Phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các địa phương

Trong bài viết Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Ðại hội XIII của Ðảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có những đánh giá, nhận định sâu sắc, khách quan, từ đó rút ra những bài học, đưa ra các giải pháp, phương hướng quan trọng cho sự phát triển đất nước trong những năm tới. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong giai đoạn tới là phát triển nhanh và bền vững; riêng trong phát triển kinh tế là huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các chủ thể kinh tế và các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh. 

Cá nhân tôi suy nghĩ, ở đây, người đứng đầu Đảng ta đề cập đến việc phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế và nguồn lực của các địa phương, các ngành, lĩnh vực và cả nước trong phát triển kinh tế. Đây được xem là nguồn lực lớn nhất, bền vững nhất nếu biết phát huy tốt. 

Chúng ta đang thực hiện tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020), đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) và các chiến lược phát triển kinh tế ngành, lĩnh vực và khu vực cụ thể, trong đó đều đề cập đến việc phát huy tiềm năng, lợi thế của từng khu vực và cả nước để tạo nguồn lực cho sự phát triển. Chúng ta nhớ lại thời bao cấp, mỗi khu vực, mỗi địa phương là một “pháo đài”, rồi bước sang những năm đầu đổi mới vẫn là tình trạng các tỉnh trong từng khu vực na ná nhau, như đều có nhà máy xi-măng lò đứng, nhà máy đường, cảng biển… nhưng mạnh ai nấy làm, chứ chưa có sự liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Tôi thấy, ở các tỉnh miền trung đều có các khu kinh tế, song chỉ số ít địa phương thu hút nguồn lực đầu tư tốt, phát huy được hiệu quả, còn lại trong tình trạng làng nhàng, hoạt động hạn chế. Cụ thể, tại tỉnh Quảng Bình, việc thành lập Khu kinh tế Hòn La đã lâu nhưng mức độ thu hút đầu tư còn rất khiêm tốn, đất đai bỏ hoang nhiều, gây lãng phí. Các dự án trọng điểm triển khai chậm nên hiệu quả từ khu kinh tế còn hạn chế. Điều đó cho thấy, liên kết, phát huy tiềm năng của các địa phương thời gian qua đã bộc lộ những bất cập nhất định, cần được rút kinh nghiệm, có các giải pháp phát triển để thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương và cả nước.

Do vậy, tôi nghĩ rằng, với các địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Bình đang tập trung chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025, thì bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là một gợi ý tâm huyết, giải pháp thiết thực để Đảng bộ bổ sung vào văn kiện phục vụ đại hội, làm rõ thêm định hướng phát triển trong tương lai. Đồng thời, trên cơ sở phương hướng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu ra, các bộ, ngành Trung ương cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch vùng nhằm tạo sự liên kết thống nhất để phát huy, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và cả nước, tạo ra nguồn lực cho phát triển, đưa đất nước tiến lên.

NGUYỄN VĂN TÂM

(Phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, Quảng Bình)