Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10-8)

Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Cách đây 59 năm (ngày 10-8-1961), quân đội Mỹ lần đầu tiên rải chất độc hóa học (CĐHH) xuống miền nam nước ta. Trong 10 năm (từ 1961 đến 1971), quân đội Mỹ đã phun rải xuống miền nam Việt Nam hơn 80 triệu lít CĐHH, 61% trong số đó là chất độc da cam (CĐDC), chứa 366 kg đi-ô-xin xuống diện tích hơn 3,06 triệu héc-ta. Trong lịch sử nhân loại, đây là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, thời gian dài nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất đối với môi trường và sức khỏe con người. CĐDC làm hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn ba triệu người là nạn nhân.

Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam thăm, tặng quà các nạn nhân tại tỉnh Cà Mau.
Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam thăm, tặng quà các nạn nhân tại tỉnh Cà Mau.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm, nhưng nỗi đau da cam vẫn dai dẳng, nhức nhối. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng triệu người mắc các bệnh hiểm nghèo, bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật, trong đó có cả thế hệ thứ ba và thứ tư; nhiều phụ nữ không có được thiên chức làm vợ, làm mẹ. Đó là nỗi đau chung của dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ.
 
 Nhiều năm qua, công tác giải quyết hậu quả CĐHH và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) luôn được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương... quan tâm, xác định đây là vấn đề vừa lâu dài, vừa quan trọng và cấp bách, có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội to lớn, mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành… đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến nhiệm vụ khắc phục hậu quả CĐHH, trong đó rất coi trọng giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng nói chung và người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH nói riêng. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và Hội NNCĐDC/đi-ô-xin thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, động viên các nạn nhân, nhất là trong dịp Tết, Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27-7), Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10-8)…
 
 Hằng năm, Nhà nước dành khoản ngân sách hơn 10 nghìn tỷ đồng để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NNCĐDC và hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của CĐDC. Hiện, toàn quốc có hơn 320 nghìn người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐDC và con đẻ của họ được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Cả nước hiện có 12 làng Hòa Bình, làng Hữu Nghị và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, đang nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng CĐDC. Toàn Hội có 26 trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng, dạy nghề và 11 cơ sở xông hơi giải độc, phục hồi sức khỏe cho NNCĐDC...
 
 Từ năm 2004 đến nay, Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10-8) hằng năm; phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” (do Hội NNCĐDC/đi-ô-xin Việt Nam phát động) và phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” (do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phát động) thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của cộng đồng trong nước, quốc tế, thể hiện tình cảm, trách nhiệm, lương tâm, đạo lý và nghĩa cử cao đẹp, góp phần thiết thực chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và xoa dịu nỗi đau da cam.
 
 Ngày 14-5-2015, Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Chỉ thị nêu rõ: “Công tác khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị…” và “Các cấp ủy đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ Hội NNCĐDC/đi-ô-xin Việt Nam các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
 
 Chỉ thị số 43-CT/TW thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và toàn hệ thống chính trị đối với NNCĐDC và hoạt động của tổ chức hội các cấp. Chuyển biến rõ nét sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW là, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã nhận thức sâu sắc, quan tâm hơn đến việc giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC. Chính phủ, các bộ, ngành, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc T.Ư kịp thời cụ thể hóa thành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chỉ thị. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo được ban hành kịp thời, tương đối đồng bộ, tạo hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện. Nhiều chế độ, chính sách đối với nạn nhân và con đẻ của nạn nhân bị di chứng CĐDC được bổ sung, sửa đổi kịp thời.
 
 Thông qua việc triển khai thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW, công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, qua đó, các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức và bạn bè quốc tế… hiểu rõ hơn thảm họa da cam/đi-ô-xin do Mỹ gây ra ở Việt Nam. Cấp ủy, chính quyền và Hội NNCĐDC/đi-ô-xin các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả vận động các nguồn lực giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC.
 
 Từ năm 2015 đến tháng 6-2020, các cấp hội đã vận động quỹ (gồm tiền và vật chất) tổng trị giá hơn 1.555 tỷ đồng, sử dụng hiệu quả để đầu tư xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề; hỗ trợ vốn sản xuất, xây nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà, tặng xe lăn; khám, chữa bệnh, thăm hỏi, tặng quà nạn nhân CĐDC… Hình thức chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và gia đình ngày càng đa dạng, mang tính bền vững hơn. Nhờ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chung tay góp sức của cộng đồng, đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhiều nạn nhân và gia đình có thêm động lực phấn đấu vượt qua khó khăn, bệnh tật, hòa nhập xã hội và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
 
 Những năm qua, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho Hội NNCĐDC/đi-ô-xin Việt Nam các cấp củng cố tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, phát triển hội viên; hỗ trợ trụ sở, phương tiện làm việc và thực hiện các chính sách đối với cán bộ làm công tác hội… Thực tế cho thấy, ở đâu, nơi nào quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền nghiêm túc; các cấp Hội chủ động tham mưu và xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể, thiết thực, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thì hoạt động của hội ở đó hiệu quả, tổ chức hội được xây dựng, củng cố vững mạnh, nạn nhân được quan tâm, chăm lo tốt hơn.
 
 Chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC là lương tâm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức và mỗi người dân. Kỷ niệm 59 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2020) và Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10-8) là dịp để đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời có các hoạt động cụ thể, thiết thực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Thời gian tới, Hội NNCĐDC/đi-ô-xin Việt Nam tiếp tục đề nghị các ngành chức năng xem xét giải quyết chế độ chính sách đối với người có công tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH và thế hệ thứ ba bị di chứng CĐDC. Các cấp hội tiếp tục quán triệt sâu sắc các văn bản, chỉ thị của Đảng, Nhà nước; bám sát đặc điểm, tình hình thực tế địa phương, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền quan tâm xây dựng tổ chức hội vững mạnh; đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao là chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC/đi-ô-xin Việt Nam.
 
 Thượng tướng 
 NGUYỄN VĂN RINH
 
 Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam