Từ phố đi bộ tới những không gian văn hóa sáng tạo

Mới hoạt động được gần bốn tháng, không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm tạo điểm nhấn cho du lịch Hà Nội, đưa lượng khách du lịch quốc tế đến quận Hoàn Kiếm năm nay đạt mức 1,5 triệu lượt người, tăng 40% so với năm ngoái. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, nên tiếp tục mở rộng các không gian đi bộ, song phải giải quyết được các vấn đề như tăng tính hấp dẫn, và tổ chức phân luồng giao thông tốt hơn …

Ký họa chân dung - hoạt động thu hút nhiều du khách trên phố đi bộ.
Ký họa chân dung - hoạt động thu hút nhiều du khách trên phố đi bộ.

Đây không phải lần đầu Hà Nội tổ chức không gian dành riêng cho hoạt động đi bộ. Trước đó, thành phố từng tổ chức ba tuyến phố theo trục từ Hàng Đào đến Đồng Xuân, rồi sáu tuyến tại khu phố cổ (đều thuộc quận Hoàn Kiếm), nhưng được quan tâm nhiều nhất là không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Không gian này khác biệt, bởi nó là không gian công cộng đúng nghĩa, không có nhiều hàng quán như phố đi bộ trong phố cổ, đồng thời, lại có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn. Điều này thật sự có ý nghĩa, khi Hà Nội đang rất thiếu công viên, quảng trường, khu vui chơi công cộng, nhất là chỗ vui chơi cho trẻ em.

Đối với hoạt động du lịch, tác động của phố đi bộ là hết sức rõ ràng. Khách quốc tế có lưu trú trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tăng 40% so với năm ngoái, đạt 1,5 triệu lượt người. Tuy nhiên, bất cập đặt ra cũng không ít, nhất là giao thông đi lại. Đó là lý do chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi Hội Kiến trúc sư Hà Nội tổ chức tọa đàm “Chung tay xây dựng phố đi bộ an toàn, văn minh, hấp dẫn và hiệu quả”, trung tuần tháng 12-2016, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức hội thảo quốc tế “Tìm giải pháp thông minh cho những không gian đi bộ”. Khía cạnh được nhiều chuyên gia quan tâm là làm thế nào để biến phố đi bộ trở thành một không gian sinh động, hấp dẫn và tiến tới một không gian mang tính sáng tạo.

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho rằng: “Điều quan trọng nhất và cũng đặc biệt nhất chính là sự tham gia của cộng đồng trong những hoạt động sáng tạo ở không gian phố đi bộ. Đối với phố đi bộ, cộng đồng, người dân vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện và cũng chính là người thụ hưởng”. Hiện tại, đã có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian, nhưng để có thể phát huy tính sáng tạo của cộng đồng, thì chính quyền nên dần hạn chế vai trò trực tiếp tổ chức các hoạt động nghệ thuật, biểu diễn, thay vào đó, để cho cộng đồng, các tổ chức xã hội thực hiện. Từ nền tảng này, có thể biến không gian phố đi bộ trở thành không gian sáng tạo, không gian nghệ thuật. Hiện nay, phố đi bộ chủ yếu là các hoạt động trình diễn nghệ thuật mà ít hoạt động sáng tạo. Hoạt động sáng tạo nghệ thuật mang tính cộng đồng của Zone 9 là một kinh nghiệm có thể áp dụng ở phố đi bộ. Đây là giải pháp kích thích sáng tạo hay, nhưng cũng cần được quản lý phù hợp, tránh tự chủ thành tự phát.

Giáo sư Kim Donyum, thành viên Ban cố vấn Tổng thống Hàn Quốc, Đại học Sungkyunkwan chia sẻ: "Phố đi bộ giúp người dân khỏe mạnh hơn, tương tác cộng đồng tốt hơn, tỷ lệ tội phạm giảm, ô nhiễm giảm... Từ mô hình phố đi bộ ở hồ Hoàn Kiếm sẽ cải thiện các khu vực lân cận". Theo Giáo sư Kim Donyum, để làm được điều này, thành phố cần đề ra những quy định phù hợp với sự phát triển. Thí dụ như ở Hàn Quốc luật pháp quy định việc quản lý không gian công cộng rất chặt chẽ. Doanh nghiệp nào muốn thuê không gian công cộng cho mục đích thương mại thì phải cam kết phạm vi thực hiện, thời gian sử dụng và phải đóng góp lợi ích cho cư dân khu vực đó.

Giáo sư Nhật Bản Mo-chi-du-ki Si-ni-chi - Giám đốc Công ty Tư vấn quốc tế Aterlier từng nghiên cứu nhiều mô hình phố đi bộ trên thế giới, đặc biệt chú ý đến tổ chức phố đi bộ trong tương quan với sự thay đổi các hình thức di chuyển nói chung của người dân trong thành phố. Theo ông, ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, việc tổ chức không gian đi bộ ban đầu cũng không hoàn toàn thuận lợi. Nhưng khi chính quyền các thành phố kết hợp không gian đi bộ với khuyến khích người tham gia giao thông sử dụng phương tiện giao thông công cộng, như ở Pháp, chính quyền phân làn đường, ưu tiên cho xe buýt và xe đạp; đồng thời, bố trí giao thông công cộng thuận lợi chung quanh không gian đi bộ thì hiệu quả trở nên rõ ràng hơn, cả về tình hình giao thông nói chung, không gian đi bộ nói riêng.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng nên mở rộng hoạt động của phố đi bộ tại nhiều khu vực khác. Có thể ứng dụng những mô hình khác nhau cho phù hợp: Chỉ dành không gian hoàn toàn cho đi bộ hay hỗn hợp như đi bộ kết hợp với xe đạp, cho phép ô-tô đi vào nhưng khống chế tốc độ… Những gợi ý này là cơ sở để thành phố Hà Nội tham khảo, điều chỉnh chính sách trong xây dựng không gian các phố đi bộ sẵn có, tiến tới lập thêm những không gian đi bộ mới để đáp ứng nhu cầu của nhân dân, cũng như khách du lịch.