu hút biết bao nhiêu nụ cười của nữ sinh viên Việt Nam trong tiết trời se lạnh cuối năm.

Ngày hội Văn hóa Quốc tế năm nay tại Hà Nội được khoa Việt Nam học và tiếng Việt, thuộc Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức đã thu hút đông đảo các bạn sinh viên Việt Nam và quốc tế như Nhật Bản, Ba Lan, Nga, Đức, Thái-lan, Ấn Độ... tới tham dự. Hơn 17 gian hàng ẩm thực cùng một loạt các hoạt động biểu diễn trang phục truyền thống và giao lưu văn nghệ... đã mang lại rất nhiều trải nghiệm thú vị cho những vị khách đến đây. Trong không gian ngôi trường được trang trí một cách quy mô và chuyên nghiệp, sau bảy lần tổ chức, ngày hội đã trở thành nơi giao lưu văn hóa quen thuộc nhưng năm nào cũng vẫn luôn đem đến sự mới mẻ với mỗi sinh viên.

Bốn phương dưới trời đông Hà Nội ảnh 1

Những người bạn từ bên trời.

Nổi bật ngay khi bước qua cánh cổng vào chính là những cô bạn sinh viên người Nhật Bản với bộ đồ ki-mô-nô (kimono) dịu dàng, tô điểm bằng những cánh hoa anh đào hồng tươi, lạch cạch từng bước chân với đôi guốc gỗ quen thuộc. Lấp ló đằng sau, những cô bạn người Nga với trang phục truyền thống của xứ sở bạch dương váy áo trắng đỏ, mái tóc vàng óng mượt được tết bím gọn gàng, cũng đon đả tươi cười chào đón mọi người tham quan gian hàng ẩm thực nước mình.

Trên nền nhạc rộn ràng cùng âm thanh hàn huyên rôm rả, lời mời gọi ngọt ngào mà bắt tai đến từ gian hàng ẩm thực của các bạn Thái-lan đã níu giữ đôi chân tôi lại. “Các bạn ơi, ăn bún Thái đi! Ngon lắm! Ăn một bát bún uống một cốc trà giảm hẳn 5 nghìn nhé”. Cậu bạn cao ráo điển trai tên Seth hào hứng vẫy gọi những cô bạn sinh viên đang tò mò dạo bước phía bên ngoài.

Đến Hà Nội được ba tháng và đang học thạc sĩ về ngôn ngữ học. Không ai có thể ngờ rằng Seth nói tiếng Việt sõi đến như vậy. Từng chữ, từng chữ một rõ ràng, cộng thêm giọng điệu cao vút hấp dẫn tất cả mọi ánh nhìn từ các bạn nữ Thủ đô. Ở Thái-lan, Seth quen rất nhiều hàng xóm là Việt kiều nhưng tiếp xúc chủ yếu là với người miền trung. “Ăn cay nhiều hơn này, nói tiếng Việt cũng khác hẳn người Hà Nội nữa”.

Đặt chân tới Hà Nội, dù còn bỡ ngỡ ít nhiều nhưng vì văn hóa hai nước có nhiều điểm tương đồng nên làm quen rất nhanh. “Tiếng Việt không khó học nhưng phần đông mọi người sẽ thấy hơi khó nói vì có nhiều dấu quá. Dù thành phố lúc nào cũng tắc đường, lúc nào cũng là giờ cao điểm hết nhưng Hà Nội vẫn cực kỳ thú vị”, Seth nhiệt tình chia sẻ.

Đến nhịp cầu kết nối với thế giới

Là sinh viên trao đổi người Đức, nhưng Jonathan lại có lý do riêng cực kỳ đặc biệt trước khi tới Hà Nội. “Thật lạ khi ở châu Âu có nhiều người tự nhận rằng mình hiểu biết tường tận về văn hóa Á Đông, nhưng thực tế thì họ lại chưa từng sinh sống hay đặt chân đến đây bao giờ!”. Hồ hởi tâm sự, anh không quên mời tôi một cốc rượu vang ấm nóng do mình tự tay chế biến mang đến giao lưu trong ngày hội. Là sinh viên về văn hóa Đông-Nam Á và đã học tiếng Việt hai năm trước ở quê nhà, Jonathan cảm thấy rất mừng khi được đến Hà Nội học tập để rồi nhận ra rằng thành phố này có quá nhiều điều thú vị. Jonathan bị hấp dẫn bởi những nét đặc sắc trong cuộc sống thường nhật ở Thủ đô.

Bốn phương dưới trời đông Hà Nội ảnh 2

Làm quen với múa sạp.

“Tôi cảm thấy thành phố Hà Nội thay đổi rất nhanh. Nơi nào cũng có tòa nhà đang được xây dựng, đường phố được sửa chữa và cửa hàng mới sắp được mở. Vừa mới đến đây, nhưng tôi cũng không thể nghĩ ra được bây giờ như thế thì trong vòng 1-2 năm tới thành phố sẽ thay đổi như thế nào”.

Từ khi còn ở Đức, anh đã rất thích bún chả và thường ăn ở một số nhà hàng Việt Nam, nhưng tới đây mới thấy bún chả ngon hơn rất nhiều. Sau khi học xong ở Việt Nam, anh sẽ quay trở về Đức để tìm kiếm cơ hội làm việc có liên quan đến phát triển mối quan hệ hai nước. Biết đâu đấy, anh sẽ trở lại đây trong tương lai.

Đồng quan điểm với Jonathan, anh Tanaka đến từ Nhật Bản cũng rất ấn tượng bởi sự nhiệt tình, mến khách và chu đáo của người Hà Nội. Trong tất cả các món ăn, anh thích phở bò nhất. “Phở rất ngon nhưng đặc biệt nhất vẫn là phở Thìn”. Với mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa hai quốc gia, Tanaka quyết định sẽ đóng góp sức mình cho công việc thúc đẩy xuất nhập khẩu song phương. Anh tới Hà Nội để học tiếng Việt cũng vì lẽ đó. Dù mới tới Thủ đô được 6 tháng nhưng Tanaka cảm thấy rất may mắn với quyết định này. Và anh vẫn sẽ còn ở lại.

Bốn phương dưới trời đông Hà Nội ảnh 3

Những chàng trai Ấn Độ giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc trưng của đất nước mình.

Mỗi người khi đến với ngày vui hôm nay đều mang trong mình những xúc cảm riêng biệt, nhưng ấn tượng chung của đại đa số, Hà Nội vẫn là thành phố giàu bản sắc văn hóa, luôn hấp dẫn và vô cùng thân thiện. Họ say sưa ngắm nhìn các bạn nữ khoác lên mình trang phục áo dài dịu dàng, duyên dáng, hát vang những ca khúc Việt Nam. Và tôi thì say sưa ngắm họ.

Nụ cười trìu mến, niềm vui lấp lánh trong từng ánh mắt tin yêu của mỗi sinh viên tham dự sẽ làm ngày giao lưu quốc tế không chỉ dừng lại là sự kiện giao lưu ẩm thực, mà còn là thời khắc ấn tượng để sinh viên các nước gắn kết tình hữu nghị và xóa nhòa ranh giới của sự khác biệt văn hóa.

Để rồi từ đây, những nét đẹp về văn hóa và con người Việt Nam không chỉ in dấu trong lòng mỗi bạn sinh viên quốc tế mà sẽ còn lan tỏa đi khắp bốn phương.

PGS, TS Nguyễn Thiện Nam, Trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt:

“Ngày hội hôm nay không chỉ là sự kiện chào đón năm mới, mà còn là nơi để các bạn sinh viên có điều kiện chia sẻ và giao lưu văn hóa. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần vun đắp nên nhiều mối quan hệ bạn bè và học tập trong tương lai”.