Trên quê hương cách mạng Kim Bình

Cách đây bảy mươi năm, xã Kim Bình (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) vinh dự được chọn là nơi tổ chức Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Ðảng - Ðại hội Ðảng lần đầu được tổ chức trong nước. Những ngày tháng lịch sử ấy mãi là niềm tự hào của người dân Kim Bình, cùng với niềm tin sắt son với Ðảng, với Bác Hồ kính yêu.

Mô hình nuôi thỏ thương phẩm tại thôn Ðèo Lang, xã Kim Bình (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TRÂM ANH
Mô hình nuôi thỏ thương phẩm tại thôn Ðèo Lang, xã Kim Bình (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TRÂM ANH

Ðổi thay trên vùng quê cách mạng

Kim Bình những ngày này đang hòa chung không khí hân hoan của cả nước hướng về Thủ đô Hà Nội, nơi diễn ra Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng. Dọc tuyến đường từ trụ sở xã về Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình là những hàng cờ đỏ rực rỡ và những đường hoa khoe sắc giữa mầu xanh của núi rừng. Những ngôi nhà cao tầng, bệnh viện, trường học được xây dựng khang trang, đường thôn, ngõ xóm được bê-tông hóa... cho thấy rõ dấu ấn đổi mới của vùng quê cách mạng.

Chúng tôi đến thăm ông Hoàng Văn Bảo, dân tộc Tày, một trong những gia đình có công với cách mạng ở thôn Khuôn Nhự, xã Kim Bình. Trong thời gian tổ chức Ðại hội lần thứ II của Ðảng, gia đình ông Bảo được chọn làm nơi ở của một tổ cán bộ Việt Minh, trong đó có đồng chí Nguyễn Lương Bằng, sau này là Phó Chủ tịch nước. Bản thân ông Bảo cũng tham gia phục vụ Ðại hội lần thứ II với những công việc như cùng thanh niên trong thôn đào hầm trú ẩn, làm hàng rào bảo vệ, cảnh giới báo cáo cho cán bộ khi thấy có người lạ xuất hiện... Năm nay, ông Bảo đã 85 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn. Ông kể: Sau này khi cán bộ rút đi, dân làng mới biết quê mình có vinh dự lớn được Ðảng, Bác Hồ lựa chọn làm địa điểm tổ chức Ðại hội lần thứ II của Ðảng, chứ lúc đó chỉ được phổ biến là có công trường của cách mạng ở đây. Những ngày diễn ra Ðại hội là những ngày người dân Kim Bình không bao giờ quên, bởi khi ấy đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên người dân được đón một cái Tết ấm cúng với Bác Hồ và các đại biểu. Bác Hồ và các đại biểu còn chơi thể thao và giao lưu văn nghệ với người dân, nên kỷ niệm của người dân với Ðại hội không chỉ là sự kiện trọng đại của đất nước mà còn là sự gần gũi, giản dị của Bác và các đại biểu, là nghĩa Ðảng, tình dân thắm thiết.

Hiện nay, hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Kim Bình được đầu tư xây dựng và hoàn thiện, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn và tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất. Các thôn đều xây dựng được nhà văn hóa mới, với diện tích 1.200 m2 mỗi nhà văn hóa; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia;... Ðể có được kết quả như hôm nay, xã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Khi phát huy được vai trò chủ thể của người dân, dân đóng góp, bàn bạc, làm trực tiếp và chính người dân kiểm tra thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Ðiển hình như việc xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, bình thường sẽ phải đầu tư khoảng 600 triệu đồng, nhưng nhờ có sự đóng góp và giám sát của người dân nên chi phí đầu tư giảm còn 310 triệu đồng đối với mỗi nhà văn hóa. Hay từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Kim Bình đã xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng cây đặc sản, xây dựng xưởng chế biến mắm cá ruộng (một sản phẩm truyền thống, độc đáo của địa phương đã nổi tiếng trong tỉnh), đăng ký với thương hiệu là "Mắm cá Cổ Linh". Xã cũng hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất tập trung 460 ha cây ăn quả, phát triển chăn nuôi gia súc với đàn trâu, bò hơn 1.000 con. Sản phẩm hàng hóa của người dân nơi đây đã bắt kịp thị trường tiêu dùng với những mô hình kinh tế hiệu quả. Ðó là nuôi thỏ xuất khẩu sang Nhật Bản, trồng chuối xuất khẩu, nuôi ốc nhồi, trồng chanh tứ thì, bí siêu quả, trồng gấc và cây dược liệu... Trong các phong trào phát triển kinh tế đó, nổi bật là vai trò tiên phong của đoàn viên thanh niên. Như anh Lục Văn Thùy, ở thôn Ðèo Lang có mô hình nuôi thỏ quy mô 500 con, mỗi năm xuất bán khoảng 1.000 con, thu lãi gần 80 triệu đồng. Một số đoàn viên, thanh niên đầu tư trồng cây có múi và bí siêu quả. Anh Ma Vĩnh Tích, ở thôn Pác Chài hiện có hơn 1.000 cây chanh tứ thì và năm sào bí siêu quả. Diện tích trồng chanh tứ thì của anh Tích lớn nhất trong xã, mỗi năm thu hơn 100 triệu đồng. Hay như anh Ma Ðình Tuyên, ở thôn Ðồng Cột đã chuyển đổi 1.000 m2 diện tích nuôi cá và trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi ốc nhồi, cho thu nhập 80 đến 100 triệu đồng/năm. Anh Tuyên cho biết, vốn đầu tư không lớn, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại chỗ như khoai, sắn, chuối và nguồn nước tự nhiên từ trên núi cao để nuôi, đồng thời sử dụng ngay chính lao động của gia đình. Ốc nhồi thương phẩm được thương lái mua tại chỗ và không đủ để bán. Hiện nay, anh Tuyên đã vận động một số hộ gia đình cùng phát triển nghề nuôi ốc nhồi trong ao, ruộng.

Hướng tới phát triển bền vững

Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình đã được phục dựng nguyên mẫu với Hội trường Ðại hội; Ðài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; lán ở của Bác Hồ; nhà bia tổng thể,... Nơi đây đã trở thành "địa chỉ đỏ" cho các hoạt động giáo dục truyền thống không chỉ riêng tỉnh Tuyên Quang mà của đồng bào cả nước, với hàng trăm nghìn lượt người tham quan mỗi năm. Dẫn chúng tôi thăm khu di tích, Chủ tịch UBND xã Ma Ðình Vũ cho biết, năm 2015, Kim Bình là một trong những xã đầu tiên của Tuyên Quang được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng Ðảng bộ và nhân dân chưa bằng lòng với kết quả này vì một số tiêu chí mới chỉ đạt ngưỡng mà chưa bền vững. Vì vậy, những năm sau đó, Ðảng bộ xã đều xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao hơn nữa các tiêu chí nông thôn mới, tập trung vào công tác vệ sinh môi trường, nhà ở dân cư và nâng cao thu nhập cho người dân. Kết thúc năm 2020, trên địa bàn xã chỉ còn 66 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,07% (năm 2011 tỷ lệ này là 54,27%).

Câu chuyện đổi mới nếp nghĩ, cách làm để xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc không chỉ có riêng ở Kim Bình mà là tư duy chung của Ðảng bộ và nhân dân huyện Chiêm Hóa. Hướng tới Ðại hội XIII của Ðảng, Huyện ủy đã đề ra những chương trình hành động thiết thực, cụ thể. Bí thư Huyện ủy Ma Phúc Hà cho biết, huyện đang tập trung xây dựng các đề án, kế hoạch, chương trình cụ thể để đưa nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp vào cuộc sống. Cụ thể là đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Huyện phấn đấu có ít nhất 30 sản phẩm được công nhận ba sao và có từ hai đến ba sản phẩm đạt năm sao theo chương trình OCOP; hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở sáu xã, phấn đấu có năm xã đạt nông thôn mới nâng cao và hai xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa theo hướng tập trung, an toàn, bền vững, gắn sản xuất, chế biến với thị trường tiêu thụ; phát triển sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị. Huyện tập trung xây dựng và triển khai đề án phát triển du lịch Chiêm Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu khai thác tiềm năng về du lịch để phát triển theo hướng bền vững, chú trọng phát triển loại hình du lịch lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, Chiêm Hóa tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, phấn đấu đến năm 2025 thu hút hơn 150 nghìn lượt khách du lịch. Với truyền thống vẻ vang của quê hương cách mạng, niềm tự hào là nơi từng diễn ra Ðại hội lần thứ II của Ðảng, Ðảng bộ và đồng bào các dân tộc huyện Chiêm Hóa nói chung, xã Kim Bình nói riêng đang từng ngày, từng giờ phấn đấu xây dựng quê hương tươi đẹp, phồn vinh.