TP Hồ Chí Minh xây dựng hạ tầng phát triển thương mại điện tử

Thời gian qua, cùng với thực hiện quy hoạch phát triển ngành thương mại điện tử, TP Hồ Chí Minh tiến hành xây dựng hạ tầng để phát triển lĩnh vực này thành mũi nhọn đột phá, đóng góp vào tăng trưởng của thành phố. 

Do tác động của dịch Covid-19 nên xu hướng người mua, bán tham gia thị trường thương mại điện tử ngày càng tăng. Theo thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp bán hàng trên sàn thương mại điện tử của thành phố đạt 5%; đối với người tiêu dùng, tỷ lệ kết nối in-tơ-nét để mua hàng đạt 62,5%, lựa chọn thanh toán trực tuyến là 17,9%. Giá trị mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng tăng khoảng 13,8%/năm. 

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng thị trường thương mại điện tử, thành phố đặt mục tiêu ít nhất 70% công chức phụ trách lĩnh vực kinh tế được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tổng quát về quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử; tất cả công chức trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước, thanh tra... về thương mại điện tử được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành. Thành phố cũng triển khai nhiều giải pháp hình thành không gian thị trường cho lĩnh vực thương mại điện tử phát triển; đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; tạo điều kiện kết nối thuận lợi giữa sàn thương mại điện tử với doanh nghiệp sản xuất. Trong đó, chú trọng kết nối nhóm doanh nghiệp thương mại điện tử với doanh nghiệp phân phối truyền thống, doanh nghiệp thương mại điện tử với cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Ngành công thương tham mưu, đề xuất thành phố nhiều giải pháp, trọng tâm là quy hoạch hình thành bảy trung tâm logistics, gồm: Cát Lái, Linh Trung, Hiệp Phước, Tân Kiên, Củ Chi, Long Bình và Khu công nghệ cao. Từ đó, định vị nhóm ngành, sản phẩm xuất khẩu mà thành phố quan tâm, hỗ trợ phát triển trong thời gian tới. 

* Tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 70 nghìn héc-ta đất canh tác, mỗi năm sản xuất ba vụ, sản lượng hơn 1,1 triệu tấn lúa/năm. Để nâng cao chất lượng lúa hàng hóa, cải thiện thu nhập cho nông dân, tỉnh thúc đẩy liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, ổn định đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Năm 2021, Tiền Giang triển khai 22 dự án và 17 kế hoạch liên kết tiêu thụ nông sản, chủ yếu trên cây lúa, cây ăn trái, rau màu vốn là thế mạnh nền nông nghiệp của tỉnh. Riêng về cây lúa, có đến 20 dự án hoặc kế hoạch liên kết sản xuất với tổng diện tích gần 5.100 ha với 3.115 nông hộ tham gia. Trước mắt, nhằm phát triển sản phẩm gạo VD 20 - đặc sản Gò Công đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 4 sao, UBND tỉnh Tiền Giang triển khai dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ gạo VD 20 (giai đoạn 2021 - 2025) với tổng kinh phí đầu tư hơn 7,67 tỷ đồng; trong đó vốn đối ứng doanh nghiệp hơn 2,63 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 3,22 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách nhà nước.

TP Hồ Chí Minh xây dựng hạ tầng phát triển thương mại điện tử -0
Người dân xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước (Tiền Giang) thu hoạch lúa vụ đông xuân. Ảnh: TRỌNG ĐẠT 

Tỉnh ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và các đối tác đầu tư kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng kết hợp xây dựng các mô hình khuyến nông, đồng thời lồng ghép trong nội dung liên kết theo mô hình cánh đồng lớn. Người nông dân còn được hỗ trợ vốn đầu tư giống, vật tư đầu vào, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, sản xuất lúa theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP... Tiền Giang xây dựng hai cánh đồng lớn kiểu mẫu tại xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè), diện tích 380 ha và xã Bình Nhì (huyện Gò Công Tây), diện tích 378 ha. Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn tạo sự phát triển bền vững cho nghề trồng lúa tại Tiền Giang...