Xây dựng nông thôn mới ở Nam Định

Sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp ủy, chính quyền, nhân dân tỉnh Nam Định đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Một lần nữa, các tổ chức đảng đảm nhận vai trò “hạt nhân” khơi dậy nội lực toàn dân, toàn hệ thống chính trị thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị quan trọng này. 

Một góc xã nông thôn mới nâng cao Xuân Hòa, huyện Xuân Trường.
Một góc xã nông thôn mới nâng cao Xuân Hòa, huyện Xuân Trường.

Tạo sự đồng thuận

Nhìn lại hơn 10 năm xây dựng NTM và một năm phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hòa (huyện Xuân Trường) Phạm Quang Ngọc đánh giá: Thành công của xã thời gian qua chính là nhờ các tổ chức đảng làm tốt công tác dân vận, khơi dậy niềm tin và nội lực trong cộng đồng dân cư. Nếu coi việc thực hiện tiêu chí xây dựng NTM là quá trình hoàn thiện từng hạng mục của đại công trường thì quá trình vận động, tuyên truyền là bước đột phá nâng cao chất lượng công trình, tay nghề người thợ. Tổ chức đảng là hạt nhân của quá trình tạo chuyển biến nhận thức, đưa hệ thống chính trị đứng vai trò trung tâm, người dân là chủ thể.
 
Khi bước vào xây dựng NTM, nhiều người dân dẫu giàu lòng với quê hương cũng mang suy nghĩ xã Xuân Hòa khó hoàn thành được đầy đủ các tiêu chí. Bởi xuất phát điểm thấp, nội lực trong dân yếu, làng quê thuần nông trên đất chiêm trũng chỉ đạt bảy trong số 19 tiêu chí. Có cán bộ, đảng viên còn cho rằng, xã nhà chỉ cần thoát nghèo đã là khá rồi mong gì đến danh hiệu NTM hay “miền quê đáng sống”. Song quyết tâm, hành động từ cấp ủy, chính quyền đã lan tỏa xuống toàn dân, trước hết từ nhiều cuộc họp, buổi tuyên truyền trên tinh thần dân chủ, cởi mở. Các chi bộ đảng nông thôn trước đây thường có một điểm khó khăn là bí thư chi bộ không phải là trưởng thôn, lực lượng tại chỗ mỏng, phần lớn đảng viên là giáo viên, viên chức, cán bộ về hưu. Mỗi khi nói chuyện về xây dựng NTM, nhiều người trong làng chưa sẵn sàng tham gia. Vậy là ngay từ khâu chuẩn bị thành phần dự cuộc họp đã xuất hiện “điểm nghẽn”, nhưng rồi như mưa dầm thấm đất, nước chảy đá mòn, những cuộc họp chi bộ “mở” đã dần kéo được những thành phần có uy tín trong làng, xã tham dự. Mọi người đi đến thống nhất rằng: Chủ trương xây dựng NTM là cần thiết, là có lợi cho dân; Nhà nước hỗ trợ, người dân tự làm tự hưởng các thiết chế NTM.

Nhớ lại những cuộc họp chi bộ mở rộng toàn thôn, Bí thư Chi bộ xóm 8, xã Xuân Hòa Phạm Văn Chỉ kể: Mọi người bàn luận rất sôi nổi và cởi mở, từ việc chia phần đóng góp cho đến tham gia hiến kế, hiến đất làm đường. Từ sự minh bạch, công khai của những cuộc họp dân với đảng, đảng với dân, ai cũng cảm thấy mình có trách nhiệm và quyền lợi trong xây dựng NTM. Có trường hợp gia đình khó khăn, neo đơn xin nợ các khoản đóng góp thì chi bộ phân công đảng viên giúp đỡ, hoặc đưa ra tập thể thôn, xóm để miễn đóng góp. Với cách làm như vậy vùng quê nghèo như Xuân Hòa đã từng bước đạt được các tiêu chí về xây dựng NTM, ngay cả với những tiêu chí tưởng như rất khó là tiêu chí về bảo vệ môi trường, giữ sạch dòng kênh đào vốn trôi nổi nhiều rác thải do ảnh hưởng của quá trình sản xuất và sinh hoạt ở địa phương đầu nguồn.
 
Trong xây dựng NTM nâng cao ở Nam Định có một điểm thuận lợi rất đáng nói, đó là truyền thống văn hiến và hiếu học. Chương trình xây dựng NTM ở huyện Xuân Trường cũng vậy, khi nhận thức của một bộ phận dân cư và cán bộ, đảng viên thay đổi cũng là lúc tìm ra hướng giải quyết. “Điểm nghẽn” lớn nhất là tiêu chí về giáo dục, cụ thể là những tiêu chuẩn về nhà chức năng, thư viện, phòng máy tính, phòng thí nghiệm dường như đã vượt quá sự đóng góp của phụ huynh học sinh. Các địa phương đã huy động thành công sự đóng góp, hỗ trợ tích cực của nhiều con em làm ăn xa quê và doanh nghiệp địa phương. Khi được hỏi, tất cả đều có chung suy nghĩ về niềm tự hào, tình yêu quê hương, sẵn sàng mở lòng, ủng hộ. Doanh nhân Trần Thanh Sơn, sinh năm 1974, sinh sống tại TP Cẩm Phả, Quảng Ninh là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thương mại Thiên Phú viết: Tôi luôn nhắc nhở mình và các con phải biết trân trọng, biết ơn, hướng về quê hương Nam Định. Đã có hàng trăm tấm lòng của những người con xa quê như vậy, họ đi xa nhưng vẫn luôn dõi về, sẵn sàng góp sức cho sự phát triển của quê nhà. 

Thực tế 10 năm xây dựng NTM của Nam Định cho thấy công tác tuyên truyền, vận động góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng NTM. Hiện nay, hầu hết xã NTM ở Nam Định có hoạt động tuyên truyền phong phú, từ các trang cộng đồng (fanpage), vi-đê-ô clip giới thiệu quê hương trên không gian mạng cho tới nhiều tác phẩm nghệ thuật như thơ, ca, vũ, kịch ngợi ca quê hương. Tất cả đã mang lại hiệu ứng, tăng thêm tình cảm gắn bó với quê nhà, nơi chôn nhau cắt rốn qua nhiều thế hệ. Tình cảm đó khiến người dân sống tại địa phương thêm tự tin vững bước, người làm ăn xa nhà thêm gắn bó với quê hương, dòng họ trong quá trình xây dựng NTM.

Những kinh nghiệm thực tiễn

Đến nay, cấp ủy, chính quyền và người dân Nam Định nhận thức rõ từ NTM cho đến NTM nâng cao cần có sự phát triển về chất, nhất là những tiêu chí nâng cao về chất lượng cuộc sống. Câu chuyện tại nhiều địa phương đạt NTM ở tỉnh Nam Định nhưng chưa thể đăng ký NTM nâng cao vì thiếu OCOP là sự trăn trở chung của cấp ủy, chính quyền và người dân sở tại. Có thể lấy thí dụ từ huyện Giao Thủy, đây là địa phương nông nghiệp phát triển với những cánh đồng đạt 500 triệu đồng/ha/năm và đang từng bước xây dựng NTM nâng cao. Được biết toàn huyện đang phấn đấu thành huyện NTM kiểu mẫu trước năm 2023. Mục tiêu thì lớn nhưng hết năm 2020, huyện mới có 6 sản phẩm OCOP. Thực tế có nhiều xã trên địa bàn huyện muốn đăng ký xây dựng NTM nâng cao nhưng vẫn còn đang lấn cấn vì thiếu “tiêu chí OCOP” này. Trăn trở hơn khi nhìn sang bên các huyện sát cạnh là Hải Hậu và Trực Ninh cũng có đến 27 và 9 sản phẩm OCOP. Huyện Giao Thủy từng rất “mạnh tay” đầu tư cho các xã đạt NTM nâng cao, 500 triệu đồng mỗi xã. Với các chủ thể OCOP cũng được treo thưởng 10 triệu đồng/sản phẩm… song dường như người dân vẫn chưa mặn mà. Lý do là quy trình thực hiện OCOP khá phức tạp với nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn trên một sản phẩm đã khiến một bộ phận chủ thể chưa mạnh dạn đăng ký tham gia OCOP. 

Để giải quyết vấn đề trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Giao Thủy Cao Thành Nam trao đổi: Giữa tháng 4 vừa qua, HĐND huyện đã thông qua đề án khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP. Theo đề án, việc phát triển OCOP sẽ được thực hiện bài bản, từ cán bộ cho đến chủ thể, cùng với các cơ chế hỗ trợ chủ thể từ tài chính cho đến tiếp thị, quảng bá. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hỗ trợ giới thiệu sản phẩm OCOP tại các cửa hàng nông sản uy tín của huyện. Mời chuyên gia, mở lớp tập huấn, tư vấn cho các chủ thể đăng ký sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện. Từ những biện pháp và lộ trình tích cực đó, hiện toàn huyện đã có 80 chủ thể đăng ký 91 sản phẩm OCOP. Đồng chí Cao Thành Nam nhìn nhận: Có được thành công như hiện tại phải nhờ tới sự góp sức rất lớn của các tổ chức cơ sở đảng, nhìn rộng ra là hệ thống chính trị trong toàn huyện. Nhiều đảng viên đã gương mẫu  đi  đầu trong xây dựng NTM, giờ lại tiên phong đi đầu trong xây dựng NTM nâng cao, trong đó có việc tìm tòi, sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP. Ở Giao Thủy, để xây dựng thương hiệu một sản phẩm OCOP không hề đơn giản, không chỉ cần có nhiệt huyết mà còn cần đến nhiều kiến thức chuyên môn chuyên sâu. Chúng tôi cũng được nghe đến nhiều tấm gương đảng viên mày mò làm sản phẩm OCOP, có sức truyền cảm hứng rất lớn trong nhân dân. 

Bên cạnh đó, trong công tác xây dựng Đảng, từ nhiều năm qua Nam Định đã chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ lý luận, có năng lực chuyên môn cao. Đội ngũ cán bộ cũng dần được trẻ hóa. Công tác kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được đề cao. Vai trò, trách nhiệm của các chi bộ đảng đối với công cuộc xây dựng xóm, tổ dân phố kiểu mẫu được nâng lên rõ rệt. Mặt khác, thực tế Nam Định cũng đang đặt ra vấn đề phối hợp “bốn nhà”: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông trong tiến trình quy hoạch, tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động và cải thiện  đời sống, tạo việc làm cho nông dân. 

Nam Định là tỉnh về đích NTM sớm trong cả nước. Từ những kinh nghiệm thực tiễn quý báu, được vận dụng sáng tạo, thực hiện hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, tin rằng cấp ủy các cấp tỉnh Nam Định sẽ thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh với quyết tâm và khí thế của thắng lợi.