Phát huy vai trò tổ chức đảng trong đồng bào dân tộc ở Sóc Trăng

Sóc Trăng là một trong số ít tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Trong đó, đồng bào Khmer chiếm tỷ lệ gần 31% số dân toàn tỉnh. Từ đặc thù này, thời gian qua, Tỉnh ủy Sóc Trăng ban hành  nhiều chủ trương, chính sách, cách làm mới trong công tác tạo nguồn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người DTTS làm nòng cốt, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Cán bộ, đảng viên xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên) tiếp xúc với người dân trồng hoa màu theo hướng hữu cơ tại địa phương.
Cán bộ, đảng viên xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên) tiếp xúc với người dân trồng hoa màu theo hướng hữu cơ tại địa phương.

Nhân tố mới, nguồn sinh lực mới

Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên là người địa phương, làm nòng cốt ở cơ sở là nguồn sinh lực mới cho phong trào địa phương. Trên thực tế, khi đội ngũ đảng viên người DTTS tăng về số lượng và chất lượng, sẽ góp phần phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở trong thực hiện các chủ trương, chính sách, cũng như đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn nêu thực tiễn kinh nghiệm được tổng kết qua hai nhiệm kỳ của đảng bộ tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, đề cập  công tác xây dựng và phát triển Đảng trong đồng bào DTTS. Như nghị quyết về “phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020”; kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện đề án “Củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo đến năm 2020”; nghị quyết  về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”,… Theo đó, các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh triển khai nhiều giải pháp trong phát triển Đảng, đào  tạo bồi dưỡng cán bộ là người DTTS, nhất là trong đồng bào Khmer, có số lượng chiếm gần 1/3 tổng số dân toàn tỉnh.   
    
Anh Sơn Thái Phe, người Khmer, từ một quần chúng ưu tú, trưởng thành từ phong trào địa phương xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, được bồi dưỡng kết nạp Đảng. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, anh được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú. Khi làm việc, anh Sơn Thái Phe trao đổi, anh luôn xem vấn đề giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer là một ưu tiên quan trọng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, anh đã tham mưu lãnh đạo, quyết tâm kiện toàn lại Ban Chỉ đạo giảm nghèo của xã, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí trong Ban Chỉ đạo. Anh đã phát huy, nâng cao vai trò của từng đồng chí trong cấp ủy của ấp, chỉ đạo cho các ấp phân loại hộ nghèo thành từng đối tượng cụ thể, từ đó xác định được nguyên nhân nghèo để có những giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Chính phương pháp này, sau bốn năm thực hiện, anh đã giúp đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 140 hộ, chiếm 2,44%, góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu giảm nghèo dưới mức 4% theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ xã, góp phần đưa xã Thạnh Phú hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới đúng lộ trình. Có uy tín với đảng viên và nhân dân, tại Đại hội Đảng bộ xã Thạnh Phú, nhiệm kỳ 2020 - 2025, anh Sơn Thái Phe được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành, với chức vụ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã.

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên Đặng Văn Phương cho biết, hiện huyện có 4.104 đảng viên, trong đó 713 người là đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ hơn 17%. Nhiệm kỳ vừa qua, số cán bộ, đảng viên là người DTTS đã tăng gấp đôi so với nhiệm kỳ trước và được cơ cấu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã, thị trấn là 25/165 đồng chí, chiếm tỷ lệ hơn 15%; có bốn đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, chiếm tỷ lệ 10%. Cơ bản hơn, đội ngũ đảng viên mới luôn phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, trở thành những hạt nhân trong tuyên truyền, vận động, luôn tiên phong, gương mẫu trong các phong trào; cũng như tương tác tốt trong việc đưa cuộc sống vào nghị quyết, để từ đó thể nghiệm nghị quyết vào trong cuộc sống.    
                
Thực tiễn nhiều địa phương ở Sóc Trăng cho thấy, việc phát triển đảng viên là người DTTS sẽ góp phần thực hiện tốt công tác dân vận, theo đó còn làm tăng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước liên quan đến vùng đồng bào DTTS; tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Chú trọng công tác bồi dưỡng nguồn phát triển đảng viên là người tại chỗ, nhất là tại các thôn, ấp chưa có đảng viên hoặc, có ít đảng viên là người DTTS.  

Hạt nhân chính trị và động lực từ cơ sở

Để củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là trong vùng đồng bào DTTS, các cấp ủy trong toàn Đảng bộ tỉnh  Sóc Trăng nhiều năm qua đặc biệt coi trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, ngang tầm nhiệm vụ. Theo đó, tỉnh chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đủ trình độ, năng lực và phẩm chất trong đồng bào DTTS. Để chính sách đào tạo nguồn nhân lực bảo đảm tính lâu dài, bền vững, Sóc Trăng đã đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo, cụ thể như các trường nội trú, trường bổ túc văn hóa,… bảo đảm thu hút con em đồng bào Khmer đến trường ngày càng đông. Thực tế khẳng định, trình độ văn hóa trong cộng đồng dân cư đồng bào dân tộc ngày được nâng lên. Cùng những thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội đã góp phần tích cực vào ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 

Trong lĩnh vực này có vấn đề được tỉnh Sóc Trăng dồn sức giải quyết là việc tập trung xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong vùng đồng bào DTTS, nhất là đồng bào Khmer. Tỉnh củng cố, phát huy vai trò của hội đoàn kết sư sãi yêu nước các cấp, xây dựng đội ngũ lực lượng cốt cán, có uy tín làm hạt nhân trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Đến nay, cán bộ chủ chốt là người Khmer ở các cấp đã phát huy tốt bản lĩnh chính trị của mình, sự tiên phong, gương mẫu, cũng như phát huy tốt sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Huyện Mỹ Xuyên là địa phương có đông đồng bào DTTS trong tỉnh Sóc Trăng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc và các chính sách đối với đồng bào DTTS. Mỹ Xuyên đã trở thành một trong hai đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo nông thôn huyện không ngừng khởi sắc. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 48 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 26 triệu đồng/người/năm so với năm 2011… Theo các đồng chí lãnh đạo huyện, “cú huých” giúp huyện đạt được kết quả này, là nhờ trình độ đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị được nâng lên, gắn liền việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức người DTTS một cách khoa học, phù hợp, giúp đội ngũ này phát huy hiệu quả trong công tác. 

Chính sách chăm lo cho đồng bào DTTS là một chủ trương lớn, thông qua công tác cán bộ, phát triển đảng viên là người DTTS ở Sóc Trăng luôn giải quyết hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã cơ bản kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giữ ngạch chuyên viên cao cấp là 2/14 người; ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương là 69/2.680 người; trình độ chuyên môn người DTTS: Trên đại học (tiến sĩ, thạc sĩ) là 131/706 người; đại học là 2.810/16.344 người; cao đẳng là 1.285/3.247 người… 

Đó là những nhân tố quan trọng bảo đảm nhiều chủ trương, chính sách  lớn của Đảng và Nhà nước và của tỉnh đối với vùng và đồng bào DTTS đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả những năm qua, như: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh giai đoạn 2017 - 2020; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS… Thông qua việc triển khai thực hiện các chính sách nêu trên đã làm thay đổi căn bản suy nghĩ, nhận thức của đồng bào DTTS nói chung và đồng bào Khmer nói riêng. Qua đó, đồng bào được tiếp cận với các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2 đến 3%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm hơn 4%/năm; cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm được nâng cấp và đầu tư xây mới; lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước, cấp ủy chính quyền địa phương.

Được biết, giai đoạn tới tỉnh Sóc Trăng tiếp tục tăng cường đưa cán bộ, đảng viên là người địa phương về cơ sở làm nòng cốt trong các phong trào thi đua, nhằm thúc đẩy củng cố hệ thống chính trị, bảo đảm thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS trong tình hình mới.