Thu hút nguồn vốn đầu tư cho giao thông tĩnh

Tình trạng thiếu nghiêm trọng các bãi đỗ xe ô-tô trong khu vực nội đô Hà Nội diễn ra trong nhiều năm gần đây và ngày càng gay gắt. Nguyên nhân trước hết do số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh.

Theo số liệu của các cơ quan chức năng, Hà Nội hiện có khoảng 6,5 triệu phương tiện các loại, chưa kể các loại xe chuyên dùng và lượng xe ở các địa phương khác hoạt động trên địa bàn thành phố. Tốc độ tăng trưởng các loại phương tiện giao thông đường bộ khá nhanh, xe ô-tô tăng trung bình hơn 10%/năm, xe máy tăng hơn 6%/năm. Trong khi đó, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới đáp ứng được từ 8 đến 10% nhu cầu, phần lớn các phương tiện phải tìm điểm đỗ tại các khu đô thị, sân cơ quan, lòng đường, sân trường, bệnh viện, hoặc tại các khu đất trống chờ dự án. Những vị trí này đều không được cấp phép và rất nhiều điểm đỗ có vi phạm về trật tự xã hội, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ... Nguyên nhân khác là do thành phố chưa có cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn để thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư cho giao thông tĩnh.

Ðể tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, mới đây, tại kỳ họp thứ chín, HÐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết "Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô-tô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải". Ðối với lĩnh vực đầu tư, khai thác các dự án giao thông tĩnh, thành phố sẽ hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong 10 năm đầu kể từ khi phát sinh nghĩa vụ nộp tiền thuê đất (không bao gồm phần diện tích đất phục vụ kinh doanh dịch vụ, thương mại). Riêng các dự án xã hội hóa, sau 10 năm đầu, sẽ được tiếp tục xem xét hỗ trợ tiền thuê đất. Doanh nghiệp đầu tư vào giao thông tĩnh còn được vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố với lãi suất ưu đãi. Trường hợp sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, được ngân sách thành phố hỗ trợ lãi suất vay theo hợp đồng tín dụng tối đa 50% lãi suất tiền vay đầu tư trong 5 năm đầu, cụ thể theo từng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các dự án bãi đỗ xe ngầm đầu tư theo hình thức xã hội hóa được phép sử dụng tối đa 30% tổng diện tích sàn xây dựng thuộc khu vực ngầm để khai thác dịch vụ, thương mại. Các dự án bến xe, điểm trung chuyển, trung tâm tiếp vận đầu tư theo hình thức xã hội hóa, được phép sử dụng tối đa 20% tổng diện tích đất của dự án theo quy hoạch để khai thác dịch vụ, thương mại. UBND thành phố quy định, phê duyệt mức giá trần dịch vụ trông giữ xe, giá dịch vụ bến xe, giá trông giữ xe phù hợp từng khu vực, quy mô và mức độ hiện đại của từng dự án, đối tượng nhằm bảo đảm thời gian thu hồi vốn hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội.

Nghị quyết cũng khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình có sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hợp pháp trên địa bàn bốn quận: Ba Ðình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ðống Ða đầu tư bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe cao tầng phục vụ nhu cầu công cộng. Khi đầu tư sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách khuyến khích như các dự án giao thông tĩnh thông thường.

Hy vọng rằng những chính sách cụ thể được HÐND thành phố Hà Nội thông qua lần này sẽ tạo "cú huých" trong việc thu hút nguồn lực xã hội vào xây dựng bãi đỗ, điểm đỗ xe, góp phần đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân trong nội đô.