Khi con thi trượt

NDO - Trời tối đã lâu, gọi mãi không thấy con gái xuống ăn cơm, chị Thúy mở cửa phòng vào. Nhìn con rũ rượi như tàu lá chuối hơ lửa, bên cạnh gối là ít vỏ thuốc ngủ, chị vội gọi chồng đưa đi cấp cứu. Rất may, bác sĩ kịp thời rửa ruột nên Ngọc đã qua cơn nguy kịch.

Anh Nhữ, chồng chị là cán bộ quản lý thị trường của quận. Chị là cán bộ ngân hàng. Cuộc sống của họ dư dật. Căn biệt thự sang trọng trong khu tái định cư trung tâm thành phố. Hai con (một trai một gái) được chăm bẵm chả thiếu thứ gì. Mới học lớp 7, Ngọc đã được mẹ sắm cho chiếc lap-top đời mới gần hai chục triệu đồng để phục vụ cho học tập. Ăn uống đủ đầy, lại không phải mó tay vào việc nhà vì có bà ngoại trông nom nên Ngọc phổng phao hơn các bạn cùng lứa. Chị mua sắm cho con toàn quần áo hàng hiệu. Ai cũng khen Ngọc xinh xắn giống mẹ, chị càng tự hào. Lên lớp 9, Ngọc được mẹ sắm cho chiếc xe đạp điện mầu hồng loại đắt nhất. Dần dà, Ngọc thích ăn diện, ngắm vuốt hơn học hành. Nhiều lúc thấy con đóng chặt cửa phòng, chị đinh ninh con đang học bài. Chị đâu biết rằng, đứa con gái đang truy cập những đĩa "đen" hoặc chat với bạn. Xét tốt nghiệp THCS tất nhiên Ngọc vẫn đạt. Nhưng thi vào THPT quốc lập, Ngọc thiếu nhiều điểm. Chị chạy chọt đủ kiểu nhưng không được nên đành cho con học trường dân lập.

Ba năm THPT, Ngọc bắt đầu tham gia "phong trào" yêu đương. Ðứa nào không yêu bị coi là "tẩm". Lúc đầu, Ngọc còn rụt rè, sau thấy bạn nào cũng có người đầu mày đuôi mắt gọi nhau là "chồng, vợ", có đứa ôm nhau trong giờ học, Ngọc cũng tặc lưỡi yêu thằng bạn ngồi cùng bàn... Sức học của Ngọc cứ thế trượt dốc, cũng may tốt nghiệp THPT loại trung bình.

Hôm làm hồ sơ, chị nhất quyết bắt con thi vào Học viện Ngân hàng và Ðại học Ngoại thương. Ngọc nghe lời mẹ như cái máy vì biết sức mình thi trường nào cũng không đỗ. Trước ngày con đi thi nửa tháng, chị lên Hà Nội thuê một căn nhà ba tầng khang trang để con có chỗ nghỉ ngơi thoải mái. Mỗi môn thi xong, Ngọc đều nói với mẹ làm bài tốt. Chỉ đến khi con nhận giấy báo, chị mới ngã ngửa. Tổng ba môn mới được 5 điểm. Chị không tin ở mắt mình. Càng kỳ vọng bao nhiêu, chị càng thất vọng bấy nhiêu. Thế là chị mắng mỏ, đay nghiến con không tiếc lời.

Thấy vợ trách mắng con nặng lời, anh Nhữ lựa lời can ngăn. Nhưng lời khuyên của anh như dầu đổ vào lửa khiến chị càng nói hăng hơn. Nghe mẹ nhiếc, Ngọc đóng sầm cửa phòng lại. Ngọc khóc tức tưởi. Tiếng the thé của mẹ vẫn thỉnh thoảng vọng vào. Ngọc bịt chặt tai để khỏi nghe những lời cay độc. Và rồi câu chuyện dại dột đã xảy ra như đã nói ở phần đầu.

 Nhìn gương mặt xanh tái của con, lòng chị trào dâng bao nỗi xót xa, ân hận, dằn vặt. Mặc cho dòng nước mắt lăn dài trên má, chị ôm chặt con vào lòng...

Câu chuyện trên âu cũng là bài học cho các bậc phụ huynh có con đã, đang, sẽ thi đại học. Ðừng kỳ vọng vào con quá lớn mà gây áp lực và bắt con thành khuôn mẫu mình mong muốn. Hãy luôn là bạn tâm giao của con!