Bảo đảm hoạt động của xe buýt nhanh

Đến thời điểm này, tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 01 (từ Kim Mã đi Yên Nghĩa và ngược lại) đã đi vào hoạt động được hai năm. Xe buýt nhanh đã góp phần cung cấp thêm một dịch vụ vận tải hành khách công cộng văn minh, góp phần hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.

Năm 2017, tuyến BRT 01 vận chuyển được 5 triệu lượt hành khách; năm 2018 là 5,3 triệu lượt hành khách. Vận tốc trung bình của BRT tăng 30% so với xe buýt thường, thời gian chạy trên tuyến đã giảm 20%. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, BRT vẫn chưa phát huy hết khả năng vận hành. Nguyên nhân chính là BRT được thiết kế làn đường riêng, nhưng thường xuyên bị các phương tiện giao thông khác, nhất là xe máy, đi lấn làn.

Thời gian đầu khi mới hoạt động, lực lượng chức năng đã tích cực xử lý những trường hợp lấn làn BRT, theo các quy định của Nghị định 46/NĐ-CP. Thậm chí, một số trường hợp đã bị tước bằng lái. Nhưng sau đó, việc xử phạt các phương tiện không còn được duy trì. Điều đó dẫn đến tình trạng cả ô-tô và xe máy “nhờn luật”. Nhất là tuyến đường Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, nơi có nhiều nhà cao tầng, mật độ phương tiện giao thông cao, vào giờ cao điểm lượng xe máy, ô-tô lấn làn nhiều cho nên có đoạn, BRT phải nhường các phương tiện cá nhân đi rồi mới có thể tiếp tục di chuyển. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khách quan dẫn đến khó xử lý các vi phạm. Nghị định 46/NĐ-CP có quy định việc xử phạt các phương tiện đi vào đường của BRT. Nhưng Quy chuẩn 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành lại chỉ có quy định về làn đường riêng dành cho xe buýt, chưa có khái niệm BRT. Bên cạnh đó, có những thời điểm, số lượng người vi phạm quá cao, xe máy tràn sang làn đường riêng, khiến lực lượng chức năng cũng phải “bó tay”.

Việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tiến tới ngừng sử dụng xe máy tại khu vực nội thành, phát triển phương tiện giao thông công cộng là xu hướng tất yếu của đô thị hiện đại. Trong các phương tiện giao thông công cộng, đường sắt đô thị, xe buýt, BRT có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên hệ thống giao thông hoàn chỉnh, giúp người dân đi lại thuận tiện. Bởi vậy, để BRT phát huy hiệu quả, chứng tỏ ưu thế, các lực lượng chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn, xử lý nghiêm các vi phạm. Thành phố cần kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sửa đổi quy định trong Quy chuẩn 41 để tạo thuận lợi cho việc xử lý vi phạm. Thực tế ở nhiều nước phát triển, nhờ được ưu tiên, các phương tiện công cộng thể hiện rõ sự ưu việt so với phương tiện cá nhân, khiến phần lớn người dân chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng. Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp này, BRT mới phát huy hiệu quả, góp phần thiết thực giảm ùn tắc giao thông.