Tránh chuyển đàn ồ ạt

Xuất hiện tại Hà Nội từ tháng 2-2019, dịch tả lợn châu Phi đã nhanh chóng lây lan ra gần 30 nghìn hộ chăn nuôi ở 447 xã, phường, thị trấn, thuộc 24 quận, huyện, khiến hơn 35 nghìn tấn thịt lợn buộc phải tiêu hủy, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế và có gần 250 xã, phường, ba quận, gồm Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Long Biên đã qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh.

Tuy nhiên, bệnh dịch dễ quay lại do vi-rút dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm, tồn tại kéo dài trong môi trường tự nhiên và hiện chưa có thuốc điều trị, cũng như vắc-xin phòng bệnh, cho nên các cơ sở chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa tái đàn. Ðể duy trì sản xuất, nhiều gia trại, trang trại bị dịch tả lợn châu Phi đã chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm. Nhờ hệ thống chuồng trại có sẵn, chu kỳ chăn nuôi ngắn ngày và nguồn vốn đầu tư thấp, khả năng thu hồi vốn nhanh, việc chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang gia cầm tương đối thuận tiện.

Ðáng chú ý, thời gian gần đây do nhu cầu sử dụng trứng gia cầm làm nguyên liệu phục vụ mùa bánh Trung thu tăng cao và xu hướng người tiêu dùng chuyển sang sử dụng thịt gia cầm thay thế thịt lợn đã đẩy giá trứng và thịt gia cầm tăng. Người chăn nuôi gia cầm có lãi. Ðây là một giải pháp hữu hiệu nhằm ổn định nguồn cung thực phẩm do thiếu hụt thịt lợn, đồng thời giúp các hộ chăn nuôi có thêm thu nhập, giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, xu hướng các hộ chăn nuôi lợn ồ ạt chuyển sang chăn nuôi gia cầm dẫn đến tổng đàn gia cầm gia tăng nhanh chóng trong khoảng thời gian ngắn. Trong khi đó, việc chuyển đổi vật nuôi chủ yếu theo hình thức tự phát, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ sẽ rất dễ xảy ra nguy cơ dư thừa nguồn cung vào dịp cuối năm. Người chăn nuôi không chủ động được đầu ra cho sản phẩm sẽ bị thương lái ép giá. Mặt khác, phần lớn các hộ chăn nuôi lợn thiếu kinh nghiệm chăm sóc, phòng, chống các loại bệnh gia cầm, cho nên nguy cơ rủi ro dịch bệnh cũng rất cao.

Việc chuyển đổi vật nuôi là xu thế tất yếu trong thời gian tới. Ðể giúp người chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, hạn chế thấp nhất các rủi ro, thiệt thòi, các địa phương cần căn cứ vào điều kiện tự nhiên, thế mạnh của từng vùng để định hướng phát triển các vật nuôi phù hợp. Hướng dẫn kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để người chăn nuôi phát triển đa dạng các vật nuôi như trâu, bò, dê… Thực hiện chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học. Khuyến cáo người chăn nuôi không ồ ạt chuyển đổi vật nuôi mà thực hiện từng bước để đúc rút kinh nghiệm và tìm kiếm thị trường. Bên cạnh đó, ngành thú y và người chăn nuôi cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, tiêu độc khử trùng chuồng trại kết hợp triển khai công tác phòng, chống các loại dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi, nhất là trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa.