Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ với mục tiêu "trường chính trị chuẩn"

Trong hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của cả nước, trường chính trị cấp tỉnh có vai trò quan trọng với chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính… Vì vậy, nhiều năm qua, yêu cầu đặt ra đối với Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ (tỉnh Bắc Ninh) là không ngừng đổi mới toàn diện, nhằm đáp ứng nhiệm vụ tổng thể của sự nghiệp giáo dục lý luận chính trị của Ðảng, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Lãnh đạo nhà trường cùng các giảng viên từ các khoa dự hội thi "Thao giảng cấp trường năm 2020". Ảnh: Mai Anh
Lãnh đạo nhà trường cùng các giảng viên từ các khoa dự hội thi "Thao giảng cấp trường năm 2020". Ảnh: Mai Anh

Bám sát chủ trương, tạo nền tảng

Thời gian qua, cùng với việc quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đặt ra yêu cầu, tăng cường đầu tư đồng bộ, hiện đại để Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ thật sự là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng thời là cơ quan nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, xây dựng chính sách và tư vấn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; nhà trường trở thành trường chính trị đạt chuẩn. Thực tế, Ðảng bộ tỉnh Bắc Ninh tập trung giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực, phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả gắn với yêu cầu phát triển. Quá trình này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bám sát chủ trương, sự chỉ đạo của Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Vấn đề được xem là một "điểm nghẽn", được giải quyết trước hết là khắc phục nhận thức, tình trạng "ngại" học tập "lý luận chính trị" của một số cấp ủy và một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thực tế cho thấy, còn một bộ phận người học coi việc nghiên cứu, học tập lý luận chính trị không vì mục đích tự thân mà vì lý do thăng tiến; học để lấy bằng cấp, để đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn… Từ đó, Tỉnh ủy, Ban cán sự Ðảng UBND tỉnh đã ban hành, triển khai các giải pháp đề cao trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Mặt khác, tỉnh chỉ đạo nhà trường chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp nhằm cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của cấp trên, thực hiện nâng cao toàn diện chất lượng, đa dạng mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học. Ðồng thời, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm yêu cầu dạy và học của nhà trường. Có thể nói, nhà trường được đầu tư kịp thời về cả giải pháp lãnh đạo, cơ sở vật chất, kỹ thuật, cảnh quan môi trường sư phạm, đáp ứng yêu cầu dạy và học, từng bước hiện đại, có môi trường giáo dục đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ và văn hóa hướng đến đạt chuẩn theo tiêu chí của T.Ư. Mới đây, nhà trường được Tỉnh ủy Bắc Ninh phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chọn là đơn vị đăng cai Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị cấp tỉnh, trường cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương lần thứ VII - khu vực phía bắc.

Kỷ cương và đổi mới

Thực tế ghi nhận, nhiều năm liền tỉnh Bắc Ninh cùng nhà trường tập trung kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nhà trường đầu tư, dồn sức xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tiễn trước yêu cầu mới đặt ra. Theo đó, Ðảng ủy, lãnh đạo nhà trường đã tiến hành việc rà soát, kiện toàn cơ cấu các khoa - phòng, gắn với bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đủ số lượng, giảm các chức danh cấp phó khoa, phòng; tăng giảng viên ở các khoa chuyên môn đào tạo. Quá trình này, nhà trường bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế hoạt động giảng dạy và quản lý đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm hệ thống, khoa học và liên thông; tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách thu hút nhân tài về trường, nhằm nâng cao chất lượng giảng viên. Ðáng chú ý, nhà trường luôn gắn việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII); đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với những việc làm cụ thể, thiết thực, coi đó là tiêu chí đánh giá các đơn vị, cá nhân trong khen thưởng, bổ nhiệm và đào tạo. Ðể phát triển đội ngũ, lãnh đạo nhà trường chủ trương tập trung nâng cao trình độ chuyên sâu, kiến thức thực tiễn, phương pháp sư phạm, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đầu đàn làm nòng cốt đáp ứng yêu cầu mới.

Nhà trường từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thông qua các hình thức đào tạo sau đại học, văn bằng hai và học vị tiến sĩ. Từ năm 2018 đến nay, Ban giám hiệu nhà trường đã cử 74 lượt giảng viên đi dự các lớp tập huấn chuyên môn nâng cao; có hai giảng viên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; trình độ cao học là 12 đồng chí. Công tác quản lý, điều hành gắn với nâng cao chất lượng giảng dạy những năm gần đây hướng mạnh vào phát huy tính năng động, sáng tạo của các khoa, phòng và đội ngũ giảng viên. Qua đó, nhà trường đã có 25 lượt giảng viên giỏi cấp trường và hai giảng viên giỏi toàn quốc. Phấn đấu đến năm 2025, các giảng viên cơ bản có trình độ chuyên môn thạc sĩ đúng chuyên ngành giảng dạy; 100% có trình độ Cao cấp lý luận chính trị. Ðồng thời, các giảng viên đều có kỹ năng cập nhật, ứng dụng công nghệ mới trong biên soạn giáo án, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Gắn liền với đó là quá trình quản lý, giáo dục, tạo điều kiện để học viên học tập thực chất; tự giác, học đi đôi với hành, gắn kiến thức cơ bản với kiến thức ứng dụng để sau khi hoàn thành chương trình học tập, nghiên cứu, có thể vận dụng vào hoạt động thực tiễn, xử lý các tình huống công việc phù hợp chức trách từng đối tượng
học viên.

Quá trình đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, nhà trường đã triển khai thực hiện, hoàn thành hai đề tài cấp tỉnh, tổ chức nghiên cứu và nghiệm thu 31 đề tài khoa học cấp cơ sở (tăng 12 đề tài so với giai đoạn 2010 - 2015). Nhà trường cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học chuyên ngành đáp ứng yêu cầu đào tạo và nhiệm vụ chính trị của địa phương. 5 năm qua, Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ đã coi trọng phát huy tốt truyền thống tốt đẹp và hoàn thành tốt nhiệm vụ, được công nhận là một trong những đơn vị xuất sắc trong hệ thống các trường chính trị cấp tỉnh trong toàn quốc.

Với mục tiêu phấn đấu ngôi trường đạt chuẩn đầu tiên trong hệ thống các trường chính trị cấp tỉnh, Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ đã và đang phát huy nội lực, dồn sức cho các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cơ bản: Nâng cao chất lượng toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học; xây dựng chuẩn hóa nội dung, chương trình; quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; chuẩn hóa trong công tác nghiên cứu khoa học; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất - kỹ thuật, tài chính đáp ứng tình hình yêu cầu mới.

ThS Nguyễn Thị Dung

Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh