Thuần Hưng phát huy truyền thống anh hùng

Xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) nằm dọc theo con sông Giàn hiền hòa, vốn nổi tiếng là đất hiếu học, khoa cử và truyền thống cách mạng. Thuần Hưng tự hào là nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên gắn liền với Di tích lịch sử cách mạng cây đa Sài Thị. Trong công cuộc đổi mới, Thuần Hưng đạt được nhiều thành tích, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Xã Thuần Hưng là nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên.
Xã Thuần Hưng là nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên.

Vùng đất giàu truyền thống

Tổng Đại Quan, xã Chí Minh (cũ), nay là xã Thuần Hưng và xã Đại Hưng, vùng quê giàu truyền thống lịch sử. Về khoa cử, có cụ Nguyễn Thừa Dân là Quận công, cụ Đào Vỹ Tích làm đến chức Công bộ Thượng thư, có nhiều người đỗ đạt làm quan, dạy học dưới thời phong kiến. Nhiều người dân Thuần Hưng đã tham gia nghĩa quân Tán Thuật; phá đồn Nhuế Dương trên sông Giàn; tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục...

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Đại Hưng - Thuần Hưng giai đoạn 1928-1954, cuối năm 1928, được giác ngộ bởi phong trào của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, cơ sở cách mạng đầu tiên (của tỉnh Hưng Yên) đã được thành lập và phát triển rộng khắp. Tới cuối năm 1929, để phù hợp yêu cầu cách mạng, tại nhà một cơ sở cách mạng thôn Sài Thị, chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) đầu tiên của tỉnh Hưng Yên được thành lập gồm bảy đồng chí (trong đó năm đồng chí là người Thuần Hưng). Từ đây, phong trào đấu tranh cách mạng được đẩy mạnh, phát triển và lan rộng hầu khắp các xã, huyện trong tỉnh. Nhân dân Thuần Hưng đã cùng những đảng viên cốt cán của địa phương lật đổ chính quyền tay sai, thu giữ sổ sách, vũ khí bàn giao cho chính quyền cách mạng trong những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế, người Thuần Hưng cũng đã góp nhiều sức người, sức của cùng quân, dân cả nước đánh giặc, giữ nước. Nhiều người con Thuần Hưng đã anh dũng hy sinh hoặc phải mang thương tật suốt đời… Sau ngày toàn quốc kháng chiến, dù phải hoạt động bí mật nhưng cán bộ, đảng viên và đại bộ phận nhân dân Thuần Hưng hăng hái tham gia lực lượng vũ trang, sẵn sàng đánh trả các cuộc tiến công của thực dân Pháp để giữ đất, giữ người, xây dựng vùng căn cứ kháng chiến, làm hậu phương vững chắc cho các mặt trận quanh vùng.

Trong những năm sau giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng bộ và nhân dân Thuần Hưng đã ra sức thi đua, giữ vững bản lĩnh chính trị, vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi những chỉ tiêu được giao, từng bước vượt qua đói nghèo, góp sức chung vào công cuộc đổi mới của địa phương.

Trong thời kỳ đổi mới, người Thuần Hưng đã phát huy bản chất cần cù, chịu khó lao động xây dựng quê hương giàu đẹp. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền đều có thành tích nổi bật: Vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” năm 2000; Đảng bộ nhiều năm liền được công nhận Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; năm 2015, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao…

Đồng chí Đào Tiến Hải, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Thuần Hưng là xã thuần nông, trước kia là vùng sông nước chằng chịt, đầy lau sậy, rất thuận tiện giao thông đường thủy và rất kín đáo, cho nên phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ. Không chỉ là nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Hưng Yên mà nơi đây còn là địa điểm gặp gỡ, trao đổi, hội họp, nghỉ chân… của nhiều đồng chí cán bộ cao cấp trong thời kỳ hoạt động bí mật. Di tích cây đa Sài Thị mới được Tỉnh ủy Hưng Yên cho phép tu sửa khang trang, xứng với truyền thống anh hùng của nhân dân Hưng Yên nói chung và Thuần Hưng nói riêng. Đó là nền tảng, là cơ sở để Đảng bộ và nhân dân Thuần Hưng vững bước trên con đường đổi mới và phát triển vững mạnh toàn diện.

Câu chuyện bên gốc đa Sài Thị

Luôn tự hào về vùng đất nhân văn giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, các thế hệ tiếp nối của xã như ông Nguyễn Viết Vĩnh, nguyên cán bộ văn hóa xã Thuần Hưng; Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tuấn, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế, lịch sử, sinh sống ở Hà Nội; ông Đinh Hữu Hồng, chị Lê Kim Tuyến ở TP Hồ Chí Minh và nhiều người con quê hương trên khắp mọi miền Tổ quốc đã đóng góp nhiều công sức xây dựng quê hương, cất công đi nhiều nơi tìm hiểu, sưu tầm các tài liệu về những đóng góp của nhân dân Thuần Hưng. Những tư liệu về lịch sử, con người quê hương Thuần Hưng dần được hé lộ, như về địa danh Đại Mang Bộ (tức bến Đại Mang). Đứng dưới gốc cây đa Mỏm Kè (tức cây đa Sài Thị), phóng tầm mắt ra xa phía mênh mông của con sông Giàn hiền hòa, ông Vĩnh kể: Nơi đây vốn là bến sông, quãng sông này từng rộng đến 130 m. Từ đây ra sông Hồng chỉ hơn 2 km, ngày xưa là một điểm nghỉ chân rất thích hợp cho người từ kinh thành về Hưng Yên buôn bán hoặc sang Hưng Hà (Thái Bình), xuôi xuống Thiên Trường (Nam Định) là nơi phát tích, hưng nghiệp của nhà Trần.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, quyển V, trang 308 - 309 (soạn giả Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng - NXB Thời đại 2013, in lại theo bản in của NXB Khoa học và xã hội 1971-1972) ghi: “Mùa hạ, tháng 4, vua sai bọn Chiêu Thành Vương, Hoài Văn hầu Quốc Toản, tướng quân Nguyễn Khoái đem binh nhẹ đón đánh ở bến Tây Kết. Quan quân cùng với quân Nguyên đánh nhau ở Hàm Tử quan”… “Ngày 20, hai vua tiến quân đóng ở bến Đại Mang. Tổng quản nhà Nguyên là Trương Hiển đầu hàng. Ngày hôm ấy đánh bại giặc ở Tây Kết, quân giặc chết và bị thương rất nhiều, chém được đầu nguyên soái Toa Đô”.

Như ghi chú của Đào Duy Anh trong Đại Việt sử ký toàn thư, “Tây Kết, Hàm Tử là những địa điểm trên sông Hồng, thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên ngày nay”. Hơn nữa, cách địa điểm Tây Kết khoảng 5 km, có một địa danh gọi là bến Đại Mang, địa điểm này nằm trên sông Giàn (con sông nhánh nối sông Cửu An và sông Hồng). Nơi đây thời phong kiến từng có tên là tổng Đại Quan, nay thuộc hai xã Thuần Hưng và Đại Hưng. Những dấu tích xưa cũ đã không còn ngoài cái tên địa danh còn lưu trong các tài liệu thư tịch cổ của làng, xã và một số hình ảnh điêu khắc thời Lý Trần còn sót lại ở ngôi đình cổ và miếu thờ họ Trần tại xã Thuần Hưng (“Đông A thế miếu”)...

Theo Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, căn cứ vào các tài liệu sử học, địa danh Đại Mang Bộ chính là vùng đất thuộc xã Thuần Hưng và các xã chung quanh ngày nay. Ngày 24-6-1285, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và Vua Trần Nhân Tông từ Trường Yên (Ninh Bình) và Thiên Trường (Nam Định) tiến quân bằng đường sông và dừng lại tại Đại Mang Bộ để bàn kế sách tiến đánh trận Tây Kết, giết tướng giặc Toa Đô.

“Với địa danh Đại Mang Bộ gắn liền với cuộc chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ hai (năm 1285), cùng với truyền thống cách mạng vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thuần Hưng luôn vinh dự, tự hào và có ý thức phát huy truyền thống đó trong xây dựng và phát triển trong sự nghiệp đổi mới”, đồng chí Nguyễn Tường Nguyên, Chủ tịch UBND xã Thuần Hưng chia sẻ. Để thế hệ trẻ hôm nay thêm tự hào và trân trọng lịch sử, trân quý những đóng góp của các thế hệ đi trước, các hoạt động giáo dục lòng yêu nước cần được chú trọng. Vì vậy, việc tiếp tục tôn tạo Di tích lịch sử cánh mạng cây đa Sài Thị, kết hợp xây dựng công trình văn hóa tâm linh Đại Mang Bộ là hết sức cần thiết. Những truyền thống vẻ vang và câu chuyện bên gốc đa Sài Thị càng khiến người dân Thuần Hưng thêm tự hào. Phát huy truyền thống đó, ngày nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thuần Hưng không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị vững mạnh.