Sinh hoạt tư tưởng

Rất cần một niềm tin

Đang công tác tại văn phòng huyện ủy, anh xin đi cơ sở, đến một xã đặc biệt khó khăn với quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của người dân. 

Ngày anh đi nhận nhiệm vụ bí thư đảng ủy xã, nhiều người ái ngại cho anh bởi địa bàn ấy là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, rất khó để tìm ra một “cú huých” phát triển. Nhưng anh tin là có quyết tâm và nhất là được sự tin cậy, ủng hộ của nhân dân thì chắc chắn làm được. Chưa đầy hai năm sau, xã đã mang một diện mạo khác hẳn, ai nấy đều khấn khởi. 

Có dịp ngồi chuyện trò với bí thư đảng ủy xã, tôi hỏi:

- Là cán bộ trẻ, chưa qua thực tiễn cơ sở, làm thế nào để anh có thể thay đổi tình hình nhanh như vậy?

- Nền tảng để tạo ra sự thay đổi là phải có niềm tin chị ạ. Tôi về xã, việc đầu tiên là gặp gỡ người dân, nắm tình hình thực tiễn đời sống, vác ba-lô đi thực địa nhiều ngày để hiểu rõ những lợi thế, bất cập của địa phương. Trên cơ sở đó đề ra những chủ trương phát triển kinh tế - xã hội hợp lý, khả thi. Từ chủ trương ấy, biến thành những chương trình thực hiện mà trong đó người dân là chủ thể. Cán bộ cùng người dân “xắn tay” vào việc với tất cả ý chí và tâm huyết tất đi đến kết quả. Kết quả ấy củng cố niềm tin của nhân dân, tạo sự đồng thuận triển khai những chương trình tiếp theo. 

Đang hào hứng chia sẻ, bỗng người bí thư đảng ủy xã trầm ngâm:

- Nhưng không phải mọi việc đều thuận lợi như thế. Ban đầu tôi vấp phải ý kiến không ủng hộ của một số đồng chí lãnh đạo xã, những người đã làm việc theo thói quen và tư duy kinh nghiệm, rất ngại đổi mới hoặc là không thể đổi mới do bị áp lực bởi lợi ích của người thân, họ hàng. Hoặc có việc dù ích lợi cho dân nhưng lại động chạm đến ban nọ, ngành kia. Có những lúc tưởng như bế tắc. Một số ý kiến nghi ngại trước khi tôi về xã rằng, không thể đổi thay vùng đất ấy lại được dịp nổi lên như muốn làm nhụt chí…

- Vậy làm thế nào anh vượt qua được giai đoạn ấy để xã có diện mạo như ngày hôm nay?

- Đó là nhờ có niềm tin. Để thực hiện được các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó một số việc chưa có tiền lệ, vượt tầm quyết định của cơ sở, tôi xin ý kiến cấp trên. Điều rất quan trọng là cấp trên đã tin tưởng, ủng hộ quyết sách và động viên tôi vượt qua khó khăn, quyết tâm làm cho bằng được. Nếu không có được sự tin tưởng, động viên ấy, chắc khó khăn sẽ còn kéo dài. Bản thân quyết tâm là sẽ làm được, đồng thời cấp trên tin tưởng giao phó, nhân dân đồng thuận đã tạo nên sức mạnh, không việc gì là không làm được. 

Bố trí, luân chuyển, biệt phái cán bộ trẻ về cơ sở để rèn luyện năng lực, phẩm chất thông qua thực tiễn là biện pháp mà nhiều tỉnh, thành phố đang áp dụng. Việc này mang lại lợi ích kép là không chỉ rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ mà còn tạo ra được chuyển biến tích cực ở địa phương. Như câu chuyện nêu trên, nhiều cán bộ về cơ sở đã thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ nhờ phát huy được sở trường bản thân cộng với sự năng động, nhiệt tình, xông xáo của tuổi trẻ… Tuy nhiên, cũng có không ít đồng chí thất bại, không vượt qua được những rào cản do thiếu kinh nghiệm. Vì vậy, rất cần có sự quan tâm của cấp ủy, lãnh đạo cấp trên. Không chỉ đơn thuần giao nhiệm vụ, cấp ủy, lãnh đạo cấp trên cần có sự tin tưởng và luôn dõi theo, nắm bắt tình hình để kịp thời hỗ trợ, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và động viên, khích lệ cán bộ ở cơ sở hoàn thành nhiệm vụ. Có như vậy, mới xây dựng được đội ngũ cán bộ thật sự trưởng thành.