Nỗi đau khôn cùng

NDO - Cách đây vài tháng, tôi  bàng hoàng và vô cùng đau xót khi nhận được hung tin cháu H. mất. Vợ chồng tôi vội đến mới vỡ lẽ mọi chuyện. H. đang học lớp 12. Bắt đầu năm học, H. yêu một bạn gái cùng khối. Biết chuyện, sợ ảnh hưởng đến kết quả thi cử của con, bố mẹ H. đã cấm.

Nhưng thấy chúng vẫn quấn quýt nhau nên chị Q. mẹ H. đã chờ bạn gái của con ở ngay cổng trường mắng nhiếc  thậm tệ. Chứng kiến cảnh ấy, H. đã bỏ nhà đi mấy ngày. Cô giáo chủ nhiệm và bạn cùng lớp phải khuyên nhủ mãi, H. mới về. Từ đó, cháu buồn chán dẫn tới trầm cảm. Nhưng cha mẹ cháu không để ý. Gần sát ngày thi thử tốt nghiệp, H. rủ người yêu tìm đến cái chết. Thế là cả hai đứng trên cầu Treo (quận Kiến An, Hải Phòng) tự tử. Khi H. nhảy rồi thì bạn gái sợ quá không dám nhảy theo. Thật may không mất thêm một mạng người! 

Với lứa tuổi này, các em chưa ổn định về tâm sinh lý, lại đang muốn khẳng định mình, kỹ năng sống chưa tốt, bồng bột, chưa nắm được hướng giải quyết cơ bản, khi gặp thất bại hay sự cố thấy bế tắc nên giải quyết bằng hành động tiêu cực. Áp lực từ nhà trường, gia đình và xã hội rất lớn. Nhà trường hiện nay  chưa chú ý dạy học sinh kiến thức thực tiễn và kỹ năng sống. Vì kỳ vọng vào con quá lớn nên nhiều phụ huynh bắt con đi học với thời khóa biểu kín mít. Khi con không đáp ứng được mong muốn liền bị cha mẹ mắng nhiếc, đánh đập. Xã hội cũng gây không ít áp lực cho con trẻ như chuyện bằng cấp, xin việc... Chính người lớn đã tước mất tuổi thơ của con trẻ. Thật tội nghiệp!

Vì vậy, để không còn những cái chết oan nghiệt, người lớn phải thay đổi cách ứng xử. Dạy dỗ con cái, học trò là cả một nghệ thuật, đòi hỏi cha mẹ, thầy cô phải ứng xử thông minh, tế nhị trên cơ sở nắm bắt tâm lý từng lứa tuổi. Và trên hết phải xuất phát từ lòng yêu thương, tin tưởng, tôn trọng và đối xử công bằng, là người bạn tâm giao của con. Tối kỵ người lớn  mắng nhiếc theo kiểu mạt sát: "Ðồ vô tích sự! Ðồ ngu dốt, ăn hại!...". Ðồng thời cần dạy trẻ kỹ năng sống, biết làm chủ hoàn cảnh, biết dũng cảm đối mặt với sự thật và tìm cách giải quyết thất bại; biết nâng niu, quý trọng sự sống, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải khát vọng sống. Khi thấy con có những biểu hiện không bình thường hoặc khác ý, cha mẹ (nhất là người mẹ), thầy cô cần tế nhị tìm hiểu, gần gũi, chia sẻ. 

Muốn giáo dục kỹ năng sống cho con trẻ, trước hết người lớn cũng cần học kỹ năng dạy trẻ. Kết thúc bài viết này, xin nhắn gửi đến các em học sinh vài lời: đừng bao giờ dại dột tìm đến cái chết bởi cuộc sống này vô cùng đáng yêu. Và bố mẹ bao giờ cũng thương yêu các em nhất! Hãy nâng niu cuộc sống các em nhé!