Hiểu đúng, hành xử đẹp khi lễ chùa

Cứ vào dịp đầu xuân, nhiều chùa tổ chức các buổi lễ dâng sao giải hạn, cầu an. Nhiều ngôi chùa có đến hàng nghìn người đăng ký tham gia khóa lễ. Đến ngày tổ chức, mọi người ngồi kín trong khuôn viên, rồi tràn ra cả vỉa hè, các tuyến đường chung quanh để lễ bái, gây ảnh hưởng đến giao thông. Kết thúc buổi lễ, giấy, rác vứt bừa bãi. Chưa kể do quá đông người tham dự, cho nên đến màn phát lộc cũng xảy ra lộn xộn, chen lấn, gây ra hình ảnh phản cảm.

Đi lễ đầu năm ở các di tích là một phong tục lâu đời của người Việt. Trước một khởi đầu mới, ai cũng mong muốn những điều tốt đẹp đến với mình là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, việc đi lễ chỉ mang ý nghĩa văn hóa, nếu người đi lễ có hiểu biết về tín ngưỡng, tâm linh, cũng như việc đi lễ không gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Đối với việc dâng sao giải hạn, từ lâu, các lãnh đạo của Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam, Hội Phật giáo TP Hà Nội đã khẳng định, dâng sao giải hạn không phải là giáo lý nhà Phật.Theo Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ - Trưởng ban Hoằng pháp - Ban Trị sự Hội Phật giáo TP Hà Nội, cốt lõi của đạo Phật là luật nhân - quả. Người làm điều thiện, điều tốt sẽ nhận được những điều tốt đẹp cho bản thân và ngược lại. Phật giáo luôn khuyên con người tu nhân, tích đức, hướng thiện, đó mới là cái gốc để cuộc sống mỗi người tốt đẹp hơn. Nhiều tu sĩ Phật giáo khác cũng cho rằng, dâng sao giải hạn là tín ngưỡng dân gian. Khi phương tiện thông tin đại chúng phát triển, thông tin về việc cúng lễ giải hạn ở các chùa được phổ cập, nhiều người biết đến, nhưng không biết một cách đầy đủ về giáo lý nhà Phật, văn hóa Phật giáo, cho nên đã ồ ạt làm theo phong trào. Hiện tại, Giáo hội Phật giáo không cấm, nhưng cũng không khuyến khích việc này. Nhiều tu sĩ Phật giáo cho rằng, nếu việc giải hạn gây tốn kém, phiền hà, ảnh hưởng người khác thì không nên làm.

Mùa lễ hội 2018, Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam ban hành công văn đề nghị loại bỏ vàng mã khỏi cửa chùa, vì vậy, nạn đốt vàng mã đã giảm hẳn. Đối với việc dâng sao giải hạn, mong rằng Hội Phật giáo Việt Nam và các địa phương tích cực tuyên truyền, giải thích rõ ý nghĩa để mọi người giác ngộ. Bên cạnh đó, thành phố đã ban hành quy tắc ứng xử nơi công cộng, trong đó có quy tắc ứng xử tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Các cấp chính quyền địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện quy tắc ứng xử, qua đó, góp phần giúp phật tử nói riêng, người dân nói chung hiểu đúng, ứng xử đẹp khi đi lễ chùa.