Tăng cường vận động an sinh xã hội ở vùng nông thôn

Nhiều năm qua, các địa phương trong tỉnh Long An tập trung cho mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khi mà xuất phát điểm là một tỉnh có hệ thống kết cấu hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu, đời sống đại bộ phận người dân còn nhiều khó khăn. Hệ thống giao thông của tỉnh tuy được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư nhưng do kinh phí có hạn, nhu cầu đầu tư lớn nên còn tình trạng thiếu đồng bộ. Thực tế cho thấy, địa bàn rộng với nhiều kênh rạch chằng chịt, thiếu cầu, đường... chính là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế của Long An.

Không để cái khó cản trở quá trình phát triển và sinh kế của người dân, tỉnh triển khai “Chương trình cầu nông thôn” thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa. 5 năm gần đây, toàn tỉnh đã huy động được nguồn kinh phí xây dựng hơn 230 cây cầu, cống nằm trên trục đường giao thông nông thôn. Từ đó, những con đường vào ngõ xóm, những cây cầu tạm bợ, ẩn chứa hiểm nguy khi người dân đi lại đã được thay bằng các công trình bê-tông kiên cố.
 
 Qua việc mở rộng vận động từ thiện, huy động cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã góp hơn 611 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2020 là hơn 55 tỷ đồng góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp hộ nghèo sinh kế. Hiệu quả không chỉ tính bằng vật chất, hoạt động này đã mang niềm vui lớn cho người dân, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện biên giới của tỉnh.
 
 Một nhiệm vụ quan trọng được Đại hội XIII của Đảng đề ra là: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý và phát triển xã hội. Nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của người dân… Thiết nghĩ, trước hết đây là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở. Thực tế cho thấy, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn hiện nay, ngoài đầu tư từ ngân sách, cần đẩy mạnh việc xã hội hóa các chương trình an sinh xã hội, tăng cường nguồn lực để cải thiện bộ mặt nông thôn và đời sống người dân. Khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, cần coi trọng việc tiếp nhận các chương trình an sinh xã hội. Nhất là việc hỗ trợ kịp thời cây giống, con giống, công cụ lao động sản xuất; xây dựng, sửa chữa nhà ở dột nát, trường, lớp học xuống cấp; tài trợ kinh phí, học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức khám, chữa bệnh cho người nghèo…
 
 Như vậy, các cấp ủy, chính nguyền, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở có vai trò rất lớn, thể hiện qua công tác nắm bắt tình hình và tổ chức vận động các nguồn quỹ, kinh phí nhằm huy động tiềm năng, sự đóng góp, hỗ trợ quý báu của các cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng vào các chương trình an sinh xã hội. Từ đó, đặt ra yêu cầu với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở phải tự đổi mới, chủ động, đa dạng hình thức tổ chức, hoạt động. Thủ lĩnh các đoàn thể phải có năng lực và nhiệt huyết hơn, biết xoay xở “cái khó ló cái khôn” trong vận động quần chúng. Quá trình này, còn phải làm tốt việc quản lý, điều hành, giám sát nguồn đóng góp, đồng thời ngăn chặn biểu hiện tham nhũng, lãng phí, sử dụng hiệu quả, đúng đối tượng; bảo đảm phương châm dân biết, dân bàn, dân giám sát, dân kiểm tra và hưởng lợi đầy đủ từ các chương trình, hoạt động mang đậm tính truyền thống, nhân văn trong cộng đồng, xã hội.