Ðổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận

Chiều 9-12, tại tỉnh Bắc Ninh, Ban Dân vận T.Ư phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học chủ đề “Những vấn đề lý luận và giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ trì hội thảo.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến, đề xuất phương hướng, giải pháp đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả, phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong bối cảnh mới, mang tính lý luận, thực tiễn sâu sắc; làm rõ quan điểm của Ðảng về công tác dân vận, nội dung phương thức lãnh đạo công tác dân vận trong tình hình mới; tác động của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến công tác dân vận; việc củng cố mối quan hệ của Ðảng với nhân dân, lòng tin của nhân dân với Ðảng. Về công tác vận động quần chúng của Ðảng hiện nay, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, cần tổ chức hoạt động dân vận thành hệ thống khép kín; chú trọng, quan tâm đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân; phát huy quyền làm chủ của người dân. Công tác dân vận phải gắn liền với việc xây dựng Ðảng, Nhà nước, tổ chức bộ máy và con người trong sạch, vững mạnh. Mỗi cán bộ của Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cần làm tốt trách nhiệm, hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ Ðảng, Nhà nước giao; quan hệ tốt, tận tình, giúp đỡ nhân dân. Công tác dân vận cũng cần quan tâm đến việc giải quyết sự phân hóa, công bằng xã hội; tổ chức, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; vấn đề an ninh quốc gia…

Ðồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu ý kiến nhấn mạnh công tác dân vận cần chú trọng thực hành dân chủ, phát huy quyền là chủ, làm chủ của nhân dân, góp phần hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và cơ chế “Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” đã tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những bức xúc chính đáng, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Những kết quả đó đã góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Ðảng, Nhà nước; phát huy lòng yêu nước chân chính, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo trong nhân dân; tiếp tục khẳng định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Ðảng, nhân dân trong thời kỳ mới.