Thanh niên Quảng Nam hăng hái nhập ngũ

Mùa tuyển quân năm nay, đồng loạt 18 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Nam tiễn đưa hàng nghìn thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS). Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật NVQS, tỉnh còn chăm lo thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, nắm chắc diễn biến tư tưởng, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả.

Đại diện các ban, ngành, đoàn thể xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước trao quà tặng thanh niên Bành Xuân Ý trước ngày nhập ngũ.
Đại diện các ban, ngành, đoàn thể xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước trao quà tặng thanh niên Bành Xuân Ý trước ngày nhập ngũ.

Đến Nam Trà My, huyện miền núi bị thiệt hại nặng nề do bão lũ cuối năm 2020, được biết, trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, Hội đồng NVQS các xã đều tổ chức các hoạt động ý nghĩa như: gặp mặt, tặng quà, kết nạp Đoàn cho thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ... Thanh niên Hồ Văn Vũ, ở thôn 2, xã Trà Leng tâm sự: Đợt lũ sau bão số 9 năm ngoái khiến gia đình tôi bị cuốn trôi nhà cửa, đang ở nhà tạm do Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã và địa phương dựng lên. Hiện, Quân khu 5 đang xây dựng khu tái định cư, thời gian tới nhà tôi sẽ có nơi ở mới khang trang hơn. Trong những thời điểm ngặt nghèo nhất, Bộ đội Cụ Hồ luôn sát cánh cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ nhân dân; nhất là quân và dân cả nước đã chung sức động viên, chia sẻ, giúp đỡ Trà Leng hồi sinh… Do vậy, cho dù hôm nay gia đình vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng thanh niên quê tôi luôn hăng hái lên đường tòng quân để góp sức mình bảo vệ Tổ quốc...!
 
 “Đi đầu quân! Đi trong mùa động viên...”, tiếng hát rộn rã từ loa phóng thanh ngân vang khắp TP Hội An như thôi thúc, giục giã tuổi trẻ địa phương tiếp nối truyền thống cha anh, lên đường nhập ngũ, theo tiếng gọi non sông. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban CHQS thành phố đã chuẩn bị đầy đủ vật tư y tế, nhất là khẩu trang, khu vực rửa tay sát khuẩn, bố trí không gian phù hợp để các đại biểu và thanh niên nhập ngũ thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh. Tuy không tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ tưng bừng, nhưng các địa phương vẫn tổ chức thăm hỏi, dành tặng tiền, trao nhu yếu phẩm (gạo, dầu ăn, sổ tay, kem đánh răng...) tặng công dân nhập ngũ. Theo kế hoạch, trong thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, địa phương sẽ cử các đoàn cán bộ đến động viên, khích lệ, biểu dương những kết quả mà các tân binh là con em của quê hương đạt được; đồng thời phối hợp đơn vị, gia đình quản lý quân nhân trong thời gian tại ngũ.
 
 Trước ngày hội tòng quân, về huyện Đại Lộc, các khẩu hiệu “Thanh niên Đại Lộc hăng hái lên đường nhập ngũ”, “Thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân”... được giăng khắp các ngả đường. Ngôi nhà nhỏ của gia đình thanh niên Lê Kỳ Anh, ở thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang, tấp nập người ra vào thăm hỏi, động viên. Ba của Kỳ Anh làm phụ hồ, mẹ thu lượm ve chai, lại mang căn bệnh ung thư vú đã ba năm nay, nhưng vẫn gồng gánh bươn chải lo cho ba con ăn học. Chia sẻ lo toan ấy, Kỳ Anh viết đơn tình nguyện nhập ngũ, với suy nghĩ: “Đọc báo, xem truyền hình, nói chuyện với các cán bộ ở Ban CHQS huyện, xã, thấy nhiều quân nhân vào bộ đội đã tiết kiệm phụ cấp gửi về giúp người thân và tích lũy được một số vốn để lập thân, lập nghiệp. Tôi cũng muốn được như thế. Biết tôi nhập ngũ, địa phương, cô bác, họ hàng đều giúp công, giúp của, tôi xúc động vô cùng. Cô Phạm Thị Xí chia sẻ: “Cái khó của gia đình tôi không thể giải quyết một sớm, một chiều. Mong con đi bộ đội để cháu có cơ hội phấn đấu bằng anh, bằng em. Ở nhà, lúc “tối lửa, tắt đèn” đã có bà con hàng xóm và các chú bộ đội, dân quân giúp đỡ”.
 
 Trước ngày giao nhận quân, Hội đồng NVQS các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý tốt số thanh niên trúng tuyển, kịp thời hỗ trợ nhân lực, vật lực, trao quà tặng thanh niên.
 
 Bài và ảnh: Đỗ Thị Ngọc Diệp
  HT: 6NH-203 Đà Nẵng