Quân khu 1 làm tốt công tác dân vận vùng sâu, biên giới

Ðến nay, Quân khu 1 đã thành lập 76 đội công tác chuyên ngành, 113 đội công tác liên ngành với hơn ba nghìn đội viên tham gia công tác dân vận giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới thuộc 319 xã, phường. Các đội công tác đã tiến hành tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết, pháp luật, pháp lệnh cho gần ba triệu lượt người dân. Ðồng thời, Quân khu chỉ đạo, tổ chức 87 đại đội với hơn 5.100 lượt cán bộ, chiến sĩ thực hiện huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận, tham gia “xóa đói, giảm nghèo” tại 92 cơ sở địa phương; tuyên truyền chống truyền đạo trái pháp luật 17 đợt tại 38 thôn, bản thuộc 27 xã; tổ chức 25 buổi gặp mặt biểu dương 1.750 lượt tín đồ tôn giáo, già làng, trưởng bản tiêu biểu trên địa bàn.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 (Quân khu 1) giúp nhân dân xã Lâm Sơn (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) làm đường bê-tông liên thôn. Ảnh: TRẦN HỮU HUY
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 (Quân khu 1) giúp nhân dân xã Lâm Sơn (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) làm đường bê-tông liên thôn. Ảnh: TRẦN HỮU HUY

Thực hiện chủ trương công tác dân vận bám sát cơ sở, đến nay, các đơn vị lực lượng vũ trang quân khu đã phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng hơn 680 cơ sở chính trị (trong đó 304 cơ sở vùng dân tộc, 167 cơ sở vùng tôn giáo, 62 cơ sở vùng giáp biên, 148 cơ sở có vụ việc phức tạp); phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố 87 tổ chức đảng, 850 tổ chức chính trị, xã hội, 23 đầu mối dân quân...

* Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị nhằm từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Các cấp ủy, các địa phương chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong diện quy hoạch, cán bộ nữ, cán bộ trẻ; khắc phục tình trạng bố trí cán bộ cục bộ, khép kín trong từng địa phương, đơn vị; tạo điều kiện để cán bộ được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, bảo đảm trưởng thành cả về trình độ, năng lực công tác, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sâu sát cơ quan, đơn vị, địa phương...

Quy trình công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ hơn. Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại được xem xét, quyết định một cách dân chủ, trên cơ sở phát huy đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của từng thành viên, nhất là của người đứng đầu; các khâu, các bước trong quy trình công tác cán bộ thực hiện bảo đảm quy định. Cán bộ được bổ nhiệm đều xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị, từ đó, chất lượng cán bộ chung trong toàn tỉnh được nâng lên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới cho cán bộ các cấp được tỉnh quan tâm, theo hướng gắn với chức danh quy hoạch và sử dụng cán bộ. Chủ trương luân chuyển kết hợp với bố trí một số chức danh lãnh đạo không là người địa phương đạt được kết quả bước đầu, hiện đã bố trí sáu huyện, thị xã, thành phố có bí thư không phải là người địa phương. Tỉnh cũng tiến hành mở rộng thực hiện thí điểm bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, hiện đã có 52 trong tổng số 235 xã thực hiện.