Tuyên truyền miệng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Già làng K’Điệp ở xã Tam Bố (Di Linh, Lâm Đồng) cho biết: “Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuyên truyền miệng hết sức quan trọng. Đó là việc dễ thực hiện, gần gũi và thiết thực. Như mưa dầm thấm lâu, những chủ trương, chính sách, những việc tốt, điều hay cũng từ câu chuyện hằng ngày lan tỏa…”.

Cán bộ đến nhà dân để tuyên truyền, vận động đưa trẻ đến trường.
Cán bộ đến nhà dân để tuyên truyền, vận động đưa trẻ đến trường.

Công tác tuyên truyền miệng được coi là một trong những hình thức quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đó cũng là một kênh giao tiếp hữu hiệu để tạo nên mối quan hệ xã hội đồng thuận. Hình thức tuyên truyền này có nhiều ưu điểm, nhất là ở những địa bàn dân trí thấp, tỷ lệ người già và người không biết chữ cao. Đây là cách đáp ứng nhanh các yêu cầu thông tin, các vấn đề nóng, nhạy cảm mà các hình thức khác khó thực hiện kịp thời. Tìm hiểu hoạt động này mới cảm nhận rõ, nói để người dân nghe là một chuyện, nhưng nói cho người dân tin là cả một sự cố gắng, nỗ lực không ngừng.

Tây Nguyên gồm năm tỉnh với dân số là 5,6 triệu người, có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 36,3%. Đây là vùng đang còn nhiều khó khăn, cần  thúc đẩy phát triển, rút dần khoảng cách với mặt bằng cả nước; cũng là địa bàn mà các tổ chức phản động luôn thực hiện các âm mưu thù địch phá hoại thành quả cách mạng. Do vậy, việc nâng cao chất lượng tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có kênh tuyên truyền miệng, luôn được coi là nhiệm vụ chính trị trọng yếu của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên. Phương châm các địa phương đặt ra là: “Cả hệ thống chính trị làm công tác tư tưởng, mỗi cán bộ, đảng viên là một tuyên truyền viên, trong đó lực lượng báo cáo viên là nòng cốt”.     

Gia Lai là một trong những địa phương ở Tây Nguyên làm tốt công tác tuyên truyền, trong đó có hoạt động tuyên truyền miệng. Là địa phương có 38 dân tộc anh em sinh sống, tại Gia Lai, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được kiện toàn, xây dựng thành ba cấp, từ tỉnh, huyện đến cơ sở. Theo số liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, hiện tỉnh có năm báo cáo viên cấp Trung ương, 43 báo cáo viên cấp tỉnh; 883 báo cáo viên cơ sở. Đồng thời, toàn tỉnh có 2.000 tuyên truyền viên là các già làng, người có uy tín, đội ngũ giáo viên và cán bộ y tế. Họ là những người gắn bó địa bàn, am hiểu phong tục, tập quán, sinh sống, làm việc hằng ngày với bà con buôn làng. Đề án Xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã được Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức thực hiện thí điểm tại một số xã thuộc các huyện Đăk Đoa, Mang Yang, Đăk Pơ và Chư Pưh. Đề án này huy động đông đảo  tuyên truyền viên là những người có đạo đức tốt; có kỹ năng tuyên truyền miệng và nhất là nhận thức đầy đủ các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhiệt tình, gần gũi, có uy tín, năng lực và kinh nghiệm, gắn bó với nhân dân…

Tại tỉnh Lâm Đồng, một địa phương có 43 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%; đối tượng và nội dung cần tuyên truyền hết sức đa dạng. Lâm Đồng đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp là bộ phận nòng cốt. Theo số liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, hiện địa phương có 4 báo cáo viên cấp Trung ương, 40 báo cáo viên cấp tỉnh, 200 báo cáo viên cấp huyện và 1.700 tuyên truyền viên cơ sở. Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng) Lê Văn Tòa cho biết: “Hoạt động của đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên hết sức hiệu quả, trong đó, đặc biệt ghi nhận sự nhiệt tình công tác của đông đảo  tuyên truyền viên cơ sở. Họ là những người gần dân, sát dân, là kênh trực tiếp nhất đối với đồng bào. Một mặt, các tuyên truyền viên làm nhiệm vụ phổ biến, tuyên truyền; mặt khác, họ lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề mà người dân quan tâm để kịp thời chuyển tới các cấp ủy, chính quyền…”.   

Có dịp theo chân các tuyên truyền viên ở cơ sở mới thấy được sự nhiệt tình, khéo léo và những khó khăn của họ. Ở địa bàn Tây Nguyên, những vấn đề cần phổ biến, vận động rất nhiều, như: Đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, xây dựng nông thôn mới; đến bảo vệ rừng, môi trường, thay đổi cung cách làm ăn, chính sách dân số, xóa đói giảm nghèo. Đến những việc hằng ngày như vận động người dân tránh xa các tệ nạn ma túy, rượu chè, từ bỏ các hủ tục, mê tín, dị đoan, lễ lạt lãng phí. Một bộ phận đồng bào do nhận thức kém, bị người xấu kích động, lôi kéo, lợi dụng; các tuyên truyền viên lại góp sức giáo dục, giải thích để họ thấu hiểu, hối cải, chí thú làm ăn…

Nói đơn giản là vậy, nhưng làm cho được cũng không phải dễ. Nữ cựu dũng sĩ diệt Mỹ Điểu Thị Lôi (người dân tộc X-tiêng) kể, hồi chiến tranh thì vận động bà con tham gia đánh giặc, hòa bình lại lo việc làm sao cho họ xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Theo bà Lôi, có nhiều chuyện phải thuyết phục “gãy cả lưỡi” bà con mới thấu tai và làm theo, như là bỏ việc chăn nuôi thả rông, vừa mất vệ sinh vừa không hiệu quả. Ông K’Điệp (người dân tộc Cơ Ho) cho biết: “Mỗi tộc người có phong tục, tập quán riêng. Muốn thuyết phục được người dân, thì bản thân chúng tôi phải thật sự gần gũi, phải hiểu sâu văn hóa, tâm lý của đồng bào. Thí dụ như, người Cơ Ho không có thói quen xây sân trước nhà, thuyết phục rất nhiều lần người dân mới chịu làm…”. Câu chuyện ông Ya Loan (người dân tộc Chu Ru) tham mưu với chính quyền mở lớp dạy tiếng bản địa rồi mua kẹo mang đến từng nhà “mời” các cháu nhỏ đi học, hay việc Nghệ nhân Ưu tú Ma Bio “nấu cơm cho chúng nó ăn” để bà dạy học múa, học hát cũng thể hiện sự kiên trì tuyên truyền, vận động của những người có uy tín.

Theo lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng hoạt động tuyên truyền miệng tại khu vực vẫn bộc lộ nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Đó là, chất lượng, nội dung tuyên truyền vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu và trình độ ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân; tính định hướng, tính thuyết phục chưa cao; chủ yếu tuyên truyền một chiều từ trên xuống; việc chủ động lắng nghe, đối thoại còn hạn chế, hay việc nắm bắt tư tưởng, tâm trạng xã hội, nguyện vọng của nhân dân còn có lúc, có nơi chưa thật kịp thời.    

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15-10-2007 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, các hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, cấp ủy các tỉnh Tây Nguyên đã và đang tiếp tục chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng. Trong đó, việc quan tâm đầu tiên là rà soát, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, bảo đảm tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ. Thứ hai là tổ chức nhiều cuộc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; nâng cao chất lượng các loại hình cung cấp thông tin định hướng; bám sát các hướng dẫn của Trung ương, nhiệm vụ của các cấp ủy cùng nhu cầu thông tin của các nhóm đối tượng để lựa chọn, xây dựng nội dung và kế hoạch tuyên truyền một cách phù hợp. Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị, hội thi nhằm tạo cơ hội cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên thêm cơ hội giao lưu, học hỏi, các địa phương cũng thường xuyên lập các đoàn kiểm tra công tác tuyên truyền miệng và báo cáo viên tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở để bổ sung, điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh.

Hy vọng rằng, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, hoạt động tuyên truyền miệng tại các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục được củng cố và phát huy. Từ đó, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ngày càng đáp ứng tốt nhiệm vụ nâng cao nhận thức chính trị, thống nhất tư tưởng, tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, sự đồng thuận xã hội. Đồng thời, góp phần đấu tranh chống lại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; nắm bắt kịp thời tư tưởng, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của người dân; đưa thông tin định hướng của Đảng đến với người dân và giữ vững niềm tin của người dân với Đảng.