Đầu tư xây dựng bốn huyện thành quận

Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, thành phố trực thuộc Trung ương phải có tỷ lệ số quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên.

Thủ đô Hà Nội hiện có 12 quận cần phát triển để có từ 18 quận trở lên, trên tổng số 30 đơn vị hành chính cấp huyện. Thực tế trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm phát triển đô thị tại các huyện ven đô. Trong quá trình thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, thành phố đã tập trung xây dựng quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực ngoại thành theo định hướng phát triển đô thị. Đến nay hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các huyện đã được đồng bộ. Từ năm 2016, TP Hà Nội có thêm năm huyện đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm và Quốc Oai. Trước đó, huyện Đan Phượng được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2015. Ngoài ra, thị xã Sơn Tây và huyện Thạch Thất đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Tuy nhiên, so với bộ tiêu chí các quận, huyện còn nhiều tiêu chí chưa hoàn thành, gồm tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, tỷ lệ lao động được đào tạo, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị...

Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa phê duyệt đề án đầu tư xây dựng bốn huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và Đan Phượng đến năm 2025 thành quận. Đề án cũng đưa ra định hướng phát triển cho từng huyện, như Đông Anh trở thành quận hiện đại, với điểm nhấn là các đô thị thông minh, khu công viên phần mềm, các khu vui chơi giải trí, dịch vụ cao cấp. Huyện Thanh Trì phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội và xây dựng nông thôn mới theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại. Huyện Gia Lâm tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khung theo hướng đô thị, quan tâm phát triển văn hóa, giáo dục, y tế. Huyện Đan Phượng phát triển thành quận theo hướng bền vững, hiện đại, với điểm nhấn là các đô thị, khu đô thị sinh thái, trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí…

Để sớm hoàn thành các tiêu chí quận, UBND thành phố cần có cơ chế, chính sách để các huyện phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; thu hút, khuyến khích đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, kết nối đồng bộ hạ tầng các khu đô thị với hạ tầng nông thôn; phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ công nghiệp, xây dựng gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường. Xây dựng đời sống văn hóa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, các huyện cần quan tâm củng cố, sắp xếp bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của quận, phường theo quy định.